Bệnh thống kinh là hiện tượng đau khi hành kinh, đau từ hạ vị lan lên ức, lan xuống đùi, có khi đau khắp bụng, đôi lúc bị đau đầu, cương vú... Phần lớn phụ nữ âm thầm chịu đựng nỗi đau này mà không đi khám bệnh hoặc dùng thuốc giảm đau, gây ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây đau bụng khi hành kinh chủ yếu là do thận hư, huyết hư hoặc khí trệ huyết ứ hoặc do hàn chứng, do huyết nhiệt...
Cây ô dược cho vị thuốc ô dược.
Bệnh biểu hiện thành các chứng: chứng thực là khi hành kinh, bụng đau dữ dội, có khi trướng lên, xoa cũng không dịu, có khi đau sang lưng sườn, kinh nguyệt sắc đỏ thẫm hoặc thâm tía, có cục, đến hết kỳ thì giảm dần rồi không đau, mạch thường trầm, có lực.
Chứng hư là trước và trong những ngày hành kinh không đau, kinh nguyệt màu nhợt, lượng ít nhưng đến hết kỳ thường đau bụng âm ỉ, xoa thấy dịu, mạch huyền sác, vô lực. Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc Nam điều trị thống kinh để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết:
Bài 1: nga truật (nghệ đen) 100g, hương phụ (củ gấu) 80g, trạch lan 30g, ngải cứu 30g, lá đài bi 30g, lá ích mẫu 30g, long não 5g, phèn chua 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc có tác dụng điều khí hành huyết, khai uất bổ hư lương huyết thanh nhiệt.
Bài 2: hương phụ (chế) 80g, can khương 5g, nga truật 20g, ô dược 20g, tô diệp 10g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài này chữa cả kinh bế, kinh trệ.
Bài 3: nếu kinh nguyệt có màu đen dùng ba kích 30g, ô dược 10g, hoài sơn 20g, biển đậu 20g, mộc hương 10g, bạch truật 20g, hương phụ 10g, thổ phục linh 15g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu sắp thấy kinh có nước trào ra dùng phòng đẳng sâm 30g, bạch truật 20g, thổ phục linh 20g, ý dĩ 20g, ba kích 20g.
Bài 4: đương quy 8g, đan bì 8g, ngô thù 8g, phục linh 4g, tế tân 4g, phòng phong 4g, cao bản 4g, càn cương 4g, mộc hương 4g, cam thảo 4g, ô dược 8g, thương truật 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 5: uất kim 50g, hương phụ (chế) 100g, nga truật 50g, hà thủ ô 50g, ngải diệp 20g. Các vị sao vàng tán bột, mỗi ngày uống 20g với nước sôi. Nếu vừa hành kinh vừa đau bụng gia sinh khương; hành kinh hết rồi mới đau thì gia thêm hương phụ sống. Hành kinh kéo dài thêm cỏ nhọ nồi. Đau bụng trước khi hành kinh thêm quế chi.
Ngoài ra, chị em phụ nữ nên thực hiện các biện pháp để phòng chống thống kinh và giảm cơn đau như chườm nóng, xoa bóp vùng bụng châm cứu, ấn huyệt, kích thích thần kinh bằng điện cực qua da, kéo nắn cột sống... giúp giảm đau. Nên thể dục đều đặn hằng ngày, nếu thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi hợp lý. Ăn uống đầy đủ, kiêng uống cà phê, hút thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc lá.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!