Thạch hộc - thuốc tư âm, thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát

Bài thuốc dân gian - 04/25/2024

Thạch hộc còn có tên hoàng thảo dẹt, kim thoa hoàng thảo, hoàng thảo cẳng gà, huỳnh thảo, thiết bì thạch hộc.

Thạch hộc là thân tươi hay khô của nhiều loài thạch hộc: hoàn thảo thạch hộc (thạch hộc hoa gừng); mã tiên thạch hộc, hoàng thảo thạch hộc; thiết bì thạch hộc hoặc kim thoa thạch hộc, họ lan. Thạch hộc mọc hoang hay được trồng.

Thạch hộc thu hái quanh năm; cuối xuân, hạ và thu thì càng tốt. Dùng tươi thì sau khi thu hái, bỏ đất là được, để chỗ râm mát, ẩm ướt. Nếu dùng khô, bỏ sạch rễ lá, đồ hay nướng mềm, bỏ vỏ thô, phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô ráo và mát.

Về thành phần hóa học, thạch hộc chứa alkaloid sesquiterpen (dendrobin, nobilin, dendroxin, dendramin, dendrin...) và các alkaloid khác. Theo Đông y, thạch hộc vị ngọt nhạt, hơi mặn, tính hàn; vào kinh vị và thận. Có tác dụng tư âm, thanh nhiệt, ích vị sinh tân dịch, chỉ khát. Chữa bệnh nhiệt hại tân dịch, miệng khô buồn phiền háo khát; sau khi hết bệnh, chứng hư nhiệt vẫn còn; chứng vị hư, vị nhiệt biểu hiện ăn kém, nôn khan, môi miệng khô lở loét. Liều dùng 8 - 16g/ngày.

Thạch hộc - thuốc tư âm, thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát

Cháo thạch hộc rất tốt cho người bệnh viêm dạ dày mạn (vị nhiệt âm hư).

Thạch hộc được dùng làm thuốc trong các trường hợp

Sinh tân, chỉ khát: Trị chứng bệnh nhiệt phạm đến tân dịch, môi khô, miệng khát.

Bài 1: thạch hộc 15g, sắc uống. Trị sốt, khát nước, miệng khô. Nếu sốt cao, thêm thạch cao 30g, tri mẫu 12g.

Bài 2 - Thanh nhiệt bảo tân thang: thạch hộc tươi, sinh địa tươi, mạch đông tươi, thiên hoa phấn mỗi vị 12g, tang diệp 8g. Sắc uống.

Bài 3 - Thạch hộc thang: thạch hộc, mạch môn (bỏ lõi), sinh địa, viễn chí, phục linh, huyền sâm mỗi vị 10g; chích thảo 5g. Sắc uống. Tác dụng dưỡng vị giải nhiệt.

Trị chứng vị nhiệt:Trị chứng dạ dày nóng, nôn mửa, chân răng sưng, trong miệng lở loét.

Bài 1 - Thạch hộc thanh vị thang:thạch hộc, phục linh, biển đậu, đơn bì, xích thược mỗi vị 12g; hương nhu, quất bì, chỉ xác mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống khi còn nóng. Trị chứng sốt âm ỉ sau khi lên sởi, nôn mửa.

Bài 2 - Thanh vị dưỡng âm thang:thạch hộc, mạch môn, thiên hoa phấn, bạch biển đậu mỗi vị 12g; bắc sa sâm 16g, giá đậu tươi 16g. Sắc uống. Chữa viêm dạ dày mạn, mồm miệng lở loét, nôn khan.

Chữa tiêu khát: thạch hộc 12g, thiên hoa phấn 24g, tri mẫu 16g, mạch môn 12g, sa sâm 20g, xuyên liên 4g. Sắc uống.

Trị hư lao gày mòn:

Bài 1: thạch hộc 6g; mạch môn, ngũ vị tử, đảng sâm, chích thảo, câu kỷ tử, ngưu tất, đỗ trọng mỗi vị 5g. Sắc uống, ngày 1 thang. Tác dụng dưỡng khí, bổ huyết, ích thận, cường dương.

Bài 2:thạch hộc 15g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 9g, đảng sâm 9g, câu kỷ tử 9g, đương quy 6g, đỗ trọng 3g. Sắc uống. Tác dụng bồi dưỡng cơ thể, sinh tinh bổ huyết, tráng kiện gân cốt.

Chữa ho đầy hơi: thạch hộc 6g, mạch môn 4g, trắc bách 4g, trần bì 4g. Sắc uống.

Món ăn thuốc có thạch hộc

Nước đường thạch hộc: thạch hộc 15g (nếu tươi 30 - 60g), ngọc trúc, mạch môn, sa sâm, sơn dược mỗi vị 15g; mía tươi (róc vỏ, cắt khúc, ép lấy nước) 100g, nước lượng thích hợp. Tất cả nấu nhỏ lửa trong khoảng 30 phút - 1 giờ, gạn nước uống. Thích hợp cho người bệnh sốt cao mất nước, miệng khô, đau rát họng, nôn khan, ăn kém.

Cháo thạch hộc: thạch hộc tươi 15 - 20g, gạo tẻ 80g, nấu cháo, ăn với đường trắng. Dùng tốt cho người bệnh viêm dạ dày mạn (vị nhiệt âm hư).

Trà thạch hộc: thạch hộc tươi 15g, đường trắng lượng thích hợp, cho vào ấm, đổ nước sôi hãm như pha trà. Thích hợp cho người âm hư nội nhiệt họng khô khát nhưng ngại ăn uống.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!