Trò chơi phát triển kỹ năng cho trẻ 8 tháng tuổi

Nuôi dạy con - 11/24/2024

8 tháng tuổi, trẻ đã biết làm nhiều việc mà bạn sẽ rất bất ngờ và thích thú.

8 tháng tuổi, trẻ đã biết làm nhiều việc mà bạn sẽ rất bất ngờ và thích thú. Hãy giúp trẻ phát triển các kỹ năng, tính tự lập mà không cần quá nghiêm khắc.

Phát triển kỹ năng giao tiếp

- Trò chuyện cùng trẻ: Trẻ sẽ chú ý hơn nếu bạn dùng cách nói chuyện cường điệu và biểu cảm trên gương mặt. Hãy chỉ những người, vật, địa điểm mà bạn và con bắt gặp.

Từ đó, trẻ nhận thức được vấn đề thông qua ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và ngữ cảnh.

Trò chơi phát triển kỹ năng cho trẻ 8 tháng tuổi

- Mang sách theo khắp mọi nơi: Mỗi khi ra ngoài với con, bạn có thể mang theo một quyển sách để đọc bất cứ lúc nào trẻ thấy buồn chán, không có gì giải trí. Khi trẻ đi tắm, bạn cũng có thể mang loại sách không thấm nước vào bồn.

Điều này giúp sẽ hình thành cho trẻ quen với sách và dần tạo thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

- Giới thiệu các loài động vật: Đọc cho trẻ nghe những quyển sách có hình chụp hoặc minh họa các loài động vật, chỉ vào từng con thú, đọc tên và giả tiếng kêu của con thú ấy.

Phương pháp này sẽ tạo cho trẻ khả năng ghi nhớ và sự thích thú khi được khám phá thiên nhiên.

- Tiếp tục đáp lại tiếng bi bô của trẻ: Lặp lại những từ mà trẻ cố gắng diễn tả bằng giọng thản nhiên, không nói theo cách nhấn giọng để sửa sai. Chẳng hạn, nếu trẻ nói ‘Be be’, bạn có thể cho con xem một tấm hình em bé và nói: ‘Bé’.

Trẻ sẽ nhận ra rằng ‘hình như mình nói chưa đúng’ để từ đó sẽ ‘nói chuẩn hơn’ trong những tháng tiếp theo.

- Ngân nga những bài hát thiếu nhi: Trẻ rất thích nghe và học mọi thứ theo giai điệu. Hãy hát những bài hát đơn giản như ‘túm lấy cái tai, lắc lư cái đầu, ồ sao bé không lắc…’ với mỗi câu từ bạn hãy thực hiện luôn động tác đó ‘túm cái tai’, ‘lắc lư cái đầu’ sẽ khiến trẻ hiểu ‘túm cái tai là cái gì? Lắc lư cái đầu là như thế nào’.

Trẻ sẽ nhận biết tên của từng đồ vật, hay những bộ phận trên cơ thể tốt và nhanh hơn.

- Cân nhắc dạy trẻ một vài dấu hiệu cơ bản: Ở tháng tuổi này, nhiều trẻ có thể bắt đầu hiểu và sử dụng hình thức ngôn ngữ ký hiệu của mình. Ví dụ, khi muốn có một đồ vật nào đó, trẻ có thể xòe tay ra để xin hoặc khi đói trẻ có thể chỉ vào bụng ra hiệu cho bạn đến giờ trẻ cần được ăn…

Đây là cách giúp trẻ thể hiện được mong muốn của mình thông qua các động tác của cơ thể.

Trò chơi phát triển kỹ năng cho trẻ 8 tháng tuổi

Phát triển trí thông minh

- Trò chơi đổ ra và xếp vào: Các khối hộp với những hình dạng khác nhau, to, nhỏ cùng với một cái hộp. Bằng việc vừa làm vừa nói ‘mẹ đổ ra rồi mẹ lại xếp vào này, cái nào vừa với hộp thì mẹ con mình cùng bỏ vào nhé’. Với trò chơi này, làm đi làm lại nhiều lần, trẻ sẽ nhận ra rằng chỉ những đồ vật nào vừa thì mới bỏ vào hộp được.

