Khi trẻ 10 tháng tuổi, bạn có thể tương tác với trẻ các trò chơi ở mức phức tạp và sáng tạo hơn. Những hoạt động như trò chuyện và hát cho trẻ nghe vẫn luôn mang lại hiệu quả cao.
Dưới đây là một số gợi ý các trò chơi giúp trẻ của bạn phát triển và đạt được những kỹ năng nhất định ở tháng thứ 10:
Trò chơi hỏi và trả lời:Bạn hãy chuẩn bị một búp bê (thường là búp bê trẻ yêu thích để tạo sự gần gũi và an tâm của trẻ khi chơi, chẳng hạn như chú Gấu) và một vài quyển sách có hình các con vật, hoa quả… Sau đó bạn vào vai Gấu Teddy: ‘Chị Bông có biết bạn này tên gì không? Tên bạn ấy là Hổ đấy!’. Ngược lại, bạn vào vai con bạn ‘Thế bây giờ chị Bông lại hỏi Teddy nhé, quả này là quả gì? Quả này là quả Cam đấy!’, cứ như vậy bạn đổi vai và trả lời. Trẻ sẽ thích thú vô cùng vì được bạn gọi tên trẻ và bạn gấu Teddy mà trẻ yêu thích.
Trò chơi này sẽ giúp trẻ nhận biết được tên các con vật, các đồ vật, các loại hoa quả… xung quanh và đặc biệt duy trì được trí nhớ của trẻ theo kiểu học mà chơi, chơi mà học.
Cùng trẻ nghe nhạc:Nhạc sôi động, nhạc nhẹ nhàng… đều gây sự chú ý và thích thú ở trẻ. Hãy cùng trẻ ngân nga bài hát nhộn nhịp hay du dương nào đó, có thể bạn múa phụ họa với những động tác đơn giản đi kèm bài hát đó để thêm phần sinh động.
Điều này sẽ giúp trẻ phát triển nhanh ngôn ngữ nói, mắt (khi nghe hát, múa) và kích thích cơ thể trẻ vận động (khi nhún nhảy theo giai điệu bài hát).
Trò chơi ‘rung chuông’:Ở tháng tuổi này, trẻ đã biết tò mò và tìm theo những nơi phát ra âm thanh lạ. Một chiếc xúc xắc nhỏ tạo âm thanh, một món đồ chơi không tạo âm thanh và hai tấm chăn mỏng sẽ giúp bạn và trẻ có thể chơi trò này. Bỏ xúc xắc tạo ra âm thanh vào một chiếc chăn và món đồ chơi không có âm thanh vào chiếc chăn khác, sau đó bạn cùng giơ cả 2 tay lên lắc nhẹ và hỏi ‘âm thanh vui nhộn này là từ đâu nhỉ? Mẹ con mình cùng tìm nhé?’. Hãy cùng trẻ chơi trò này và khuyến khích trẻ khi trẻ tìm được như ‘Con của mẹ giỏi quá!’. Điều này sẽ làm trẻ cảm thấy phấn khích và vui hơn khi tham gia trò chơi.
Trò này giúp kích thích phát triển giác quan nghe và nhìn của trẻ tốt hơn, tạo thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ sau này.
Trò chơi phối hợp tay – mắt:Sử dụng chiếc đũa và chiếc thìa có cán dài để giúp trẻ chơi trò chơi này. Bạn phải đảm bảo 2 vật dụng này không gây bất cứ nguy hiểm cho trẻ. Dạy trẻ một tay cầm chiếc đũa, một tay khác cầm chiếc thìa. Lúc đầu có thể đập hụt hai đồ vật này vào nhau nhưng chẳng bao lâu sau, trẻ sẽ biết tạo ra những giai điệu nhịp nhàng và chính những âm thanh vui vẻ đó sẽ thu hút trẻ với trò chơi.
Trò chơi giúp phối hợp mắt và tay, giúp mắt của trẻ trở nên linh hoạt hơn và tay trẻ cũng chắc chắn hơn khi cầm đồ vật.
Xây tháp đồ ăn:Mẹ hãy nấu chín và cắt thành khoanh nhỏ nhiều loại rau như cà rốt, súp lơ xanh, khoai tây... hoặc có thể tận dụng bất cứ đồ ăn gì có thể xây thành tháp, như bánh mỳ chẳng hạn. Đặt khay thức ăn trước mặt trẻ. Bạn cũng ngồi đối diện với trẻ và phân loại thức ăn, như cà rốt một góc, khoai tây một góc... Hãy chồng những mảnh thức ăn thành từng tòa tháp một và để trẻ của bạn quan sát những gì bạn đang làm. Bắt đầu với những mảnh thức ăn lớn nhất và chồng lên cao dần.
Trò chơi này giúp phát triển 5 giác quan cũng như giúp trẻ có khả năng biết phối hợp giữa mắt, tay một cách thuần thục hơn.
Đọc sách, xem tranh:Cho trẻ xem những cuốn sách với màu sắc sặc sỡ và nhiều hình ảnh. Chỉ cho trẻ xem và đọc tên của những vật khác nhau trong đó.
Trò chơi này luôn là trò chơi được khuyến khích chơi nhất bởi bạn sẽ tạo được thói quen và sự yêu thích đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ.
Nhặt ra và xếp vào:Chỉ cần với một chiếc hộp cao ngang tầm bụng trẻ và các đồ chơi xếp hình hoặc bất cứ đồ chơi nào của trẻ là bạn đã có thể giúp trẻ chơi. Bạn hướng dẫn trẻ nhặt đồ chơi xếp vào thùng sau đó lại nhắc trẻ lấy đồ chơi ra và để ra xuống đất. Cứ lặp đi lặp lại những động tác này và cho trẻ biết bạn vui như thế nào khi trẻ làm được những điều này.
Đây là trò chơi mà trẻ rất thú vị và có ích cho trẻ trong luyện tập đứng lên, ngồi xuống trở nên thành thạo và cứng cáp hơn. Ngoài ra giúp khả năng cầm nắm các vật của trẻ cũng chắc chắn hơn.
Trên đây chỉ là một số gợi ý các trò chơi bạn có thể chơi cùng trẻ. Hy vọng bạn sẽ có những giây phút vui vẻ và hạnh phúc bên ‘tình yêu bé bỏng’ của mình.
Nguồn ảnh: Internet
Thùy Chi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!