Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử: Lợi ích nhiều phía

Thời sự - 11/24/2024

Ngành Y tế đang khẩn trương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc. Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử mang đến nhiều lợi ích thiết thực, góp phần bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế. Hiện, một số vướng mắc về phần mềm, tính liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh đang được ngành Y tế tháo gỡ, với mục tiêu đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Ngành Y tế đang khẩn trương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc. Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử mang đến nhiều lợi ích thiết thực, góp phần bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế. Hiện, một số vướng mắc về phần mềm, tính liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh đang được ngành Y tế tháo gỡ, với mục tiêu đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử: Lợi ích nhiều phía

Lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn.

Vẫn còn gặp khó khăn

Hiện, Bộ Y tế đã thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 26 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình của 8 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Riêng tại Hà Nội, việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân được triển khai tại các trạm y tế từ đầu năm 2018.

Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 1 phòng khám và 20 trạm y tế xã, thị trấn. Trong hai năm 2018 và 2019, huyện đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng nâng cao chất lượng 13 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Nhờ triển khai mô hình này nên chất lượng dịch vụ tại các trạm y tế

đã tăng lên. Hiện, các trạm y tế thực hiện 243 danh mục kỹ thuật, gồm các chuyên khoa: Nội, sản, nhi, y học cổ truyền, răng hàm mặt… Toàn huyện cũng đã có 99% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.

Theo Tiến sĩ Khánh Thị Nhi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp quản lý và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giúp ích cho cả người bệnh và cán bộ y tế. Khi người dân đi khám, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử được liên thông từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện, thầy thuốc sẽ biết được tiền sử bệnh tật một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.

Tương tự, tại Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) sau hơn 1 năm hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình, 97% dân số trong xã đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại trạm y tế còn hạn chế. Hiện, trạm y tế sử dụng 3 phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Nhưng các phần mềm chưa tương thích với các bệnh viện tuyến trên nên khó khăn trong việc theo dõi tiền sử bệnh tật của người dân.

Trong tháng 9 và tháng 10-2019, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã khai trương và đưa vào hoạt động 5 trạm y tế xã theo mô hình nguyên lý y học gia đình. Tại các trạm y tế này đã có 40.117/41.926 người được lập hồ sơ quản lý sức khỏe (đạt 95,7%).

Nhưng cũng như Trạm Y tế xã Tân Hội, việc cập nhật các lần khám chữa bệnh của người dân vào phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe chưa bảo đảm do thiếu nhân lực để vận hành và các phần mềm chưa được kết nối liên thông…

Mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Dự kiến đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong tương lai, hồ sơ quản lý sức khỏe người dân phải được liên thông từ trạm y tế xã đến các cơ sở y tế tuyến trên. Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể nắm được đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó, thông qua hệ thống máy tính. Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, về một số bất cập như phần mềm áp dụng chưa liên thông; một số địa phương còn lúng túng khi lựa chọn phần mềm, mã định danh y tế, mẫu hồ sơ và khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý…, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.

'Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định phương thức xây dựng mã định danh y tế cho người dân, bảo đảm mỗi hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được cấp phát một mã định danh y tế. Thời gian hoàn thành là năm 2020', Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Về phía thành phố Hà Nội, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Nội) Vũ Duy Hưng cho biết: 'Thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe từ các trạm y tế đến các bệnh viện của thành phố. Khi thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, chúng tôi phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế, nhất là các yếu tố an toàn, bảo mật. Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người. Mục tiêu chung của kế hoạch là từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!