Ngày nay tại Việt Nam những chỉ số về dinh dưỡng, sức khỏe, chất lượng cuộc sống đã được cải thiện song tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh – bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ em lại chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Tư vấn điều trị bệnh tim bẩm sinh(P1)
MC: Thưa TS.BS Vũ Quỳnh Nga, hiện nay, cuộc sống của chúng ta có phần bị tác động nhiều do thực phẩm thiếu an toàn, rau bị sử dụng nhiều hóa chất, gia súc, gia cầm bị dư các chất tăng trọng, những vấn đề đó có ảnh hưởng gì đến căn bệnh này không thưa TS?
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: cuộc sống tốt hơn làm môi trường xấu đi, gây ra các tổn thương trong bào thai. Tim bẩm sinh chiếm khoảng 8/1000 trên thế giới. Khí độc hại như co gây tổn thương về tim nhiều hơn, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh này.
MC: Xin được hỏi, là một người gắn bó nhiều năm trong bệnh tim mạch, đặc biệt là với chương trình 'Trái tim cho em', tôi hiểu ông cũng gặp những áp lực, có thể nói là những cuộc đấu trí căng thẳng. Ông có thể chia sẻ cho quý vị khán giả một kỉ niệm đáng nhớ khi tiếp xúc và mổ tim cho bệnh nhân nhi không ạ?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước trả lời: May mắn là tôi được công tác tại đơn vị phẫu thuật tim đầu tiên tại VN. Đây là đơn vị thực hiện phẫu thuật tim bẩm sinh thường quy tại VN nên có nhiều kỷ niệm trong quá trình chẩn đoán, điều trị bắt dầu từ những ngày sơ khai. Quá trình từ chẩn đoán, điều trị, hồi sức sau mổ...
Có 1 kỷ niệm tôi chia sẻ: Cháu bé 6 tuổi có bố là trưởng đội biên phòng, chỉ có 2 mẹ con sống với nhau. Cháu bị lỗ thông quá lớn khiến cho các bệnh viện từ chối do khó phẫu thuật. Gia đình cháu đã đến và thể hiện sự quyết tâm rất cao trong việc điều trị cho cháu. Lần đầu là làm thử phẫu thuật, rất vất vả, cuối cùng cháu cũng sống được, 1 năm sau lại phẫu thuật lại. Tại thời điểm đó, quyết định ấy đã cứu sống cháu bé. Cháu bé 2 tháng tuổi rất bụ bẫm, bị bệnh tim. Về thể chất như vậy rất khó ai có thể nghĩ cháu bị tim bẩm sinh. Nhưng sau khi khám thì chúng tôi phát hiện ra và chúng tôi đã phẫu thuật cho cháu. Nếu trường hợp đó mà phẫu thuật muộn quá 2 tháng sẽ khó giữ được tính mạnh cho trẻ.
Lan Trần: Chào bác sĩ, bác sĩ làm ơn cho tôi biết rõ triệu chứng, biểu hiện của bệnh tim ở trẻ sơ sinh? Môi thâm và hơi thở yếu có phải dấu hiệu dễ nhận biết nhất không ạ? Câu hỏi này xin được dành cho TS.BS Vũ Quỳnh Nga?
TS.BS Vũ Quỳnh Nga:Có 2 dạng tim bẩm sinh. Cụ thể: Tim bẩm sinh không tím và Tim bẩm sinh có tím là môi thâm, thở yếu. Tim bẩm sinh có mức độ khác nhau, từ nặng đến nhẹ. Nếu có các biểu hiện như môi thâm, thở yếu thì sẽ đưa trẻ đi khám để các bác sĩ chuẩn đoán và điều trị.
