Tác nhân không ngờ gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh tim bẩm sinh là một trong những chứng bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với trẻ nhỏ.

Ảnh hưởng của bệnh khiến chất lượng cuộc sống của trẻ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim bẩm sinh chiếm khoảng 0,7 - 0,8% tổng số trẻ sơ sinh lúc chào đời. Hàng năm tại Việt Nam có khoảng 16.000 trẻ bị mắc bệnh này được sinh ra, số mắc mới đang có xu hướng ngày càng tăng. Trong đó có 30% bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp và 70% là không phức tạp.

Bên cạnh đó, phần lớn trẻ mắc tim bẩm sinh được chẩn đoán muộn, tỷ lệ tử vong do bệnh rất cao, chiếm khoảng 15% tổng số tử vong ở trẻ thời kỳ sơ sinh. Đa số trường hợp tử vong của bệnh tim bẩm sinh xảy ra trong 2 năm đầu đời.

Những yếu tố nguy cơ từ bố mẹ khiến trẻ mắc tim bẩm sinh

Theo TS.BS Nguyễn Sinh Hiền - PGĐ Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên nhân bệnh tim bẩm sinh phần lớn chưa được biết đến. Những tác nhân đã được xác định bao gồm yếu tố di truyền và các yếu tố liên quan đến môi trường sống.

Tác nhân không ngờ gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

Ngày càng nhiều trẻ em được sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân do di truyền

Theo thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, bệnh tim bẩm sinh chiếm tỷ lệ 0,8% trong các trường hợp mang thai đầu tiên và 2-6% các trường hợp mang thai lần 2. Trường hợp gia đình đã có 2 người bị dị tật tim bẩm sinh thì nguy cơ mắc bệnh ở đứa trẻ sẽ ra đời là 20-30%.

Lối sống thiếu lành mạnh

Mẹ nghiện rượu, thuốc lá, chất kích thích cũng làm tăng tỷ lệ mắc tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Ô nhiễm môi trường

Môi trường sống tác động rất nhiều lên việc hình thành bệnh tim bẩm sinh. Bệnh có thể là hậu quả bởi những yếu tố môi trường độc hại ảnh hưởng lên người mẹ trong quá trình mang thai, như: ô nhiễm không khí, tia phóng xạ, ô nhiễm nguồn nước, hoá chất, ô nhiễm thực phẩm, kim loại nặng, vi khuẩn, siêu vi khuẩn,… cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh.

Chế độ ăn uống không phù hợp

Theo ThS.BS Lê Thị Hải - Nguyên GĐ Trung tâm khám, tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi rất nhiều. Chế độ ăn thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu kẽm, sắt, axít folic, cũng làm tăng nguy cơ thai nhi bị những dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên chế độ ăn thừa dinh dưỡng khiến bà mẹ bị thừa cân béo phì, dẫn đến tiểu đường thai nghén thì nguy cơ tim bẩm sinh ở thai nhi cũng rất cao.

Bệnh tim bẩm sinh có thể được phòng ngừa và phát hiện sớm

Tác nhân không ngờ gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

Bệnh tim bẩm sinh có thể phòng tránh được (Ảnh minh họa: Internet)

Khám sàng lọc tim bẩm sinh

Khảo sát tim nhằm kiểm tra siêu âm giải phẫu học của tim, nhịp tim thai, vị trí các mạch máu và các tĩnh mạch trở về tim. Trong một số trường hợp, chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh trước khi sinh giúp gia đình có định hướng can thiệp kịp thời, hoặc có sự tổ chức và lập kế hoạch để bé chào đời ở nơi có đầy đủ trang thiết bị chăm sóc tốt về tim mạch ngay sau sinh.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những phụ nữ có chế độ ăn uống lành mạnh trước và trong khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở thai nhi. Phụ nữ mang thai nên ăn những loại thực phẩm có chứa nhiều axít folic và vitamin D vì axít folic giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, các dị tật bẩm sinh. Một chế độ ăn uống lành mạnh thường bao gồm cá tươi, trái cây, các loại hạt và rau quả.

Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ

Trước khi mang thai cần tiêm phòng vắc-xin Rubella, vì đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, nếu mẹ mắc các bệnh thủy đậu, sởi, tiểu đường, mắc bệnh miễn dịch... thì con cũng có thể bị bệnh tim bẩm sinh, vì vậy cần điều trị sớm. Không để mắc các bệnh siêu vi trong 3 tháng đầu mang thai.

Cải thiện môi trường sống

Tránh những nơi ô nhiễm bởi khói, bụi hóa chất. Tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc, chất kích thích, thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá… chất phóng xạ dễ ảnh hưởng tới sức khỏe con người nói chung và đặc biệt nguy hại tới sự phát triển bình thường của thai nhi.

>> Xem thêm: TS. Nguyễn Sinh Hiền tư vấn trực tiếp: Điều trị bệnh tim bẩm sinh

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!