Thông thường sau khi sinh, rốn của trẻ sẽ rụng trong khoảng 5 đến 7 ngày tuổi. Thời gian này việc vệ sinh rốn cho trẻ rất cần thiết để tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên có trường hợp rốn của trẻ khi rụng lại không khô, có dịch và có hạt khiến cho các bà mẹ vô cùng lo lắng. Vậy tình trạng này có nguy hiểm và có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hay không? Hãy cùng chuyên mục Sống khỏe kỳ này giải đáp thắc mắc trong bài viết dưới đây.
Rụng rốn chưa khô, có dịch và hạt có nguy hiểm?
Theo ThS. Đinh Văn Tài - Chuyên khoa Nội của Bộ Y tế cho biết, theo giải phẫu bình thường, cuống rốn gồm 1 tĩnh mạch và 2 động mạch được bao phủ bằng lớp mô liên kết nhầy, đây là cầu nối giúp chất dinh dưỡng được truyền từ mẹ sang con để nuôi dưỡng thai nhi. Sau khi sinh, rốn được kẹp lại và ngắt khỏi người mẹ, cuống rốn sau đó sẽ nhanh chóng khô, cứng và chuyển màu đen. Cuốn rốn thường rụng sau sinh khoảng 5 đến 15 ngày, thường trung bình khoảng 7 ngày.
Sau khi rốn rụng, chất dịch nhầy có thể vẫn còn được tiết ra cho đến khi rốn lành hẳn sau vài ngày. Đây là phản ứng viêm sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể khiến cho trẻ dễ bị nhiễm trùng rốn nếu không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Trong trường hợp em bé có hạt trắng xuất hiện thì cần theo dõi thêm, nhưng nếu trẻ vẫn bú mẹ và ngủ bình thường, không thấy bất thường gì khác vùng quanh rốn thì sẽ không có gì đáng lo ngại.
Cách xử lý khi rốn trẻ chưa khô có dịch và hạt
- Trong trường hợp này mẹ nên cần quan tâm việc đảm bảo cho bé bú đủ sữa mẹ nhằm cung cấp đủ kháng thể chống nhiễm trùng, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng.
- Nên lưu ý giữ vệ sinh cho trẻ, đặc biệt vùng rốn vừa rụng, không nên băng kín mà nên để thoáng, giữ sạch sẽ.
- Đồng thời theo dõi sát sao vùng rốn rụng, nếu có các biểu hiện bất thường thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Các triệu chứng bất thường mẹ cần lưu ý
1. Nhiễm trùng rốn
Nếu bạn quan sát vùng rốn của trẻ và thấy rốn có dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, hoặc có nhiều dịch tiết quanh chân rốn, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay. Đây là trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn và vùng da quanh rốn, có thể nguy hiểm, cần được điều trị tại bệnh viện.
2. U hạt rốn
Trường hợp này biểu hiện khi thấy chân rốn rỉ dịch vàng kéo dài, không kèm dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, trẻ không nóng sốt, có thể trẻ bị u hạt rốn.
3. Rỉ máu rốn kéo dài
Nếu như chân rốn rỉ máu nhiều và kéo dài, có thể là dấu hiệu của bệnh lý đông máu. Mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để các bác sĩ trực tiếp thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Tránh những biến chứng đáng tiếc về sau.
Nguồn: Sống khỏe
Làm sao để trẻ an toàn dưới nước?
Khi nào nên đưa bé đi khâu vết thương?
Phụ nữ mang thai và tầm quan trọng của axit folic
Thứ tự mọc răng sữa của trẻ sơ sinh
Bệnh tan máu bẩm sinh, cần sự lưu tâm của mỗi cá nhân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!