PGS TS. Nguyễn Hữu Ước
Ngọc Vân - Vĩnh Phúc:Xin chào Bác sĩ. Tôi 29 tuổi, bé đầu bị tim bẩm sinh, dạng thông liên thất quanh màng, Kích thước 7 mm. Cháu đã mổ lúc 3 tháng tuổi (bây giờ cháu hơn 2 tuổi). Qua những lần thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Việt Đức, tình hình sức khỏe của cháu tốt.Trước khi có bầu cháu, sức khỏe tôi hoàn toàn bình thường. Trong 3 tháng đầu mang thai, tôi có tiếp xúc với 1 số đồng nghiệp bị cúm, nhưng không bị lây nhiễm mặc dù tôi rất nghén trong 4 tháng đầu. Đến tuần 18 tôi ốm sốt và phải truyền dịch.Rất nhiều lần siêu âm ở Bệnh viện nhưng không phát hiện bé bị tim bẩm sinh. Đến khi sinh ra mới biết.Vậy đâu là nguyên nhân khiến bé bị bệnh này?Vợ chồng tôi định sinh bé thứ 2 nhưng lo lắng sẽ bị như bé đầu. Tôi đã đi tiêm rubella, cúm, viêm gan B. Mong Bác sĩ tư vấn để sinh bé khỏe mạnh. Tôi cần làm xét nghiệm hay thăm khám gì để đảm bảo thai kỳ khỏe? Xin cảm ơn.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Nguyên nhân của bệnh TBS 10% do yếu tố gen, rối loạn NST số 21. Còn lại 90% là do môi trường sống gây nên bệnh. 3 tháng đầu mẹ bầu dùng 1 số loại thuốc được cho là độc với thai như như dùng thuốc động kinh, tiểu đường, lupus ban đỏ là gây nên bệnh tim bẩm sinh rất cao. Ngoài ra những người béo phì cũng dễ gây nên bệnh tim bẩm sinh.
Để lần mang thai thứ 2 em bé không bị tim bẩm sinh có một cách đó là đọc bản đồ gen. Tuy nhiên liệu pháp này rất đắt tiền nên cũng không nên. Nên chú ý đến môi trường sống của cả vợ và chồng. Chẩn đoán tim bẩm sinh trước sinh cách đây 10 năm là rất khó khăn nhưng giờ đã phổ biến, rộng rãi rồi.
Ở VN, việc chuẩn đoán trước sinh về TBS rất phát triển, nhưng vẫn rất khó và vất vả trong giai đoạn chuẩn đoán. Có những trường hợp đang trong bào thai chẩn đoán mắc TBS rất nặng nhưng sinh ra lại khỏe mạnh và ngược lại. Tuy nhiên các bạn vẫn nên đi chuẩn đoán TBS trước sinh, và phương pháp này chỉ có ở các bệnh viện lớn.
TS.BS Vũ Quỳnh Nga
Hồ Thị Nụ - Anh Sơn, Nghệ An:Kính thưa Bác sĩ, tôi vừa mới sinh mổ được 14 tháng nhưng bé đã mất sau một tuần vì bị dị tật bẩm sinh tim, và bị não úng thủy. Bản thân tôi bị phù, dư ối nên mới tiến hành mổ lấy thai nhi ra. Tôi mang thai 5 tháng đã phát hiện em bé bị tim, tôi đã từng làm sinh thiết nhau thai, và lần thứ 2 là chọc nước ối đễ kiểm tra nhiễm sắc thể của bé nhưng kết quả không bị gì. Lần này tôi muốn có thai, trước khi có thai tôi muốn đi kiểm tra sức khỏe bản thân, không biết có phải tại sức khỏe của tôi mà gây ra dị tật cho thai nhi không? Xin Bác sĩ tư vấn cho tôi biết là nên làm xét nghiệm gì để tầm soát trước khi sinh?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Tôi nghĩ là nội dung trả lời trước đó đã bao hàm rồi. Để tầm soát sức khỏe trước khi sinh thì nên sống khỏe. Phải hạn chế yếu tố môi trường xấu ảnh hưởng đến thai nhi ví dụ như hút thuốc lá, không uống các loại thuốc gây ngộ độc dị tật cho thai nhi
Một yếu tố nữa cần chú ý ở VN là ngộ độc Dioxine. Khi trẻ bị rối loạn nhiều về TBS cộng thêm yếu tố ngộ độc Dioxine thì rất khó chữa, xác xuất dị tật TBS khi ngộ độc dioxine là rất cao. Quan trọng nhất là giữ gìn môi trường sống.
Lưu Quang Linh, Phú Thọ: Vợ em có thai, không may cháu bị tim bẩm sinh hội chứng fellot 4, hiện thai được 18 tuần. Vợ chồng em rất hoang mang. Liệu có cách nào giảm thiểu sự phát triển của bệnh TBS ở bé khi bé ra đời không? Sau khi ra đời bao lâu thì bé được mổ tim?
