Làm thế nào để 'sống khỏe tuổi 50', câu hỏi này sẽ được các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng, lão khoa giải đáp trong chương trình giao lưu trực tiếp 'Sống khỏe tuổi 50'.
Khách mời chương trình bao gồm: TS.Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền, Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Viện Lão khoa Trung ương - Giảng viên trường ĐHYHN, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Trực tiếp: Tư vấn bí quyết sống khỏe tuổi 50 (P.1)
MC: Thưa TS Từ Ngữ, khi bước vào tuổi 50, người ta thường gặp những vấn đề gì của sức khoẻ, tâm sinh lý sẽ biến đổi thế nào, cần làm gì để có được một cuộc sống vui tươi ở tuổi 50?
TS.Từ Ngữ: 50 tuổi người ta bắt đầu có thể nghĩ đến bản thân mình. Khi 50 tuổi, khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn khó khăn hơn do các cơ quan đã bị suy giảm. Khoa học gọi đó là chứng rối loạn chuyển hóa. Nhiều bệnh nảy sinh như béo phì, rối loạn mỡ máu, tim mạch... Đây là thời điểm cần được chăm sóc để có thể hồi phục sức khỏe. Về vấn đề dinh dưỡng, nhu cầu dinh dưỡng giảm đi, hấp thu các chất dinh dưỡng khó khăn hơn do men tiêu hóa giảm, nhu động ruột giảm. Ở độ tuổi này, những vấn đề cuộc sống, stress cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuojc sống tuổi 50. Vì thế đây là giai đoạn quan trọng trong việc thực hiện lối sống phù hợp, chú ý đến chất lượng sống để sống thọ hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần biết chấp nhận bệnh tật, những vấn đề về dinh dưỡng, lúc đó mới rèn luyện được phù hợp với sức khỏe của mình để duy trì sức khỏe tuổi 50.
Nguyễn Ngọc Huyền (Bắc Giang): Thưa bác sĩ. Tôi năm nay 51 tuổi. Đang ở giai đoạn tiền mãn kinh. Qua tìm hiểu, tôi được biết đây là giai đoạn hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ. Bác sĩ có thể cho tôi biết biểu hiện của việc mất cân bằng nội tiết tố nữ là gì? Tôi phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này ạ?
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền: Mãn kinh là vấn đề thường gặp ở độ tuổi 50. Vấn đề của mãn kinh là giảm nội tiết tố, làm ảnh hưởng nhiều đến những hoạt động bên trong cơ thể. Giai đoạn tiền mãn kinh có thể xuất hiện các cơn bốc hỏa, hoạt động tình dục không trơn tru... Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi 50 sẽ đều phải trải qua điều này. Mãn kinh là điều tất yếu. Vì thế các chị em nên có chế độ ăn thích hợp, tăng cường các sản phẩm từ thiên nhiên và các hoạt động phù hợp với chu kỳ của buồng trứng. Chế độ sinh hoạt phù hợp. Điều quan trọng là để lão hóa một cách tích cực.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Sau 50 tuổi, quá trình tiêu hóa, hấp thu, nội tiết của phụ nữ giảm đi, bằng chế độ ăn có thể cân bằng những thay đổi. Chị em có thể ăn giá đỗ, sữa - bột đậu nành, tào phớ... cung cấp nội tiết tố thực vật cho cơ thể. Chế độ ăn cũng cân bằng đủ đạm, khoáng chất, vitamin... Nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi, magie,... có lợi cho giấc ngủ. Chế độ tập thể dục thường xuyên cũng giúp thích nghi những thay đổi ở độ tuổi 50.
Bùi Hồng Hà (Hà Nội): Tôi năm nay 50 tuổi, vừa qua chỉ bị vấp ngã rất nhẹ nhưng đã bị gãy xương cổ tay. Khám bác sĩ có kết luận bị loãng xương. Xin quý chuyên gia cho biết tình trạng loãng xương ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh xảy ra như thế nào? Mọi người khuyên tôi nên uống sữa. Vậy tôi nên uống sữa hàm lượng vitamin như thế nào để ngăn chặn tình trạng loãng xương ạ?
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền: Mãn kinh là thời kì suy giảm nội tiết tố nữ, dẫn đến loãng xương. Chị em phụ nữ bị loãng xương liên quan đến sự sụt giảm estrogen. Xương chắc khỏe, chúng ta vận động rất tốt. Tuy nhiên khi loãng xương, chúng ta có nguy cơ cao gãy xương dù chỉ với va chạm nhẹ. Vì vậy, chị em cần tăng cường các thực phẩm giàu estrogen, canxi để phòng loãng xương độ tuổi mãn kinh.
