Thai phụ từ 8-12 tuần chịu tác động mạnh nhất của vi-rút Zika

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% những bà mẹ mang thai trong khoảng này mới có nguy cơ vi-rút Zika tác động đến bào thai.

Dư luận quan tâm làm thế nào và nơi nào có thể chẩn đoán đứa trẻ có mắc hội chứng nguy hiểm này? PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trò chuyện với BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) để làm rõ hơn vấn đề này.

Người đang mang thai quá 12 tuần mà chưa mắc vi-rút Zika thì không đáng lo

Thưa bác sĩ, với thai phụ mắc vi-rút Zika nên siêu âm từ thời điểm nào để biết được thai nhi liệu có mắc hội chứng đầu nhỏ hay không?

- Trước hết phải khẳng định, chỉ có khoảng 10% những bà mẹ mang thai trong khoảng từ 8 - 12 tuần mới có nguy cơ vi-rút Zika tác động đến bào thai, vì đây là thời kỳ thai phát triển trong giai đoạn phôi. Vì vậy nếu ai đang mang thai quá 12 tuần mà chưa mắc vi-rút Zika thì không đáng phải lo ngại.

Diễn biến của hội chứng đầu nhỏ do mắc vi-rút Zika có thể biểu hiện rất muộn trong thai kỳ. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, những thai phụ mang thai trong 3 tháng đầu mà xác định mắc vi-rút Zika phải được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

Việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó, hội chứng này đã xuất hiện từ lâu, có thể do nhiều nguyên nhân mà vi-rút Zika có thể chỉ là một trong số đó. Do đó, việc siêu âm chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ đã được các nhà siêu âm biết đến và chẩn đoán theo dõi từ rất lâu trước khi có 'hội chứng Zika'.

Thai phụ từ 8-12 tuần chịu tác động mạnh nhất của vi-rút Zika

BS Nguyễn Anh Tuấn đang thăm khám, siêu âm cho một thai phụ (Ảnh: Q.An)

Bằng kỹ thuật đo chu vi vòng đầu, đường kính lưỡng đỉnh, có thể sơ bộ ước đoán được thai nhi có bị mắc hội chứng đầu nhỏ hay không. Tuy nhiên, do cấu trúc xương sọ của thai nhi chỉ hình thành và có thể nhìn thấy được khi thai đạt tối thiểu 12 tuần. Nếu siêu âm khi thai dưới 12 tuần thì không thể nhìn thấy được đầy đủ cấu trúc xương sọ, nếu có nhìn thấy cũng không kết luận chắc chắn.

Do đó, thời điểm siêu âm lúc thai 12 tuần là chuẩn nhất, gồm đo chu vi vòng đầu và đường kính lưỡng đỉnh để so sánh với bảng phát triển chuẩn với chính thai nhi (so với tỷ lệ phát triển của vòng bụng, chiều dài xương đùi), hoặc với chuẩn chung, hoặc với các cấu trúc não khác của bé.

Sau 2 tuần (thai đạt 14 tuần), thai phụ phải quay trở lại khám, chúng tôi sẽ đo lại những chỉ số đó, đem so sánh hai giá trị này với nhau. Lúc đó mới có thể đánh giá được liệu thai nhi có bất thường hay không.

Việc đo cấu trúc xương sọ chỉ là bước đầu, có tính sàng lọc

Thai phụ mắc vi-rút Zika sẽ được siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của thai. Vậy tại sao lại là 2 tuần mà không phải sớm hơn hoặc muộn hơn mốc này, thưa bác sĩ?

- Để chẩn đoán và theo dõi những thai phụ mắc vi-rút Zika có bị thai đầu nhỏ hay không, trên siêu âm các bác sĩ thường đánh giá trên hai cấu trúc của thai, một là sự phát triển của xương vòm sọ (qua đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu), hai là sự phát triền của cấu trúc não (quan trọng nhất là thùy trán).

Sau đó các số đo của hai cấu trúc trên sẽ được mang so sánh với chính chúng (sau một khoảng thời gian khác nhau), hoặc so với những cấu trúc khác có cùng tốc độ phát triển tương ứng (bụng, xương đùi… của thai), hoặc so với giá trị trung bình của cấu trúc trên tuổi thai tương ứng.

Trên máy siêu âm, thông thường chỉ đo được chính xác khoảng cách trên 3mm. Nếu dưới 3mm thường không chính xác, trừ khi đo trên máy siêu âm cao cấp hoặc đo bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.

Thời kỳ thai dưới 30 tuần tuổi, mỗi tuần đường kính lưỡng đỉnh của thai sẽ tăng lên từ 3 - 4mm. Nếu đo ở khoảng cách nhau 2 tuần, khi đó sự phát triển từ 6 - 8mm, kết quả đo đủ để đánh giá chính xác. Đo sớm quá khó chính xác, đo muộn quá thời gian chờ đợi không cần thiết. Giới chuyên môn đặt ra giới hạn 2 tuần/lần là vì lý do đó.

Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, theo dõi cả quá trình mới có thể khẳng định là hội chứng đầu nhỏ hay không. Nếu số đo xương sọ có nghi ngờ thì cần phải khảo sát cấu trúc não và một số thăm dò khác mới khẳng định được. Vì vậy, việc đo cấu trúc xương sọ chỉ nên coi là thăm khám thường quy và bước đầu, có tính giá trị sàng lọc. Việc kết luận nên dành cho các trung tâm chẩn đoán trước sinh hoặc các chuyên gia.

Nên khám, theo dõi thai ở một cơ sở chuyên khoa

Thai phụ từ 8-12 tuần chịu tác động mạnh nhất của vi-rút Zika

Các bước siêu âm thường quy lấy số liệu (Ảnh: Q.An)

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đo được đường kính lưỡng đỉnh, chu vi vòng đầu một cách chính xác nhất giữa các lần đo? Nên chăng phải có một phương án thống nhất trong cách đo, vị trí đo này, thưa bác sĩ?

- Chúng tôi đã được đào tạo kỹ thuật đo chu vi đầu và đường kính lưỡng đỉnh từ nhiều năm nay. Hiện kỹ thuật này được coi là kỹ thuật thường quy, được thực hiện ở tất cả cơ sở siêu âm sản khoa. Tuy vậy cũng phải nhìn nhận, không phải tất cả các bác sĩ đều đo giống nhau, mà việc đánh giá hội chứng đầu nhỏ lại dựa vào sự so sánh giữa các số đo.

Lời khuyên cho các thai phụ là nên khám thai và theo dõi thai ở một cơ sở chuyên khoa, không nên theo dõi ở nhiều cơ sở khác nhau dễ dẫn đến nhận định kết quả sai lệch. Lời khuyên cho các bác sĩ siêu âm, phải đo đúng kỹ thuật. Nếu thấy nghi ngờ, cần phối hợp nhiều lần đo, nhiều phương pháp chẩn đoán như đánh giá cấu trúc não, khai thác bệnh sử của người bệnh theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Tại sao phải đánh giá cấu trúc não, kỹ thuật này có đòi hỏi những điều kiện gì đặc biệt không, thưa bác sĩ?

- Như trên đã trao đổi, số đo xương sọ chỉ giúp định hướng chẩn đoán chứ không có giá trị khẳng định chẩn đoán, càng không thể dựa vào nó để đưa ra quyết định. Về bệnh học, nhiều chuyên gia cho rằng, vì vi-rút Zika tác động trực tiếp đến cấu trúc não, làm hạn chế sự phát triển của não, đặc biệt vùng thùy trán (điều này dẫn đến chậm phát triển xương hộp sọ gây bệnh đầu nhỏ).

Vì vậy, trong những trường hợp phát hiện đầu nhỏ, cần đánh giá chuyên sâu về cấu trúc não, đặc biệt cần phải đo kích thước thùy trán. Kỹ thuật này đòi hỏi trình độ của bác sĩ siêu âm, bên cạnh đó cần có máy siêu âm cao cấp với độ phân giải cao hỗ trợ.

Thai phụ từ 8-12 tuần chịu tác động mạnh nhất của vi-rút Zika

Không phải cứ mang thai nhiễm vi-rút Zika là thai nhi sẽ bị dị tật đầu nhỏ (Ảnh minh họa: Internet)

Nếu xác định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ, có nên bỏ thai hay không?

- Khi phát hiện thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do vi-rút Zika nên đình chỉ thai nghén. Một số nước không cho phép nhưng ở Việt Nam thì được phép đình chỉ thai nghén vì lý do này. Bởi không riêng gì hội chứng đầu nhỏ do vi-rút Zika, mà mắc hội chứng đầu nhỏ do các nguyên nhân khác, trẻ sinh ra không tử vong nhưng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thần kinh và vận động.

Với bệnh nhân khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do vi-rút Zika, trước khi đưa ra quyết định đình chỉ hay tiếp tục giữ thai, bệnh nhân sẽ được tư vấn với cả hội đồng các nhà khoa học. Việc đình chỉ thai nghén sẽ tùy thuộc theo tuổi thai. Nếu phát hiện trước 22 tuần, việc quyết định ngừng thai nghén đơn giản hơn. Nếu muộn sau 32 tuần thì việc đình chỉ là khó khăn, nhiều nguy cơ cho mẹ. Vì thế, việc theo dõi thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ là rất quan trọng để kịp thời phát hiện nguy cơ.

Tôi cho rằng thai phụ không nên quá lo lắng với Zika, bởi bằng kỹ thuật chẩn đoán hiện tại, chúng ta có thể theo dõi, chẩn đoán và xử trí được. Tuy vậy cũng không nên chủ quan, cần thăm khám, theo dõi theo đúng khuyến cáo của bác sĩ để có phương án xử lý tốt nhất.

Cảm ơn bác sĩ về những thông tin hữu ích!

 

TPHCM công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô xã, phường
Liên quan đến việc trên địa bàn TPHCM đã phát hiện một ca bệnh nhiễm vi-rút Zika, UBND thành phố đã có quyết định công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô xã, phường trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, địa điểm xảy ra dịch là phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố; tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu dân cư và hộ gia đình; không để phát sinh các ổ dịch mới. Sở Y tế có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND thành phố và Bộ Y tế về các biện pháp và kết quả phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika trên địa bàn thành phố.
Anh Tuấn

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!