Tiêu chuẩn nhà vệ sinh trường học

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Chuyện bẩn ở nhà vệ sinh các trường học hiện nay trên toàn quốc đã không còn là hiếm. Tình trạng này khiến cho các em học sinh né tránh việc đi vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe...

Nguy cơ nhiễm bệnh từ nhà vệ sinh

Theo điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh bắt nguồn từ trường học. Nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày, làm tăng nguy cơ bị mất nước và nhiễm trùng hệ tiết niệu, sỏi tiết niệu.

Sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột (tiêu chảy, tả, thương hàn...) thường bị giảm khả năng nhận thức, cùng được tiếp nhận dinh dưỡng bổ sung như nhau, nhưng các trẻ bị tiêu chảy càng nhiều ngày thì sau 24 tháng, sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng bị suy giảm.

Việc trẻ không dám đi vệ sinh sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Nhiều trẻ “nhịn” rồi bĩnh ra quần. Việc tránh sử dụng nhà vệ sinh trong trường học có thể dẫn đến chứng táo bón. Nếu bị táo bón lâu ngày có thể gây bệnh trĩ, rách hậu môn và liên quan đến các vấn đề đại tiểu tiện không tự chủ ở trẻ (đái dầm, ị đùn...).

Những bệnh truyền nhiễm các em có thể bị nhiễm như: bệnh tay - chân - miệng; tả; tiêu chảy; viêm đường ruột; sỏi thận; viêm gan A, nhiễm giun sán... từ nhà vệ sinh “bẩn”. Các vi sinh vật gây bệnh từ nhà vệ sinh có thể theo trẻ về nhà, lây cho gia đình, theo người chế biến thức ăn đến bữa ăn của học sinh...

Tiêu chuẩn nhà vệ sinh trường học

Nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối khiến các em phải bịt mũi mỗi khi vào.

Tiêu chí của một nhà vệ sinh trường học

Hạng mục nhà vệ sinh là một trong những hạng mục quan trọng trong xây dựng, kiến thiết trường học. Mỗi cấp học khác nhau lại có những quy định về nhà vệ sinh khác nhau.

Tiêu chuẩn nhà vệ sinh trường trung học ngoài các quy định chung cho tất cả các nhà vệ sinh trường học thì còn có những quy định riêng dành cho nhà vệ sinh cấp trung học như: Khu vệ sinh cần được bố trí hợp lý theo từng khối chức năng và đáp ứng yêu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh, đảm bảo vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường. Chú ý: Đối với khu vực không có nguồn cấp nước tập trung cho phép bố trí nhà vệ sinh bên ngoài khối phòng học; Khu vệ sinh có diện tích tối thiểu 0,06m2/ học sinh với số lượng thiết bị yêu cầu bao gồm: 1 tiểu nam, 1 chậu xí, 1 chỗ rửa tay cho 30 học sinh. Đối với học sinh nữ tối đa 20 học sinh/chậu xí.

Còn về xây dựng và thiết kế nhà vệ sinh trong các trường tiểu học ở nước ta cụ thể như sau: Khu vệ sinh trong trường tiểu học được bố trí khoa học theo các khối chức năng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của cán bộ giáo viên, học sinh, cán bộ trong trường; sạch sẽ và không ô nhiễm môi trường; Nếu những khu vực không có nguồn nước tập trung thì phải thiết kế khu vệ sinh cho học sinh, cán bộ giáo viên ở ngoài khu vực phòng học. Khu vực vệ sinh của các em học sinh cần có phòng đệm, thiết kế theo tiêu chuẩn với diện tích tối thiểu là 0,06m2/học sinh. Đối với phòng vệ sinh nam: Đảm bảo số lượng thiết bị trong phòng vệ sinh phải đáp ứng đủ cho khoảng 20-30 học sinh bao gồm: 1 bồn rửa tay, 1 bệ xí và 1 tiểu nam. Đối với phòng vệ sinh nữ: Đảm bảo số lượng thiết bị trong phòng vệ sinh phải đáp ứng đủ cho khoảng 20 học sinh nữ, bao gồm 1 chậu xí cho mỗi phòng.

Còn đối với cấp mầm non, nhà vệ sinh phải đáp ứng được các tiêu chí như xây dựng khép kín với phòng sinh hoạt và phòng ngủ hoặc liền kề với nhóm lớp, thuận tiện cho sử dụng và dễ quan sát. Tiêu chuẩn diện tích từ 0,40m2 /trẻ đến 0,60m2 /trẻ nhưng không nhỏ hơn 12m2/phòng. Có vách ngăn cao 1,20m giữa chỗ đi tiểu và bồn cầu. Kích thước mỗi ô đặt bệ xí 0,8m x 0,7m. Bố trí từ 2-3 tiểu treo dùng cho trẻ em nam và từ 2 xí bệt đến 3 xí bệt dùng cho trẻ em nữ. Không chỉ phải đạt được những tiêu chuẩn trên mà các trường mầm non phải thiết kế không gian nhà vệ sinh trường mầm non phải thân thiện phù hợp với trẻ. Vấn đề về trực quan đối với trẻ mầm non là một điều rất quan trọng vì vậy thiết kế không gian nhà vệ sinh phải bắt mắt ngộ nghĩnh là một phần góp phần giúp trẻ phát triển tốt...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!