Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trò chơi điện tử giúp trẻ thông minh, nhanh tay nhanh mắt, phản xạ và tư duy tốt. Nhưng chắc chắn các bậc phụ huynh đều hiểu chúng còn còn ẩn chứa nhiều nguy hại với trẻ, nhất là về thị lực và ảnh hưởng đến học tập. Biết vậy mà tại sao người lớn lại luôn dùng điện thoại, ti vi để dỗ trẻ nín khóc?
Như vậy, cha mẹ đã hình thành thói quen sử dụng công nghệ cho trẻ ngay từ nhỏ. Nếu trẻ lớn lên mà không biết đến các giá trị văn hóa dân tộc thì đó cũng là lỗi của chính các bậc làm cha mẹ. Dạy con biết và thích chơi các trò chơi dân gian cũng là cách thể hiện tình yêu với đất nước, với truyền thống nghìn năm của người Việt.
Vai trò của trò chơi dân gian
Càng ngày, cuộc sống càng hiện đại, trẻ con càng ít biết đến những trò chơi dân gian. Trò chơi dân gian còn gắn với những câu ca dao, tục ngữ, những bài đồng dao và hơn hết là cả đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt xưa. Thật đáng tiếc nếu trẻ lớn lên mà không hề biết đến những trò chơi mang đầy giá trị màu sắc dân tộc như thế.
Trò chơi dân gian sẽ giúp trẻ đoàn kết với nhau hơn(Ảnh: Internet)
Các trò chơi dân gian vô cùng phong phú và đa dạng, có thể chơi nhóm ít người hay đông người đều được. Tổ chức một trò chơi lại không hề tốn kém, đôi khi chỉ cần một chỗ ngồi, cũng có khi một khoảng không rộng rãi ngoài trời cho trẻ chạy nhảy. Những viên sỏi đá, que gỗ, viên phấn, sợi dây cũng có thể khiến trẻ thích thú. Không chỉ có tác dụng giải trí, trò chơi dân gian còn thúc đẩy sự phát triển thể lực, trí tuệ, tinh thần và sức khỏe của trẻ.
Trò chơi dân gian phù hợp với mọi lứa tuổi. Ngay từ khi 1 tuổi, bố mẹ có thể dạy trẻ chơi trò chi chi chành chành để trẻ phản xạ xanh. Lớn hơn một chút, trẻ có thể chơi trò oẳn tù tì cũng là một cách để rèn sự phán đoán. Khi trẻ biết chạy nhảy, chơi đùa với các bạn, các trò bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba, kéo co, chơi chuyền… sẽ khiến chúng chạy nhảy nhiều khi quên cả giờ về.
Lợi ích lớn nhất của trò chơi dân gian là tạo sự gắn kết của trẻ với bạn bè. Đa phần các trò chơi đông người đều đòi hỏi sự ăn ý, hợp tác của từng thành viên. Trẻ sẽ học được tinh thần đoàn kết, hợp tác, chịu trách nhiệm, biết chia sẻ và yêu thương người khác.
Trong khi lo ngại những trò chơi điện tử có thể làm trẻ có xu hướng trở nên bạo lực, ích kỷ, dễ cáu gắt thì tại sao bố mẹ không hướng trẻ đến những trò chơi dân gian? Chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra trò chơi dân gian hay hiện đại, cái nào sẽ tốt nhất với trẻ. Nhưng trong điều kiện tràn ngập công nghệ trong cuộc sống, chắc chắn người lớn có thể nhìn thấy sự chênh lệch nghiêm trọng và sự cần thiết phải cân bằng.
Cách dạy trẻ các trò chơi dân gian
Tự bản thân các trò chơi điện tử đã có sức hấp dẫn với trẻ. Việc làm thế nào d trẻ yêu thích trò chơi dân gian có thể sẽ là một thách thức đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với giá trị và hiệu quả bất ngờ.
Không khó để tổ chức một trò chơi như thế này cho trẻ (Ảnh: Internet)
Trò chơi phù hợp
Kho tàng trò chơi dân gian có rất nhiều trò có thể phù hợp với mọi lứa tuổi của trẻ, thậm chí trẻ chưa đầy 1 tuổi cũng có thể chơi. Ở mỗi độ tuổi, trẻ có khả năng nhận thức khác nhau. Khi trẻ chưa đi lớp, bố mẹ có thể cùng chơi với trẻ những trò đơn giản như chi chi chành chành, tập tầm vông, nu na nu nống, lộn cầu vòng… Các bài hát đồng dao trong trò chơi cũng có sức hút với trẻ ở độ tuổi này.
Khi trẻ lớn hơn một chút, đến tuổi đi mẫu giáo, có nhiều bạn bè và cũng nhận biết tốt hơn, bố mẹ và cô giáo hãy dạy cho các bé những trò tập thể như kéo co, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, trốn tìm…
Điều quan trọng là phải tạo hứng thú ngay từ đầu. Những trò chơi dân gian cho trẻ trước 5 tuổi có vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng tư duy, ngôn ngữ và kỹ năng vận động, sáng tạo của con bạn.
Chuẩn bị đồ chơi
Có nhiều trò chơi dân gian không cần thêm bất kỳ phụ kiện nào khác ngoài sự tham gia của trẻ. Nhưng một số trò như chơi chuyền, ô ăn quan, kéo co, bịt bắt mắt dê thì cần một số vật dụng nhỏ. Những thứ đó vô cùng dễ tìm, chỉ là những viên sỏi, sợi dây kéo, khăn bịt mắt… Bố mẹ cần chú ý làm sao để những vật đó không trở thành mối nguy hiểm với trẻ. Hãy chắc rằng đã hướng dẫn trẻ chơi đúng cách và không sử dụng vào việc khác mục đích của trò chơi.
Đặc điểm của mỗi trò chơi dân gian là đều có bài hát đồng dao đi kèm. Trò chơi sẽ thiếu đi sự hấp dẫn nếu không có lời hát. Vì thế, khi thuộc lời đồng dao trẻ sẽ hứng thú và tích cực tham gia nhiều trò chơi hơn. Càng thuộc nhiều, trẻ càng vui thích vì đó là sự thay đổi mới lạ.
Không gian an toàn
Một số trò chơi tập thể đòi hỏi không gian rộng và thoáng. Có thể hơi khó để tìm được ở các khu đô thị. Nhưng công viên hay sân khu nhà tập thể, tùy vào độ rộng, vẫn hoàn toàn có thể tổ chức được rất nhiều trò. Điều quan trọng là hãy đảm bảo những nơi đó sẽ an toàn với lũ trẻ ngay cả khi không có sự giám sát của người lớn.
Người lớn nên tổ chức nhiều trò chơi mang tính tập thể vì trẻ sẽ thích chơi khi có nhiều bạn bè. Lợi thế của trò chơi dân gian là dù bao nhiêu người cũng có những trò phù hợp. Vì thế, khuyến khích càng nhiều trẻ tham gia càng tốt. Tính tập thể sẽ được hình thành.
Người Việt ta từ bao đời đã phải ‘gạn đục khơi trong’ các giá trị văn hóa, tinh thần. Con cháu càng về sau thì càng được thừa hưởng những cốt lõi trong sáng, tinh hoa nhất. Chẳng có lẽ gì mà lại để lãng phí những điều quý giá mà chẳng hề tốn một đồng tiền mua. Liệu có phải là một thiếu sót quá lớn nếu những đứa trẻ nhà bạn không hề có khái niệm về văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc?
Xem thêm: Mẹo giúp trẻ yêu thích các môn học
NT (Tổng hợp)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!