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: TBS trên thực tế có 2 loại TBS: Thông liên thất và hẹp thất phải gây nên hẹp động mạch phổi. Tùy theo mức độ hẹp động mạch phổi mà có những xử trí khác nhau. Ngoài việc chẩn đoán thai, có 2 nơi có thể khám BV Sản, BV tim. Đến đây các bác sĩ sẽ tư vấn và chẩn đoán để tư vấn cho chị xem là bước tiếp theo nên làm gì. Có những cháu tổn thương ở mức độ vừa phải thì sẽ dễ chữa trị hơn. Quan trọng là đưa vợ đến khám tại 1 trung tâm chuyên về tim để được tư vấn và chữa trị.
Tư vấn điều trị bệnh tim bẩm sinh(P2)
MC: Xin được hỏi PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, để thai nhi có một trái tim khỏe mạnh, những cặp vợ chồng cần sàng lọc gì trước khi sinh?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Có 2 điều tôi muốn chia sẻ với khán giả: Có 1000 trẻ sơ sinh mới có 1 trẻ mắc TBS, các vợ chồng muốn có thai thì vẫn không nên quá hoang mang. Các bậc cha mẹ, lần đầu mang thai đã mắc TBS rồi cũng vậy. Vì chỉ trừ khi bộ nhiễm sắc thể của cha mẹ bị rối loạn thì mới có thể mắc ở lần thai thứ 2. Còn 90% là do môi trường sống.
Hãy đến các Bệnh viện sản khoa hoặc BV tim, ở khoảng 20 tuần tuổi là thai nhi có tim đủ to để chẩn đoán. Tuy nhiên chẩn đoán này chỉ mang tính chất tương đối. Chúng tôi vẫn làm hội chẩn với BV phụ sản trung ương để đưa ra lời khuyên về việc có nên duy trì thai không. Còn quyết định như thế nào là tùy vào bậc cha mẹ.
Phạm Thị Việt, Ba Vì, Hà Nội: Hiện tại con tôi đã 3 tuổi, cân nặng 12.5kg, là bé gái. Theo như Bác sĩ siêu âm nói thì lỗ thông liên thất của con tôi gần vị trí động mạch chủ nên nếu mổ thì không thể làm bằng phương pháp bít dù được, mà phải mổ hở. Theo Bác sĩ, con tôi có cần phải phẩu thuật vá lỗ thông hay không? Nếu cần phẫu thuật thì nên thực hiện ở đâu là tốt nhất? Xin cảm ơn Bác sĩ!
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Với trường hợp cháu đã 3 tuổi thì tự bít lỗ thông liên thất là không còn nên phải can thiệp phẫu thuật. Để đóng được dù tức là không phải phấu thuật thì cần phải có gờ. Vì vậy bạn hãy đưa đến trung tâm tư vấn về phẫu thuật TBS.
Nguyễn Thị Xuân, Yên Bái: Xin chào Bác sĩ. Cháu tôi đã can thiệp tim bằng phương pháp'"bít dù thông liên thất', sức khoẻ ổn và đã xuất viện được một tuần. Nhưng ngay hôm sau ngày xuất viện cháu lại bị mệt, đưa ngay cháu vào BV các Bác sĩ cho siêu âm và đo điện tim nhưng không thấy điều gì bất thường nên cho về. Nhưng hôm nay cháu cũng lại bị mệt thoáng qua khoáng 5 phút thì hết. Mong được Bác sĩ tư vấn giúp về tình trạng của cháu. Cám ơn Bác sĩ nhiều.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Phương pháp bít dù ở thông liên thất là một phương pháp mới ở VN. Tuy nhiên biện pháp này chỉ áp dụng được ở 1 số thực thể. Trường hợp cháu bé thường xuyên mệt sau bít dù có khả năng cháu có vấn đề khi bị dít dù. Có thể do dù nằm ở vị trí làm cho nhịp tim tăng cao, khiến cháu choáng váng, mệt mỏi. Nếu kết quả điện tim không vấn đề gì thì có khả năng là do nguyên nhân khác. Vì vậy gia đình nên đưa cháu đến các cơ sở khác nữa để được chẩn đoán.