TS.Từ Ngữ: Vấn đề ăn uống rất quan trọng đến sức khỏe của xương khớp. Cá là một trong nguồn cung cấp canxi tốt nhất, ngoài ra còn có sữa. Nếu ăn nhiều thịt thì lại giảm khả năng hấp thụ canxi, do lượng lớn protein trong thịt hạn chế hấp thu canxi. Cần phải có chế độ dự phòng để không bị loãng xương. Nếu đã bị loãng xương thì cần phải bổ sung canxi để cản trở quá trình loãng xương đang diễn ra nhanh hơn. Một điều không thể thiếu để phòng ngừa loãng xương là tập thể dục. Vì vậy, cần cân bằng giữa ăn uống và tập luyện.
Trực tiếp: Tư vấn bí quyết sống khỏe tuổi 50 (P.2)
Phạm Trường (Đồng Nai): Tôi là nam giới. Tôi năm nay 57 tuổi. Tôi hiện không có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe. Mỗi bữa tôi ăn 3 bát cơm và ăn ít thức ăn, con gái tôi khuyên nên ăn ít cơm lại để đỡ bị béo, và tăng cường ăn nhiều thức ăn như thịt, cá hơn. Vậy xin hỏi bác sĩ con gái tôi nói như thế có đúng không?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Con gái bạn nói chưa hẳn đã đúng. Mỗi bữa bác ăn 3 bát thì có thể rút xuống 2 bát, và bổ sung thêm nhiều thực phẩm, đặc biệt là sữa dành cho người có tuổi. Có thể uống sữa vào buổi sáng hoặc chiều ngủ dậy. Bổ sung canxi rất cần thiết với người có tuổi. Buổi chiều nên tập luyện thể thao khoảng 20-30 phút để hệ xương khớp khỏe mạnh hơn. Rau củ quả rất cần thiết với mọi người. Nếu có điều kiện ăn rau sạch, gia đình tự trồng là tốt nhất.
TS.Từ Ngữ: Vấn đề dinh dưỡng, quan trọng nhất là sự cân bằng, phải đổi bữa, mỗi loại thực phẩm có một số chất dinh dưỡng nhất định, đổi bữa sẽ tạo sự đa dạng trong sự dung nạp chất dinh dưỡng. Đa dạng trong loại rau: rau củ, rau quả, rau xanh. Đa dạng trong cách ăn: ăn sống, ăn xào, chiên rán.... Chỉ ăn rán hoặc luộc không hề tốt cho cơ thể. Các thực phẩm phải là thực phẩm tươi, an toàn.
TS.Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Nguyenha142@yahoo.com: Tôi thấy sức khỏe của mình yếu hơn so với cách đây 1-2 năm. Tôi ăn uống vẫn bình thường, vẫn tập thể dục mỗi sáng. Tôi cần làm gì thêm để giữ sức khỏe khỏi 'xuống dốc'?
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền: Vấn đề sức khỏe xuống dốc là điều thường gặp. Nhiều người ăn uống đầy đủ, vận động thường xuyên nhưng sức khỏe vẫn suy giảm, đó không phải điều quá lạ vì ở độ tuổi này đó là điều bình thường. Bạn nên xem chế độ ăn uống có cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng không. Vận động cần phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân. Nên vận động 30 phút/ngày, 150 phút/tuần. Tăng dần cường độ vận động. Ăn uống cũng cần cân đối các loại khẩu phần, cần chú ý cả chất xơ và vitamin. Việc cân bằng khối mỡ và khối nạc trong cơ thể đặc biệt rất quan trọng ở tuổi 50. Đặc biệt, ở độ tuổi này, duy trì sức bền quan trọng hơn duy trì cân nặng.
TS.Từ Ngữ: Nói về sức khỏe nói chung, cần phải nói về các yếu tố dinh dưỡng và vận động. Dinh dưỡng là vấn đề quan trọng đầu tiên, điều quan trọng thứ hai là vận động. Trong vận động, nguyên tắc là đều và nhiều. Yếu tố thứ 3 là tinh thần, cần phải vui vẻ, chấp nhận cuộc sống thì sức khỏe sẽ tốt hơn. Một yếu tố nữa là môi trường sống. Mội trường sống không chỉ là môi trường tự nhiên mà còn là môi trường gia đình - môi trường gia đình cũng quyết định sức khỏe của người ngoài 50. Không gì quý hơn là tự mình chăm lo sức khỏe bản thân.
