Tràn dịch màng phổi không đơn thuần bệnh lao

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Tràn dịch màng phổi cũng có thể do u ác tính hoặc ung thư phổi, áp-xe dưới cơ hoành, viêm tuỵ tạng, hay viêm màng ngoài tim...

Tràn dịch màng phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ em, nhưng với người cao tuổi thường để lại hậu quả xấu nặng nề hơn. Vì vậy, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ở Mỹ, hàng năm có khoảng xấp xỉ một triệu trường hợp tràn dịch màng phổi được phát hiện; ở nước ta hàng năm có khoảng 1.000 trường hợp được chẩn đoán và can thiệp.

Nhiều nguyên nhân

Tràn dịch màng phổi không đơn thuần bệnh lao

Ảnh minh họa

Màng phổi gồm lá thành và lá tạng, giữa hai lá có khoảng trống. Bình thường trong khoảng trống có một ít dịch sinh lý để làm bôi trơn khi phổi hoạt động làm cho lá thành và lá tạng chuyển động nhịp nhàng. Khi lượng dịch vượt quá chỉ số sinh lý bình thường tức là có sự bài tiết xuất hiện làm ứ đọng dịch trong khoang màng phổi đến một mức độ nhất định sẽ gây tràn dịch màng phổi.

Thực chất của tràn dịch màng phổ là biểu hiện hoặc biến chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Tràn dịch màng phổi có thể do viêm phổi với nhiều căn nguyên đa dạng như: do vi khuẩn họ cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu, phế cầu), vi khuẩn Hemophilus influenzae, K.pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, vi khuẩn lao hoặc ung thư (phổi, di căn) hoặc một số bệnh khác.

Bệnh thường gặp nhất trong tràn dịch màng phổi là lao phổi. Tràn dịch màng phổi cũng có thể do u ác tính (các khối u lồng ngực đè vào ống ngực gây thoát dịch dưỡng trấp ra màng phổi) hoặc ung thư phổi. Một số bệnh như: áp-xe dưới cơ hoành, áp-xe gan, xơ gan cổ trướng, viêm tuỵ tạng, viêm màng ngoài tim, suy tim sung huyết hoặc một số bệnh mạn tính như thấp khớp mạn hoăc luput ban đỏ cũng có thể gây nên tràn dịch màng phổi.

Tràn dịch màng phổi có thể do u nang buồng trứng ở nữ giới (hội chứng Meigs). Chấn thương lồng ngực hoặc sau phẫu thuật lồng có thể gặp tràn dịch màng phổi tuy rằng tỉ lệ gặp rất hiếm. Ngoài ra, tràn dịch màng phổi có thể do một số bệnh bởi ký sinh trùng gây nên (lỵ amíp, giun chỉ, sán lá gan).

Nhận biết tràn dịch màng phổi

Đau ngực là triệu chứng khởi đầu của tràn dịch màng phổi. Đau thường âm ỉ phía bên tràn dịch, nếu nằm nghiêng về phía bên đối diện thì sẽ đau tăng lên. Khó thở cũng là một triệu chứng thường gặp. Khó thở xuất hiện và mức độ khó thở tùy thuộc vào số lượng và tốc độ dịch tiết ra. Người bệnh có thể sốt. Sốt thường biểu hiện của triệu chứng nhiễm trùng và là phản ứng của cơ thể.

Nếu tràn dịch màng phổi xẩy ra ở người có tuổi, sức yếu hoặc bệnh hiểm nghèo thì thân nhiệt tăng lên không nhiều hoặc có khi không tăng lên (không sốt). Ho khan cũng có thể xuất hiện nhưng ho khan với số lần nhiều hay ít cũng như sốt cao hay sốt vừa còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh (viêm phổi do vi sinh vật, lao phổi thì ho nhiều hơn các bệnh như: áp-xe gan, áp-xe cơ hoành…).

Để chẩn đoán, ngoài các triệu chứng lâm sàng thì cần chụp X-quang phổi, hoặc chụp CT, cộng hưởng từ (MRI) phổi, gan mật và các cơ quan nghi bị bệnh gây tràn dịch màng phổi. Hiện nay, siêu âm là một phương pháp khá phổ biến để phát hiện tràn dịch màng phổi.

Nếu có điều kiện thì cần chọc dò màng phổi để xét nghiệm, quan sát màu sắc, tính chất của dịch tiết và xét nghiệm tế bào học, vi sinh, ký sinh. Xét nghiệm dịch màng phổi cũng có thể tìm thấy hồng cầu trong đó, nếu có hồng cầu có thể là nguyên nhân do ung thư phổi hoặc sau nhồi máu phổi. Trong những trường hợp cần thiết, người ta cần phải sinh thiết màng phổi để xác định nguyên nhân.

Nguyên tắc điều trị và dự phòng

Tràn dịch màng phổi có nhiều bệnh khác nhau, trong đó có những bệnh rất phức tạp như ung thư phổi, u ác tính các cơ quan lân cận, xơ gan, suy tim, suy thận. Vì vậy, khi thấy đau tức ngực, khó thở, sốt và các bất thường khác…cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt, nhất là ở người tuổi đã cao, sức khỏe đã suy giảm hoặc đã có tiền sử mắc các bệnh về phổi (lao phổi, viêm phổi, gãn phế quản), bệnh gan, bệnh tim.

Mỗi một loại bệnh khi xác định được và điều trị thì hầu hết bệnh sẽ ổn định, khỏi. Tuy vậy, sau tràn dịch màng phổi còn phải được theo dõi và điều trị tránh dày dính màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến chức năng hô hấp. Hiện nay việc điều trị tràn dịch màng phổi có nhiều tiến bộ với kỹ thuật phẫu thuật nội soi.

Những người đang mắc bệnh lao thì cần điều trị thật tích cực, tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, không nên chủ quan, không được bỏ thuốc đang điều trị và cần có chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện một cách hợp lý để giữ gìn và nâng cao sức khỏe chống lại bệnh tật. Những người đã từng mắc bệnh lao đã điều trị khỏi cũng rất cần đi khám bệnh theo định kỳ để được theo dõi một cách nghiêm túc đề phòng bệnh tái phát.

Để tránh mắc các bệnh về phổi, áp-xe gan do vi khuẩn hoặc do ký sinh trùng thì cần có một môi trường sống tốt. Vì vậy, cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần ăn chín, uống chín, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống). Không hút thuốc lá để phòng các bệnh về đường hô hấp. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần vệ sinh họng, miệng, răng thật sạch hàng ngày bằng hình thức đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!