Từ 1-1-2016, người dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có quyền đi khám, chữa bệnh (KCB) ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng BHYT theo quy định.
Cùng tỉnh không cần giấy chuyển viện
TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết quy định này xuất phát từ câu chuyện khi một người tham gia BHYT phải xác định một nơi đăng ký KCB ban đầu. Nơi đăng ký KCB ban đầu có thể là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện/tỉnh.
Khi có nhu cầu KCB hoặc chăm sóc sức khỏe, người dân phải đến nơi đăng ký đầu tiên. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, đơn vị đó sẽ giới thiệu chuyển lên tuyến trên mà thông thường sẽ theo tuần tự từ thấp lên cao, xã lên huyện...
Bây giờ nói mở thông tuyến huyện có nghĩa là người tham gia BHYT đăng ký nơi KCB ban đầu là trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện (BV) huyện nhưng họ hoàn toàn có thể đến một trong ba nơi này khi có nhu cầu.
Quy định này tạo cơ hội cho người bệnh tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn theo nhu cầu mà không nhất thiết phải theo tuần tự từ xã lên huyện. Mặt khác, tạo sự thay đổi về chất lượng chuyên môn và dịch vụ giữa các đơn vị.
'Trong phạm vi một tỉnh, theo nguyên tắc, người dân có thể từ huyện nọ chuyển sang huyện kia nếu họ không tin tưởng vào chất lượng cơ sở nơi đăng ký KCB. Như vậy các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng chuyên môn, dịch vụ lên thì mới hấp dẫn người bệnh được, nếu không họ sẽ đến nơi khác. Trong khi đó, tiền quỹ BHYT lại để ở đơn vị mình nhưng người dân lại đến đơn vị khác sử dụng dịch vụ.
Đó là một thách thức rất lớn đối với các cơ sở KCB. Khi chất lượng dịch vụ được nâng lên cũng đồng nghĩa với việc quyền lợi của người bệnh được bảo đảm tốt hơn xét về cả mặt chất lượng phục vụ cũng như phạm vi chuyên môn' - ông Khảm giải thích.
Việc thông tuyến chỉ mới áp dụng đối với ba đơn vị là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện huyện trong phạm vi một tỉnh. Người dân có nhu cầu đến KCB và chăm sóc sức khỏe theo BHYT tại những nơi này không cần giấy chuyển tuyến, còn các vấn đề chuyên môn khác vẫn chuyển tuyến bình thường.
Người dân sẽ được lợi nhiều hơn khi thông tuyến KCB theo BHYT (Ảnh: Tùng Sơn)
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết thêm, thông tuyến bao gồm cả trường hợp người có thẻ BHYT được BV tuyến huyện chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc BV đa khoa, BV chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng.
Trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB nào. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại nơi đã tiếp nhận cấp cứu hoặc được chuyển đến cơ sở khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
'Trước kia, tại BV tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến theo quy định thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí KCB. Từ 1-1-2016, quỹ sẽ thanh toán 100% chi phí đối với những đối tượng trong cùng địa bàn tỉnh. Như vậy tất cả đối tượng trước kia chỉ được thanh toán 70% nhưng nếu trong cùng địa bàn tỉnh thì họ sẽ được thanh toán 100%' - bà Hương khẳng định.
Lo nhất là hạ tầng chưa thông
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng thông tuyến rất khó kiểm soát việc lạm dụng thuốc, kỹ thuật và sử dụng thuốc tràn lan trong khi công nghệ thông tin chưa thông, dữ liệu giữa các tuyến chưa kết nối.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết vấn đề lo nhất hiện nay không phải là quỹ BHYT mà là việc một người bệnh đi khám 2-3 chỗ, chồng chéo.
Bên cạnh việc lãng phí, tức là buổi sáng đi khám BV A, bác sĩ cho uống thuốc thì buổi chiều sang BV B nhưng giấu nhẹm chuyện đi khám buổi sáng. Bác sĩ BV B lại cho chụp chiếu, xét nghiệm, kê thuốc khác và bệnh nhân lại uống thêm thuốc khác.
Theo ông Thảo, việc cần thiết trước mắt là phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và liên kết tuyến. Khi bệnh nhân đến KCB chỉ cần gõ mã vạch trên thẻ thì xuất hiện thông tin thời gian qua bệnh nhân đã điều trị ở đâu, đã uống thuốc gì. 'Về phần mềm, hy vọng đến hết tháng 6-2016 có thể nối mạng được. Nhưng việc nối mạng tuyến huyện thì có thể làm dễ, còn tuyến xã thì phải đến hết năm 2017' - ông Thảo âu lo.
Giải pháp nữa Bộ Y tế cần làm nhanh là phát triển mô hình bác sĩ gia đình. 'Theo tính toán, hiện cả nước chỉ có 200 phòng khám bác sĩ gia đình, trong khi yêu cầu cần 5.000 phòng khám bác sĩ gia đình. Khi đó mới đảm bảo được việc kiểm soát các chỉ định không cần thiết, cũng như kiểm soát về điều trị' - ông Thảo nói.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!