Ngọc Lan: Theo tôi được biết, đối với người lớn tuổi, dù ăn uống điều độ nhưng vẫn có thể bị thiếu dưỡng chất. Xin bác sĩ cho biết vì sao? Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Tôi cần bổ sung dinh dưỡng cho mẹ tôi như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Sau tuổi 50, quá trình chuyển hóa và hấp thu dưỡng chất của cơ thể sẽ suy giảm mặc dù gia đình nghĩ rằng bữa ăn đã đảm bảo dinh dưỡng nhưng vẫn thiếu những vitamin quan trọng và các chất chống oxy hóa. Một ngày có thể ăn 15-20 loại thực phẩm khác nhau nhưng chúng ta nên đổi món. Với người tuổi 50, khẩu phần ăn cần đa dạng để cơ thể dễ dàng hấp thu. Một thực phẩm không thể thiếu là sữa để cung cấp các dưỡng chất cần thiết. Mỗi ngày 2 ly sữa là rất lí tưởng. Sữa cung cấp chất đạm, giàu axit amin, chất béo thiết yếu. Mỗi ly sữa có thể cung cấp khoảng 30% vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Chỉ với 2 ly sữa mỗi ngày, chúng ta cũng đã được cung cấp 50-60% vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Nguyễn Cường: Xin chào bác sĩ. Tôi được biết nếu cơ thể thừa chất ngọt và khó hấp thu protein, sẽ rất dễ mắc bệnh đái tháo đường. Tôi cũng hiểu sữa là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quý cho người ở độ tuổi trung niên. Vậy tôi phải uống sữa như thế nào để hấp thu tốt chất dinh dưỡng và không bị thừa chất?
TS.Từ Ngữ: Sữa rất tốt. Tuy nhiên, đôi khi uống, có nhiều người rơi vào tình trạng thừa dưỡng chất dẫn đến béo phì. Con người nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để xem cân nặng lý tưởng là bao nhiêu, có bị thừa cân không, hàm lượng dinh dưỡng trong máu có bị thừa không, để bổ sung phù hợp. Bữa ăn của người Việt thường thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng. Sữa là nguồn bổ sung tốt để bổ sung vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên bổ sung tràn lan, dẫn đến chất thừa, chất thiếu. 2 ly sữa mỗi ngày chỉ được hấp thu tốt nếu bữa ăn cân bằng, và bổ sung đủ nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Lê Nga: Xin hỏi bác sĩ. Hoa quả và trái cây nào hạ nhiệt trong thời tiết nắng nóng? Tôi năm nay 48 tuổi. Bị tiểu đường có được ăn nhiều trái cây không? Loại quả nào vừa có tác dụng giải nhiệt vừa tốt cho bệnh tình của tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền: Dịp hè có rất nhiều loại câu hỏi, bệnh nhân lại bị tiểu đường. Đây là câu hỏi rất hay. Ngày càng có nhiều người bị tiểu đường. Tỷ lệ đái tháo đường ở Hà Nội và TP HCM khoảng 11%. Hoa quả giúp bổ sung vitamin và khoáng chất. Nhưng với người tiểu đường cần cân nhắc khi ăn hoa quả, phải điều chỉnh chế độ ăn chứ không nhất thiết phải ăn kiêng. Nhãn, vải, xoài có hàm lượng đường cao không nên ăn nhiều, những vẫn có thể ăn ở mức thưởng thức. Các loại qua quả hàm lượng đường thấp, tạo xơ nhiều như ổi, bưởi, thanh long... thì nên ăn nhiều một chút. Tùy vào hàm lượng đường trong hoa quả để có số lượng phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Người tiểu đường thường hay quan tâm nên ăn gì, đặc biệt là quả chín. Người bệnh tiểu đường nên ăn hoa quả dạng miếng chữa không nên say sinh tố, nước ép vì nó hấp thu đường dễ hơn.
TS.Từ Ngữ: Một nghịch lý là là mùa hè ăn hoa quả để làm mát, nhưng một số loại hoa quả ăn vào lại khiến cơ thể nóng lên. Vì thế, nên lựa chọn loại hoa quả phù hợp. Ăn uống để đường huyết ổn định chứ không phải kiêng hoàn toàn.