Các chuyên gia tư vấn trong chương trình
Lê Hương Lan, Quảng Trị: Xin chào Bác sĩ. Bé nhà cháu được hơn 7 tháng tuổi. Khi đi khám bác sĩ kết luận bé bị cơ tim dãn, hở van hai lá. Xin hỏi bệnh này có khả năng chữa được hay không? Có cách nào để chữa trị cho bé không? Bé có phải kiêng kị gì không? Xin cảm ơn.
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Trước hết cần tìm nguyên nhân gây nên suy tim. Còn khi bé bị cơ tim dãn, hở van hai lá thì phải tìm tổn thương thực thể hay cơ năng. Có thể phẫu thuật để sửa van 2 lá. Nguyên nhân thứ 2 có thể tìm là ở mạch vành hoặc động mạch phổi thì cần đưa đến trung tâm y tế để chẩn đoán. Phải đưa cháu đến trung tâm y tế lớn để tìm các nguyên nhân khác. Nếu thực sự cháu bị cơ tim dãn, hở van hai lá thì chỉ điều trị được nội khoa. Tuy nhiên ở VN chưa thực hiện phẫu thuật cho bé 7 tháng bao giờ.
Nickname Lan Anh: Chào Bác PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước. Con tôi bị tim bẩm sinh (hẹp van động mạch phổi, thông liên thất). Máu của cháu là nhóm máu O- (O trừ). Qua tìm hiểu, tôi biết đây là nhóm máu hiếm, mà trong nhà không ai cùng nhóm máu. Trong quá trình mổ, nếu có phát sinh rủi ro gì cần phải tiếp máu, tôi phải làm sao ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ!
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Lo lắng của gia đình hợp lý vì đây là cháu bị thông liên thất hẹp phổi. Trường hợp này không có biện pháp khác ngoài phẫu thuật. Tuy nhiên gia đình cũng không nên quá lo ngại. Các nhóm máu hiếm là O và RH-, các bệnh viện lớn ở HN đều có phương án dự trù về các nhóm máu này. Máu thực sự để truyền cho bệnh nhân có thể là người nhà hoặc người khác chứ không nhất thiết phải là người trong gia đình. Chỉ cần hợp nhóm máu là được. Trong trường hợp cần phải truyến máu thì bệnh viện sẽ kêu gọi những người có cùng nhóm máu để cho. Các bác sĩ sẽ lường trước các tình hướng xảy ra nên gia đình cứ yên tâm.
phuongchung123@gmail.com: Chào bác sĩ. Con em 2 tháng 5 ngày, hiện giờ được 6kg. Bé bị thông liên thất 6mm. Bác sĩ hẹn khi nào cháu được 6 tháng sẽ tiến hành phẫu thuật. Em muốn tẩm bổ cho con và chăm sóc để trái tim con luôn khoẻ mạnh để con không ốm vặt cho đến lúc mổ. Vậy xin BÁC SĨ cho em biết những loại thức ăn tốt để em ăn cho con bú ạ? Sau khi phẫu thuật, chế độ dinh dưỡng cho bé phải như thế nào ạ? Em cần làm gì? Em xin cám ơn BÁC SĨ!
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Cháu 2.5 tháng được 6kg thì không phải là bé. Tuy nhiên cháu bị thông liên thất 6mm thì tương đối lớn nên các bác sĩ phải phẫu thuật sớm cho cháu. Cháu bé vẫn có thể lên cân được và già tháng thì nguy cơ của ca mổ sẽ giảm đi. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, tuy nhiên có thể dùng sửa ngoài. Lưu ý là chúng ta cần pha đúng liều lượng và chọn sữa đúng cho trẻ sơ sinh. Điểm cần chú ý nữa là cần giữ ấm cho cháu, nhưng phải chú ý không được quá ấm. Vì như vậy sẽ gây ra mồ hôi khiến bé dễ bị ốm. Mẹ thì không nên kiêng cữ bất kỳ thức ăn nào, ăn đa dạng thức ăn để sữa mẹ đủ chất.
Tư vấn điều trị bệnh tim bẩm sinh(P3)
Vũ Thị Tươi, Thái Bình: Thưa Bác sĩ, con tôi 13 tuổi, cao 1m44. Cháu bị mắc bệnh tim bây giờ đang điều trị. Tôi muốn hỏi Bác sĩ là bệnh tim có ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao không? Bây giờ tôi muốn cải thiện chiều cao cho con tôi thì phải làm gì ạ?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Bệnh tim không ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao của con người tuy nhiên khi mắc bệnh tim thì sẽ gây gián tiếp vì có bệnh thì sẽ ăn uống khó, mệt mỏi gây thiếu chất và kém phát triển chiều cao. Có bệnh tim thì phải chữa thì cơ thể mới đủ sức hấp thu được chất dinh dưỡng để phát triển.