Điều này sẽ giúp trẻ có khả năng tư duy các hình khối ngay từ nhỏ.

- Cho và nhận: Khi trẻ đang cầm một vật gì đó mà bạn muốn xin, hãy thử tươi cười bảo con đưa cho mình một món đồ chơi mà trẻ đang cầm. Xòe tay ra để nhấn mạnh thông điệp của bạn: Con yêu, cho mẹ mượn bạn gấu bông này được không?... và sau đó lại làm ngược lại điều đó với bé: mẹ có chú gấu đáng yêu của con rồi, con có muốn lấy lại không?…

Trẻ bắt đầu hiểu rằng khi bạn yêu cầu một điều gì đó. Bé có thể đáp lại hoặc ngược lại. Đây là một cách luyện tập khả năng nhận thức rất tốt.

- Trốn tìm: Bạn và trẻ đang chơi với chú gấu bông ngộ nghĩnh, hãy thử giấu chú gấu bông đó ra sau lưng bạn và hỏi trẻ chú gấu bông đó đâu. Trẻ sẽ bắt đầu tìm kiếm món đồ chơi mất tích. Trước giai đoạn này, món đồ nào ra khỏi tầm mắt đồng nghĩa ra khỏi tâm trí của trẻ. Khi trẻ tìm thấy, bạn hãy cổ vũ con: ‘Ồ, đây rồi!’.
Với trò chơi này, trẻ sẽ phát triển nhanh hơn về thị lực và tư duy.

Phát triển kỹ năng vận động

- Tập cho trẻ biết xếp các hình khối: Cho trẻ đồ chơi dạng xếp hình khối khi trẻ ngồi chơi một mình. Khuyến khích trẻ chơi bằng hai tay và đồng thời giữ thăng bằng khi ngồi.

Qua trò chơi này, bạn đã rèn luyện cho lưng trẻ cứng cáp hơn khi ngồi.

Trò chơi phát triển kỹ năng cho trẻ 8 tháng tuổi

- Đứng lên ngồi xuống: Bạn có thể cầm một món đồ chơi rồi giơ cao lên để trẻ với, sau đó lại hạ xuống đất để trẻ đang trong tư thế đựng sẽ tập ngồi xuống.
Nếu muốn rèn luyện cho trẻ đứng được lâu mà không bị ngã, với trò chơi này sẽ điều kiện tập các cơ của trẻ chắc khỏe hơn. 

Phát triển kênh cảm xúc của trẻ

- Xây dựng thời khóa biểu: Lên kế hoạch một ngày của trẻ theo một thời khóa biểu không thay đổi. Tất cả các ngày trong tuần nên theo cùng thời khóa biểu này. Được cho ăn đúng giờ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn.

- Chào tạm biệt khi ra khỏi nhà: Hành động này dạy (và củng cố) một bài học quan trọng cho trẻ: ‘Mẹ đi rồi mẹ lại về’.

- Chơi với ‘người bạn nhỏ’ của trẻ: Nếu trẻ phải tạm xa bạn, hãy để trẻ ôm chú gấu bông thân quen mà trẻ vẫn hay chơi. ‘Người bạn’ bé nhỏ này, sẽ giúp trẻ an toàn hơn khi không có bạn bên cạnh.

- Tiếp xúc với hình thức chơi luân phiên nhau: Lăn bóng về phía trẻ hoặc xếp các hình khối lên nhau rồi phá đổ, sau đó đến lượt trẻ thực hiện. Trò chơi đổi phiên này dạy trẻ biết tương tác xã hội.

Nguồn ảnh: Internet

Thùy Chi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!