Ngày 10/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Hà Giang.
Đánh giá các kết quả mà tỉnh Hà Giang đã đạt được, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tuy là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Hà Giang đã có nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Một số chỉ tiêu đạt kết quả tốt như tỉ lệ giới tính khi sinh 109 bé trai/100 bé gái; tỉ lệ dân số tham gia BHYT đạt 96,8%; số bác sĩ trên vạn dân 10,5/10.000 dân; y tế xã chuẩn quốc gia đạt 100%...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành y tế Hà Giang cần tập trung củng cố nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Việc kết nối công nghệ thông tin với y tế cơ sở cần đẩy mạnh giúp người dân được hưởng những kỹ thuật cao từ tuyến trung ương. Cần xây dựng quy trình hội chẩn từ y tế cơ sở với các chuyên gia đầu ngành tại trung ương, đồng thời đánh giá hiệu quả điều trị bệnh nhân cho đến khi ra viện ra sao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quản lý ngay tại cộng đồng các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe. Giữa liên đoàn lao động cấp huyện và công đoàn ngành y tế có quy chế phối hợp đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chú ý rà soát những địa bàn khó khăn, cơ sở y tế khó khăn để hỗ trợ xây dựng nhà công vụ, giúp nhân viên y tế an tâm công tác. Hiện nay, Hà Giang đã đạt 100% trạm y tế có bác sĩ là điều rất đáng phấn khởi…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các bệnh viện trung ương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Hà Giang nói riêng và các địa phương còn khó khăn nói chung để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại. Nhân dịp này, các bệnh viện như BV Bạch Mai, BV Phụ sản Trung ương, BV Nhi Trung ương, BV Đại học Y Hà Nội và Sở Y tế Hà Giang đã ký hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện trung ương cho ngành Y tế tỉnh Hà Giang; trao tặng thiết bị y tế của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho Hà Giang.
Được biết, thời gian qua, các cơ sở y tế của tỉnh đã khám cho trên 459.000 lượt người, triển khai hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương và giữa các bệnh viện trên địa bàn tỉnh bước đầu có hiệu quả.
Lễ ký hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện trung ương cho ngành Y tế tỉnh Hà Giang.
Chủ động ứng phó với dịch COVID-19, bạch hầu và các bệnh theo mùa
Về công tác phòng chống dịch COVID-19, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Hà Giang là địa bàn có nhiều đường mòn, lối mở nhưng thời gian qua đã quản lý tốt. Hiện nay công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam được thế giới đánh giá cao, chúng ta đang thực hiện phát triển kinh tế nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
'Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại một số địa phương, Hà Giang cần tích cực truyền thông cho người dân thực hiện thật tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết… Cần rà soát đến tận thôn bản để phát hiện các 'vùng lõm' tiêm chủng là những địa phận vùng sâu, vùng xa để tiêm bổ sung kịp thời. Tổ chức tập huấn cho y tế cơ sở để chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân mắc bạch hầu. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn cơ số thuốc để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra…' – Lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang Lương Viết Thuần, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trong 6 tháng đầu năm, Hà Giang đã điều trị thành công ca bệnh COVID-19 tại bệnh viện tuyến huyện với sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương. Tập trung triển khai các hoạt động phòng chống dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức, truyền thông bằng tiếng dân tộc; Tổ chức đào tạo tập huấn cập nhật các hướng dẫn mới của Bộ Y tế.
Đảm bảo bố trí 700 giường khu cách ly tập trung và 30 giường khu điều trị người bệnh theo chỉ tiêu kế hoạch giường cách ly và giường bệnh của Ban chỉ đạo Quốc gia. Mua sắm bổ sung kịp thời trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ phòng chống dịch, đặc biệt là đã huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, tham mưu thành lập 68 chốt kiểm soát cố định tại các xã biên giới, 10 chốt kiểm dịch nội địa, đã kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế 130.289 người, số phương tiện được phun khử khuẩn 71.862 phương tiện.
Ông Thuần cho hay, toàn tỉnh có 33.702 người cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử, số khai báo y tế là 31.313 người. Rà soát các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh; tổng số mẫu bệnh phẩm nghi ngờ COVID-19 đã lấy và gửi xét nghiệm 2.226 mẫu. Tổng số người đã cách ly theo dõi 7.399 người, trong đó 6.270 người đã cho về tiếp tục theo dõi ở nhà, hiện có 594 người đang được cách ly tập trung, 535 người cách ly, theo dõi tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Tổng số các trường hợp cách ly, theo dõi điều trị tại các bệnh viện là 194 người. Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Phương án thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tỉnh Hà Giang.
Lễ ký quy chế phối hợp giữa Sở Y tế tỉnh và Liên đoàn lao động tỉnh Hà Giang về chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho công nhân viên chức lao động giai đoạn 2020-2023.
Nhiều đổi mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Cũng theo ông Lương Viết Thuần, hiện tại, hệ thống y tế cơ sở của Hà Giang có 11 bệnh viện (03 bệnh viện ĐKKV và 8 bệnh viện đa khoa tuyến), 11 Trung tâm y tế tuyến huyện/thành phố; 11 Trung tâm Dân số-KHHGĐ; 18 Phòng khám đa khoa khu vực và 176 Trạm y tế xã/phường/thị trấn. Tiếp tục rà soát, củng cố và ổn định hệ thống y tế tuyến xã, phường và thị trấn. Đánh giá hiệu quả hoạt động của 18 Phòng khám đa khoa khu vực và 176 Trạm y tế tuyến xã.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện theo Quyết định 6858/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Tăng cường thực hiện ứng dụng CNTT vào các hoạt động của y tế cơ sở; triển khai và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, quản lý, điều hành công tác y tế từ rất sớm (từ năm 2013).
Việc triển khai thực hiện Hồ sơ quản lý sức khỏe (cá nhân) điện tử đã được Ngành y tế phối hợp với Cục CNTT (Bộ Y tế) tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế (Phụ trách thống kê báo cáo, công nghệ thông tin…) tại tuyến huyện/thành phố. Trên cơ sở đó Ngành đã chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã/phường/thị trấn. Bước đầu ứng dụng phần mềm do Bộ Y tế đã cung cấp các tài khoản cho các đơn vị từ tuyến xã trở lên. Dựa trên phần mềm Y tế xã phường liên thông (NIDI) đã có sẵn, ngành Y tế tổ chức nhiên cứu nhằm tích hợp nội dung của Hồ sơ sức khỏe vào phần mềm này để thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả tại các xã điểm và đang mở rộng mô hình triển khai, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ thực hiện 193/193 xã (tỷ lệ 100%).
Các bệnh viện tuyến trung ương trao thiết bị và tiền hỗ trợ ngành y tế Hà Giang.
Các hoạt động khác như tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động y tế cơ sở; Tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở… đều được quan tâm chú trọng...
Cũng trong chuyến công tác này đã diễn ra lễ ký quy chế phối hợp giữa Sở Y tế tỉnh và Liên đoàn lao động tỉnh Hà Giang về chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho công nhân viên chức lao động giai đoạn 2020-2023. Công đoàn y tế Việt Nam đã trao tiền hỗ trợ xây nhà công vụ tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đồng thời, trao Bằng khen của Công đoàn Y tế cho cán bộ y tế có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!