Thái Linh: Thưa bác sĩ, bé nhà cháu khi mới sinh được 2,9kg. Giờ bé được 2 tháng tuổi mà cân nặng có 4,2kg. Bé bị thông liên thất phân màng. Liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của bé không? Và gia đình tôi nên làm gì để con có cuộc sống khỏe mạnh.
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Cháu bé 1 tháng lên được 6 lạng thì không phải quá tệ. Với bệnh thông liên thất, cháu bé cân nặng và tăng cân đều thì chúng ta có thể theo dõi tiếp. Cháu phải được đưa đến bệnh viện để theo dõi tiếp lỗ thông liên thất xem có ảnh hướng gì đến tim không để có sự can thiệp. Nên đưa cháu đến các trung tâm y tế lớn để được chẩn đoán kịp thời. Quan trọng nhất là sữa mẹ, mẹ cần cho bé bú để tăng chất dinh dưỡng và kháng thể.
Bích Ngọc, Sơn La:Em có con hiện được 3,5 tuổi nặng 14kg, cháu bị thông liên thất phần quanh màng 5,5 mm, đã phát hiện ra bệnh khi được 1 tháng tuổi, hiện tại chưa có hiện tượng tăng áp Động mạch phổi (ĐMP), bé vẫn sinh hoạt và hiếu động như trẻ bình thường, không có biểu hiện tím tái. Em muốn hỏi con em đã cần phẫu thuật chưa? Cháu đã từng được thăm khám nhiều lần và không có dấu hiệu tự đóng lỗ thông. Trong trường hợp của bé thì phương pháp phẫu thuật nào là phù hợp nhất ạ? Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Đối với cháu hơn 10 tháng và như thông tin độc giả cung cấp thì có thể từ trước đến giờ chưa được chỉ định phẫu thuật thì cũng hợp lý. Đối với các bé trai bị bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật, thì có thể làm phẫu thuật lúc nào cũng được. Còn với các bé gái thì nên qua 14 tuổi. Vì lúc này tuyến vú đã phát triển, nó sẽ giảm sự co dãn sẹo. Lúc này khả năng tự đóng của cháu là rất thấp, tỷ lệ thất trái của cháu bị dãn hơn bình thường sẽ ảnh hưởng đến cháu. Nên mổ để cháu được phát tiển toàn diện. Có 2 phương pháp là bít dù và phẫu thuật. Khi quá khó khăn và không thể bít dù mặc dù phẫu thuật có thể để lại sẹo.
Khán giả có nickname Hà Trần: Con em 1 tháng tuổi, đi khám Bác sĩ nói con em bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát, đường kính lỗ thông 5-7mm, có dãn nhẹ tim phải, nhưng Bác sĩ nói không đáng ngại, tuy nhiên, em vẫn không yên tâm, em muốn hỏi lại Bác sĩ xem như vậy thì con em có phải tim bẩm sinh không? Có nguy hiểm không ạ? Và người bình thường thì lỗ thông có đường kính là bao nhiêu?
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Thứ nhất, lỗ thông của con bạn như thế là dị tật TBS, người bình thường thì không có lỗ thông. Khi được sinh ra phổi bắt đầu hoạt động thì lỗ thông sẽ tự đóng lại. Với bản siêu âm bạn cung cấp thì con bạn bị TBS nhưng lỗ thông đó không đáng ngại. Bạn nên đưa con đến trung tâm y tế để thực hiện đóng dù nếu cần như BV tim, BV Bạch mai, BV ĐH Y để thực hiện nếu cần.
