Tập luyện sau tuổi 40

Vui khỏe - 01/17/2025

Từ tuổi 40 trở lên, bạn cần chọn bộ môn tập, nếu không sẽ nguy hiểm cho sức khỏe.

Bước qua ngưỡng 40 tuổi, nhiều người trở nên “phát tướng”. Nóng lòng lấy lại vóc dáng chuẩn, họ không ngần ngại lựa chọn các môn thể dục thể thao (TDTT) vốn chỉ dành cho tuổi trẻ như tập tạ, bơi đua, chạy bộ… BS Lê Văn Vĩnh - huấn luyện viên Câu lạc bộ Khí công TP.HCM cho biết, trong luyện tập TDTT, có hai độ tuổi cần phải lựa chọn kế hoạch tập luyện thích hợp. Dưới 40 tuổi, bạn có thể tập luyện bất cứ bộ môn nào (trừ người bệnh tim mạch bẩm sinh) vì cơ thể chưa lão hóa. Từ tuổi 40 trở lên, bạn cần chọn bộ môn tập, nếu không sẽ nguy hiểm cho sức khỏe. Với người độ tuổi sau 40, các hoạt động thể lực tác động lớn lên bộ xương. Sau một năm luyện tập đúng, chất khoáng trong xương có thể tăng cao hơn từ 5-10% so với trước lúc luyện tập hoặc so với người chưa luyện tập. Việc luyện tập thường xuyên ở độ tuổi này giúp hệ cơ xương rắn chắc, tránh được chứng loãng xương. Tuy nhiên, hiện tượng lão hóa các cơ quan cũng bắt đầu tăng dần, chức năng, cấu tạo của xương khớp có nhiều thay đổi như: tế bào khớp thoái hóa, trở nên kém linh động; gân, dây chằng kém bền bỉ, kém co giãn; sụn đục màu, hóa xơ, rạn nứt; màng hoạt dịch mỏng và khô dần. Việc luyện tập chỉ có hiệu quả nếu là những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức lực. Ngược lại, người tập dễ gặp chấn thương như đau khớp, tràn dịch ổ khớp, rách hoặc đứt dây chằng và tốc độ thoái hóa khớp, diễn tiến cũng rất nhanh.

Tập luyện sau tuổi 40Ảnh minh họa - Internet

Với một số cơ quan, nhất là hệ tim mạch, nếu không thích ứng với tập luyện nặng sẽ dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Các tuyến nội tiết có nhiệm vụ tiết các chất làm trẻ cơ thể, nếu vận động quá mạnh và quá lâu, sẽ gây suy yếu các tuyến nội tiết, từ đó, quá trình lão hóa đến rất nhanh. Theo BS Lê Văn Vĩnh “Trẻ luyện thể lực, già luyện khí”. Dưới 40 tuổi, bạn có thể luyện tập mọi bộ môn. Trên 40 tuổi, chỉ nên luyện tập những môn nhẹ nhàng, không cần gắng sức như đi bộ, đánh cầu lông ngắn hạn, luyện khí công… Bệnh nhân cơ xương khớp có một hình thức tập gọi là kháng lực (nâng vật nặng lên giống như tập tạ) với mục đích cải thiện sức chịu đựng của cơ và xương. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tập, phải có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của chuyên gia về cách hít vào thở ra khi nâng vật, khoảng cách giữa các lần nâng, trọng lượng tập, thời gian nghỉ ngơi giữa các lần nâng… Riêng việc tự ý tập tạ với mục đích giảm vòng bụng rất nguy hiểm. “Để đảm bảo sức khỏe, người có tuổi trước khi luyện tập cần tầm soát các bệnh lý tim mạch, mỡ trong máu, huyết áp, các bệnh về cơ xương khớp… sau đó cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn loại hình luyện tập phù hợp. Nếu chủ quan luyện tập những bộ môn không thích hợp với người có tuổi (trên 40) sẽ có nguy cơ gặp rủi ro, hại sức khỏe” - BS Lê Văn Vĩnh khuyến cáo.

Theo Thanh Hoa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!