Thay đổi lối sống ở người bệnh đái tháo đường

Sống đẹp - 12/26/2024

Ít vận động, béo phì, ăn nhiều chất béo và chất ngọt, dùng ít rau và trái cây... là nguyên nhân dẫn đến RLMM và ĐTĐ týp 2.

Thay đổi lối sống, hay còn gọi là điều trị không dùng thuốc, ở người đái tháo đường được xem là một mũi tên trúng hai mục tiêu: vừa kiểm soát đường huyết, vừa làm ổn định lượng mỡ máu. Thay đổi lối sống bao gồm 3 việc: ngừng thuốc lá và hạn chế bia rượu; thay đổi thói quen ăn uống; tăng cường hoạt động thể lực.

Rối loạn lipid máu hay còn gọi là rối loạn mỡ máu (RLMM) và đái tháo đường (ĐTĐ) mặc dù là hai thể bệnh lý riêng biệt, nhưng đích đến cuối cùng của chúng là làm xơ vữa và tổn thương mạch máu.

Một khi người bệnh bị đồng thời hai tình trạng này sẽ làm cho biến chứng của đái tháo đường xảy ra nhanh và nghiêm trọng hơn.

Thay đổi lối sống ở người bệnh đái tháo đường

Những kiểu sống bất lợi

Lối sống bất lợi cho sức khỏe như ít vận động, béo phì, ăn nhiều chất béo và chất ngọt, dùng ít rau và trái cây, hút thuốc và uống nhiều bia rượu là nguyên nhân dẫn đến RLMM và ĐTĐ týp 2. Ở khía cạnh khác, RLMM là yếu tố nguy cơ gây ra ĐTĐ týp 2, còn ĐTĐ týp 2 là nguyên nhân thường gặp làm RLMM. Vì thế việc thay đổi lối sống có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị ĐTĐ týp 2 và RLMM.

Hai thành phần quan trọng của mỡ trong máu là cholesterol và triglyceride, rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, khi nồng độ của chúng trong máu tăng quá mức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. RLMM thường diễn tiến từ từ và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đến khi biến chứng xuất hiện thì không thể đảo ngược được. Vì thế, người bệnh cần làm xét nghiệm tầm soát mỡ máu định kỳ. Để đánh giá mỡ máu, thầy thuốc thường cho làm xét nghiệm bộ mỡ 4 thông số: cholesterol toàn phần, triglyceride (TG), LDL-cholesterol (LDL-c) và HDL-cholesterol (HDL-c).

Bốn đặc trưng thường gặp của RLMM ở bệnh nhân ĐTĐ: tăng TG; tăng LDL-c; giảm HDL-c và tăng mỡ máu sau ăn. Nồng độ LDL-c ở bệnh nhân ĐTĐ thường không cao hơn so với người không bệnh ĐTĐ. Nguyên nhân gây ra RLMM ở người ĐTĐ týp 2 là do đề kháng với insulin cùng với rối loạn chức năng của men lipoprotein lipase.

Cơ chế gây xơ vữa động mạch ở người ĐTĐ

Tăng đường huyết và RLMM đều dẫn đến hậu quả sau cùng là xơ vữa động mạch và tắc mạch. Vì cơ quan nào cũng chứa nhiều mạch máu, vì vậy tổn thương mạch máu sẽ làm tổn hại cơ quan.

Xơ vữa động mạch ở bệnh nhân ĐTĐ thường gây ra do các cơ chế: tăng đường huyết sẽ tạo điều kiện cho hiện tượng viêm mạch máu xảy ra. Đường huyết tăng cao nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm tổn thương và viêm thành mạch, tạo tiền đề cho sự hình thành mảng xơ vữa và xơ cứng thành mạch.

RLMM dẫn đến tăng sự lắng đọng mỡ vào thành mạch. Các loại mỡ xấu như cholesterol toàn phần, TG, LDL-c là thủ phạm gây xơ vữa mạch máu. Khi lượng mỡ xấu tăng cao, nhất là LDL-c, tạo điều kiện cho sự lắng đọng mỡ trong các thành mạch, nội mạc mạch máu bị tổn thương, lâu dần tiến triển thành mảng xơ vữa khiến mạch máu trở nên xơ cứng và lòng mạch máu hẹp dần lại.

Giảm lượng HDL-c, vì đây là loại mỡ tốt có tác dụng bảo vệ tim mạch, giảm HDL-c sẽ dẫn đến xơ vữa động mạch.

Tuần hoàn máu qua chỗ hẹp bị cản trở, nếu mảng xơ vữa lớn có thể gây tắc nghẽn lòng mạch. Nếu động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn sẽ xuất hiện cơn đau ngực, nhồi máu cơ tim, thậm chí đột tử; nếu động mạch cung cấp máu cho não bị tắc sẽ dẫn đến đột quỵ, hôn mê, liệt nửa người; nếu động mạch cung cấp máu ở chi bị tổn thương thì sẽ dẫn đến viêm tắc động mạch chi và có thể gây hoại tử chi…

Kiểm soát RLMM ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2

Theo kết quả các nghiên cứu ở người ĐTĐ týp 2 cho thấy, có đến 40% người bệnh không đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết và hơn 70% bệnh nhân không đạt mục tiêu kiểm soát lượng mỡ máu.