MC: Xin được hỏi PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, với những trẻ nhỏ được can thiệp phẫu thuật quá sớm, dưới 1 tuổi chẳng hạn, hoặc quá muộn, khoảng trên 15 tuổi, liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sau này không ạ?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước trả lời: Cá nhân tôi công tác ở BV Việt Đức, có những điễm khác biệt sau: Ở đồng bằng thì tỷ lệ thấp khoảng 1.5% thấp nhưng vẫn cao so với thế giới là 0,2%. Ở các vùng núi thì tần suất mặc bệnh tim cao hơn, tuy nhiên ở đây không có điều kiện khám nên dù mắc bệnh tim rất đơn giản thôi cũng gây hậu quả rất lớn, như tăng áp lực động mạch phổi cố định gây hỏng hệ thống, hở van tim, không thể phục hồi được. Việc khám và phát hiện sớm bệnh TBS là rất quan trọng.
Với điều kiện bây giờ, con cái quý vì ít nên sau khi sinh cần thăm khám. Có 1 số bệnh không nhất thiết phải chữa ngay khi còn bé, tuy nhiên điều này là không cần thiết. Đôi khi có 1 số bệnh điều trị quá sớm cũng không tốt. Đây là tính 2 mặt của vấn đề.
Tư vấn điều trị bệnh tim bẩm sinh(P4)
Nguyễn Thị Tâm, Phúc Thọ, Hà Nội: Xin chào Bác sĩ! Con em hiện được 8 tháng 7 ngày, cân nặng 8 kg, bị bệnh tim bẩm sinh (thông liên thất), bú sữa mẹ và sữa ngoài. Bé khi ngủ bị nghẹt mũi, nhiều đờm nhưng rất ít ho và hơi sốt, hay khóc về đêm vì khó thở. Cách đây 1 tháng, em đưa bé đi khám, Bác sĩ chẩn đoán là bị viêm phổi uống thuốc đã khỏi nhưng giờ lại bị lại. Cho em hỏi liệu bé có phải vì bị bệnh tim bẩm sinh nên mới có triệu chứng đó không? Cách phòng và điều trị như thế nào? Chi phí có cao không thưa bác sĩ? Em xin cảm ơn Bác sĩ.
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Như thế này là cháu đang bị viêm phổi, viêm phế quản là rất lớn. Quan trọng là giữ ấm cho cháu. Cần đưa cháu đi khám xem đã ảnh hưởng đến các chức năng tim hay chưa. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để cháu được phẫu thuật hoặc đóng dù.
MC: Xin hỏi PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, bản thân tôi là một người mẹ, tôi được biết là nhiều trường hợp trẻ sinh ra không mắc bệnh tim nhưng sau khi có những triệu chứng khác thường và đưa con đi khám, bố mẹ mới biết phát hiện ra bệnh. Có cách nào để nhận biết trẻ bị tim bẩm sinh ở giai đoạn đầu không?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước trả lời: Nhiều trường hợp như có những người 50, 60 tuổi cũng đi mổ tim bẩm sinh. Có những bệnh thì rất nhẹ khi lớn mới phát bệnh. Còn những bệnh nặng thì có thể tử vong ngay sau khi sinh ra. Những năm gần đây có nhiều thay đổi, có nhiều bác sĩ về chuyên khoa tim mạch, phương tiện máy móc chẩn đoán tốt, có nhiều chương trình khám chẩn đoán như Trái tim cho em. Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi có các chương trình khám về TBS, để tìm và phát hiện bệnh.
Nguyễn Minh Nguyệt, Vĩnh Phúc: Tôi bị tiểu đường, nhưng đang mang thai 2 tháng rồi. Tôi hiểu rằng mẹ bị tiểu đường, con rất dễ bị tim bẩm sinh. Bác sĩ cho tôi hỏi: Có cách nào ngăn chặn bệnh TBS cho thai nhi khi còn trong bụng mẹ không? Tôi phải có chế độ chăm sóc bản thân như thế nào để giảm thiểu bệnh tật cho con tôi? Tôi xin cảm ơn.
TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Khi đã được điều trị tiểu đường rồi thì tỷ lệ TBS cũng sẽ thấp đi. Các thuốc uống trong điều trị bệnh tiểu đường thì gây dị tật cho thai nhi. Bạn cần đến trung tâm y tế, bệnh viện để xét nghiệm, siêu âm tim thai nhiều lần và các xét nghiệm khác nữa. Nên đến BV sản khoa để được tư vấn kỹ hơn về chế độ chăm sóc và điều trị bị tiểu đường khi mang thai.
