Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã chủ động xây dựng rất nhiều kịch bản để ứng phó với dịch COVID-19. Ảnh: TTBC
Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi các ca bệnh COVID-19 đầu tiên xuất hiện, Thành phố đã chủ động các kịch bản ứng phó, bám sát tình hình và đang kiểm soát tốt tình hình dịch. Hiện nay, thành phố đã ghi nhận 45 dương tính với COVID-19, đã điều trị thành công 3 trường hợp (trước ngày 9/3) và dự kiến sẽ có 7 ca xuất viện chiều nay hoặc sáng mai (30/3) sau khi xét nghiệm âm tính 3 lần. Hiện số trường hợp đang cách ly tập trung là 9.739 trường hợp; tổng số trường hợp tiếp xúc hoặc có liên quan với ca bệnh mới đến ngày 28/3 đã xác định được 4.786 trường hợp.
'Qua tốc độ lây lan dịch bệnh trên thế giới, nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh bình quân của thành phố rất thấp. Từ khi có ca nhiễm đầu tiên đến nay là 66 ngày nhưng thành phố chỉ có 45 ca nhiễm, trong đó có 40% quốc tịch nước ngoài và 69% do lây nhiễm ở nước ngoài. Riêng trường hợp tại Buddha Bar (Quận 2) đã có 13 ca, chiếm 29% số ca nhiễm thành phố', Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phân tích và đánh giá.
Để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và quán triệt tinh thần 'chống dịch như chống giặc', ngay sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn, Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra, trong đó công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Thành phố đã ban hành 12 việc cần làm ngay trong '14 ngày vàng' và đã phát hành 5 triệu bản in đến từng hộ gia đình; thực nguyên tắc phòng chống dịch theo 6 nguyên tắc và phương châm 5 tại chỗ. Đồng thời, Thành phố xây dựng kịch bản, kể cả kịch bản xấu nhất, để chủ động phòng chống hiệu quả nhất.
Đến nay TP Hồ Chí Minh đã xác định được hơn 5.000 người nhập cảnh vào thành phố từ ngày 8/3 trở lại chưa được cách ly tập trung.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong công tác cách ly tập trung, thành phố đã chuẩn bị 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường, trong đó đã đưa vào sử dụng 12.000 giường. Cùng với đó, thành phố đã triển khai 4 khu điều trị chuyên sâu COVID-19 với tổng quy mô là 2.300 giường. Ngoài ra, thành phố xác định 47 bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân với quy mô 700 giường, khi cần thiết nâng lên 1.000 giường.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát tất cả những trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh vào thành phố từ ngày 8/3 trở lại để lấy mẫu xét nghiệm. Hiện nay đã thống kê được 5.464 người và lấy lấy mẫu xét nghiệm được 1.496 trường hợp, những người còn lại sẽ được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Dự kiến trong tháng 4 và tháng 5, Thành phố sẽ mua thêm 110.000 bộ kit xét nghiệm để tăng cường kiểm soát người nghi ngờ COVID-19. Trước đó, Thành phố đã chủ động 10.000 bộ kit xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc rộng những trường hợp nghi ngờ và hiện đã xét nghiệm được 6.000 mẫu nghi ngờ COVID-19.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế tối đa các chuyến bay quốc nội đến và đi từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, chỉ xem xét cấp phép cho một số chuyến bay đến và đi thật sự cần thiết trong giai đoạn cao điểm hiện nay (từ ngày 28 tháng 3 năm 2020 đến ngày 15 tháng 4 năm 2020). Cùng với đó, sớm ban hành Nghị quyết về các chế độ chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để các địa phương triển khai thực hiện. Ngoài ra, Thành phố đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên, thống nhất chung trong cả nước.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!