Trong não bộ con người chứa khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh nhưng sự thông minh nhạy bén lại phụ thuộc vào những tế bào đó liên kết với nhau như thế nào. Vậy ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bạn nên giúp trẻ thúc đẩy sự phát triển của não bằng các trò chơi hàng ngày.
Chơi đồ chơi chuyển động:Trẻ thích xem những đồ vật chuyển động và cũng thích tự mình làm cho đồ vật chuyển động. Do vậy, bạn có thể mua cho trẻ những đồ chơi có bánh xe nhỏ và nhẹ, những thú bông và hướng dẫn trẻ cách kéo đẩy làm những đồ chơi đó chuyển động.
Trò chơi này sẽ giúp tế bào thần kinh não liên kết với kỹ năng ra dấu và chuyển động của trẻ. Những kỹ năng này được kích hoạt càng sớm thì độ khéo léo của trẻ càng cao.
Trò chơi chăm sóc: Ngồi xuống đất cùng với trẻ và đặt vài thú nhồi bông xung quanh. Ôm một thú nhồi bông và đung đưa trong lòng ‘chó con đẹp quá’, ‘chị thích chơi cùng với em nè’, ‘chị yêu em nào’… Sau đó, để trẻ cũng làm như thế với thú nhồi bông. Đưa trẻ một thú nhồi bông và nói trẻ ôm ấp, nói chuyện. Tiếp tục chơi chừng nào trẻ còn thích. Các nhà khoa học nói rằng, nếu trẻ không đủ tình yêu thương ngay từ nhỏ sẽ thiếu những nối kết cần thiết để hình thành mối quan hệ gần gũi sau này.
Trò chơi giúp trẻ phát triển khả năng bộc lộ tình cảm, quan tâm yêu thương những người xung quanh.
Đá bóng:Bạn hãy đặt một quả bóng nhỏ và nhẹ trước mặt trẻ rồi ‘hỗ trợ’ bằng việc bế trẻ lên, đá chân vào quả bóng và đừng quên cho trẻ nhún nhảy nhịp nhàng để tăng cường sức khỏe của đôi chân. Đây là ‘viên gạch nền’ cho quá trình trở thành một cầu thủ thực sự của trẻ đấy. Bạn yên tâm! Dù quả bóng chỉ lăn vài centimet cũng khiến trẻ hứng khởi lắm.
Trò chơi này giúp trẻ vận động được sự nhanh nhạy của cơ thể và giúp chân trẻ cứng cáp hơn để tạo cơ hội cho trẻ tập đi nhanh hơn.
Xây tháp:Những hộp giấy, bát nhựa, sách vải, hộp sữa chua và các khối xếp hình… đều có thể trở thành vật liệu để trẻ xây một toà tháp. Không cần cầu kỳ, bạn cứ chồng các món đồ lên nhau cho đến khi chúng đổ nhào. Trẻ sẽ rất thích thú.
Trò chơi này giúp trẻ nhận biết được hình dáng, kích cỡ của đồ vật và sự khéo léo của đôi tay.
Nhìn mẹ này:Trẻ giai đoạn này rất thích bắt chước. Nếu thấy mẹ chải tóc, lau mặt hay đơn giản là mỉm cười… trẻ sẽ cố gắng ‘copy’ ngay. Do đó, mẹ hãy ‘dụ’ trẻ nghe lời và làm theo các trò của mình như vuốt má, lau mặt… Để tăng tính hiệu quả, mỗi hành động nên có kèm theo một câu hát ví như ‘meo meo meo rửa mặt như mèo’.
Trò chơi này không chỉ giúp trẻ học thêm từ mới mà còn là tiền đề phát triển khả năng tưởng tượng của trẻ.
Nguồn ảnh: Internet
Thùy Chi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!