Thưa quý vị các bạn, bệnh tim bẩm sinh ở trẻ khiến cho việc tiêm phòng trở nên khó khăn bởi vì khi bé không khỏe mạnh, đồng nghĩa với sức đề kháng kém, thì việc đưa vắc xin vào cơ thể sẽ gây ra những phản ứng bất thường, nếu không lường trước được việc này sẽ dẫn đến những sự việc không đáng có. Nhiều bậc phụ huynh có con em bị TBS đã gửi đến nhiều câu hỏi liên quan đến việc tiêm phòng.
Câu hỏi đầu tiên của bạn Lê Thanh Nhã, đến từ Hải Dương : Chào Bác sĩ! Bé nhà em bị tim bẩm sinh thì có tiêm vacxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản được không? Bé đã được 3 tuổi và đã làm phẫu thuật thông tim.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Phẫu thuật thông tim là nói chưa đúng, chỉ có vá lỗ thông thôi. Không có nghiên cứu nào nói là trẻ mắc bệnh tim không được tiêm phòng. Tuy nhiên, các cháu mắc bệnh TBS thường yếu hơn nên các phản ứng phụ sau khi tiêm phòng sẽ cao hơn những trẻ bình thường. Vậy nên hết sức thận trọng khi tiêm vắc-xin cho trẻ vì sức khỏe của trẻ yếu. Nên đưa trẻ đến các trung tâm tiêm phòng lớn để được tư vấn.
Vũ Hoài Nam, Ninh Bình: Thưa Bác sĩ! Con trai tôi được 6 ngày tuổi bị chẩn đoán tim bẩm sinh. Liệu cháu nhà tôi có được tiêm phòng không? Trẻ có bệnh tim có nên và có cần tiêm chủng không? Loại vắc xin 5 trong 1 có phù hợp với con tôi không? Rất mong câu trả lời của Bác sĩ. Xin chân thành cảm ơn.
Xin hỏi TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Có 2 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với các bé bị TBS thì không hề được chống chỉ định tuyệt đối về tiêm vắc-xin. Nếu các cháu có bệnh tim bẩm sinh thì cần phải tiêm ở những bệnh viện lớn có khoa nhi để ứng phó kịp thời.
Phạm Khánh Hòa, 37 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội: Xin chào Bác sĩ. Con gái của em được 13 tháng tuổi, cháu bị bệnh tim bẩm sinh - thông liên thất quanh màng. Do lỗ thông nhỏ nên Bác sĩ cho cháu uống thuốc 6 tháng khám lại và chưa cần can thiệp phẫu thuật ạ. Nhưng đến giờ cháu chưa được tiêm phòng một mũi vacxin nào. Do các cơ sở y tế ở chỗ em đều không dám tiêm cho cháu mặc dù em tìm hiểu thì trẻ bị tim vẫn phải được tiêm phòng như 1 trẻ bình thường. Vậy Bác sĩ cho em hỏi liệu đến giai đoạn tuổi này cháu có được tiêm phòng không? Và bây giờ cháu có thể bắt đầu được tiêm mũi nào? Em cám ơn Bác sĩ rất nhiều.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Lứa tuổi nào, cần tiêm vắc-xin gì thì cũng cần thiết cả để phòng bệnh cho các cháu. Như vắc-xin bắt buộc phải tiêm thì phải tiêm. Còn 1 số vắc-xin tự nguyện thì tùy điều kiện gia đình. Bạn nên đưa con đến các Trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn cụ thể.
>> Xem thêm:Chuyên đề: Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh ở trẻ nhỏ
Mọi thông tin chi tiết liên hệ đường dây nóng: 04. 6296 9969
Địa chỉ: Văn phòng Đài THVN, 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.
Hoặc thực hiện chuyển trực tiếp vào
Số tài khoản VNĐ: 002 110 130 6008,
Số tài khoản USD: 002 110 131 8009
SWIFT CODE: MSCBVNVX
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội- Chi nhánh Ba Đình Hà Nội, hoặc số tài khoản: 41221220013827048888 - Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, CN Thanh Nhàn. Nội dung chuyển khoản: Ủng hộ chương trình "Trái tim cho em".
Thông tin đăng kí xin hỗ trợ chương trình: Liên hệ Cửa hàng Viettel trên toàn quốc. Hoặc gọi tới đường dây nóng của chương trình để được hỗ trợ (04. 6296 9969)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!