Bằng chứng lâm sàng cho thấy, cứ giảm được 1mmol/L (40mg/dL) LDL-c trong quá trình điều trị có ý nghĩa to lớn trong việc giảm đáng kể đến 10% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, 20% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, 24% nguy cơ biến cố tim mạch quan trọng và 15% nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, LDL-c là mục tiêu hàng đầu cần phải kiểm soát ở người ĐTĐ, bên cạnh đó còn phải để ý đến HDL-c và TG.

Những trường hợp RLMM nhẹ có thể ổn định được bằng cách thay đổi lối sống, sau 3 tháng kiểm tra lại nếu thấy chưa đạt mục tiêu thì có thể phối hợp thêm thuốc hạ mỡ máu.

Tuy nhiên, cần điều trị ngay bằng thuốc nhóm statin kết hợp với thay đổi lối sống ở những bệnh nhân ĐTĐ sau đây (bất kể trị số mỡ máu ban đầu là bao nhiêu): có bệnh tim mạch, không có bệnh tim mạch nhưng lớn hơn 40 tuổi và có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ tim mạch khác.

Ở bệnh nhân không có các yếu tố vừa kể, nên xem xét điều trị thuốc nhóm statin kết hợp với thay đổi lối sống nếu nồng độ LDL-c vẫn còn > 100 mg/dL (2,6 mmol/L) hay có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch. Ở bệnh nhân không có bệnh tim mạch, mục tiêu chính là LDL-c < 100 mg/dL (2,6 mmol/L). Nếu có bệnh tim mạch, mục tiêu LDL-c < 70 mg/dL (1,8 mmol/L), có thể xem xét dùng thuốc nhóm statin liều cao.

Các mục tiêu mỡ máu khác bao gồm nồng độ TG < 150 mg/dL (1,7 mmol/L), HDL-c > 40 mg/dL (1,0 mmol/L) ở nam giới và > 50 mg/dL (1,3 mmol/L) ở nữ giới. Cần chú ý ưu tiên mục tiêu điều trị LDL-c với thuốc nhóm statin trước.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống, nếu thực hiện tốt có thể giảm được 15 - 20% cholesterol toàn phần. Gồm ba phần cơ bản sau đây: ngừng hút thuốc lá, không uống quá nhiều bia rượu; thay đổi thói quen ăn uống; tăng cường hoạt động thể lực.

Thuốc lá là yếu tố góp phần làm thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch và làm tăng cholesterol gây hại như LDL-c, thuốc lá còn gây ra đề kháng insulin làm cho đường huyết tăng cao. Uống rượu quá nhiều sẽ dễ bị tăng triglyceride hơn.

Thay đổi thói quen ăn uống cần tập trung vào giảm mỡ bão hòa, mỡ trans và tổng lượng mỡ ăn vào; tăng a-xít béo omega-3, chất xơ hòa tan và stanols/sterols thực vật.

Thay đổi lối sống ở người bệnh đái tháo đường

Hoạt động thể lực cải thiện yếu tố nguy cơ tim mạch cho người bệnh ĐTĐ týp 2

Lợi ích của hoạt động thể lực ở người ĐTĐ týp 2 là rất nhiều: cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như đường huyết, mỡ trong máu, huyết áp; giảm nguy cơ mắc bệnh tim và chết đột ngột; tăng nhạy cảm với insulin; kiểm soát cân nặng và giảm mô mỡ; giúp cho xương chắc khỏe, khớp linh hoạt, cơ dẻo dai, giảm nguy cơ té ngã; giúp người bệnh tự tin, giảm căng thẳng.

Nên tập tối thiểu là 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần, lưu ý kiểm tra đường huyết, huyết áp, tình trạng tim mạch trước tập. Các loại hình luyện tập đi bộ, bơi lội, cầu lông, leo cầu thang… đều được. Nhưng chọn loại nào phải phù hợp với tình hình sức khỏe, biến chứng và bệnh đi kèm của từng người bệnh.

Thuốc kiểm soát mỡ máu

Hiện nay có nhiều nhóm thuốc hạ mỡ trong máu: nhóm Fibrate, nhóm Statin, nhóm Resin, nhóm Niacin... Mỗi nhóm có tác dụng hạ mỡ theo những cơ chế khác nhau. Việc lựa chọn sử dụng loại nào phù hợp trong điều trị cho bệnh nhân sẽ do thầy thuốc chuyên khoa quyết định.

Cần lưu ý là hầu hết các thuốc hạ mỡ máu đều có tác dụng phụ nhất định cho cơ thể. Cho nên người bệnh không nên tự dùng thuốc nếu không có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

BS.CKI. Nguyễn Thanh Hải

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!