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền, Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Viện Lão khoa Trung ương - Giảng viên trường ĐHYHN
Nguyễn Kim Đồng (Vĩnh Phúc): Chào Bác sĩ! Tôi năm nay 51 tuổi. Trước đây tôi bị huyết áp cao, mới đây, tôi bị thêm gan nhiễm mỡ. Thường hay chóng mặt đau đầu, nhất là những lúc thời tiết nắng nóng. Đối với trường hợp bệnh của tôi thì chế độ ăn uống thế nào? nên hay không nên ăn thực phẩm nào để giữ gìn sức khỏe và tránh tai biến?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Chế độ ăn hỗ trợ tăng huyết áp là nên ăn nhạt, tránh món ăn nhiều muối, hạn chế đồ hộp. Cách chế biến trong gia đình cũng nên điều chỉnh. Người cao huyết áp chỉ nên ăn độ mặn bằng 1/2 người bình thường. Mà người Việt Nam vốn dĩ ăn mặn hơn khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới. Nên tránh các loại nội tạng động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín. Rau xanh cung cấp kali và lợi tiểu, chọn rau có màu xanh sẫm. Ngũ cốc cũng rất tốt. Chất đạm thì nên bổ sung từ thực vật, hạn chế từ động vật. Với bệnh gan nhiễm mỡ, nên bổ sung đạm từ trứng, sữa, chế độ ăn giàu vitamin. Đồ ăn thức uống nên lợi gan như atiso, trà nụ vối, nên tránh đồ uống ngọt.
Nguyễn Hải: Thưa bác sĩ, hiện nay, vợ tôi tuyệt đối không dùng mỡ động vật trong bữa ăn hàng ngày, nhưng tôi được biết kiêng khem mỡ động vật quá cũng không tốt cho sức khỏe. Vậy phải cân bằng mỡ động vật và dầu thực vật như thế nào cho phù hợp ạ?
TS.BS Từ Ngữ: Mỡ động vật là một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nhưng nguy cơ của mỡ là cholesterol gây tắc nghẽn, đột quỵ, vỡ mạch máu... trong khi nhiều người cho rằng dầu thực vật làm mềm mạch máu, tuy nhiên không hẳn là không có nguy cơ. Vì vậy cần phải cân bằng giữa dầu và mỡ. Nếu sợ cholesterol có thể ăn mỡ từ cá, các loài nhuyễn thể. Tuyệt đối không dùng dầu mỡ chiên lại. Từng trường hợp cụ thể sẽ có một chế độ dầu mỡ với tỷ lệ thích hợp. Chọn loại mỡ động vật tốt để sử dụng. Nhiều người ngộ nhận dầu ăn tốt hơn mỡ, nhưng không có cái nào tốt hơn cái nào cả.
Trực tiếp: Tư vấn bí quyết sống khỏe tuổi 50 (P.3)
Trần Thị Thanh Nhàn (Nha Trang): Tôi năm nay 51 tuổi, nặng 65 kg, cao 1m56 và bị cao huyết áp. Tôi đang học khiêu vũ nhằm giảm cân - nhưng tôi lo việc vận động nhiều khiến huyết áp không ổn định. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên? Tôi cảm ơn.
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền: Vấn đề giảm cân nặng phải kết hợp chế độ ăn và tập luyện. Chị bị thừa cân, khi tập khiêu vũ phải chú ý đến việc khởi động, nếu vận động quá nhanh, mạnh sẽ nguy hiểm, ảnh hưởng đến các bệnh lý về khớp gối khớp háng. Với người bị cao huyết áp, cần phải vận động hợp lý. Ở độ tuổi của chị, nếu biết kiểm soát huyết áp tốt thì vận động rất tốt cho sức khỏe. Vận động hoàn toàn có lợi với mọi đối tượng để giảm thiểu bệnh tật. Tốt hơn chị nên có sự tư vấn của chuyên gia.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Bên cạnh chế độ vận động, chị cũng nên chú ý chế độ ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh quả chín, tăng cường canxi và magie...
Huỳnh Hương (TP Hồ Chí Minh): Theo tôi được biết thì bữa ăn của người trung niên Việt Nam hiện nay đang thừa và thiếu rất nhiều dưỡng chất. Bác sĩ có thể cho tôi biết cụ thể đó là những dưỡng chất gì, và cách nào bổ sung những dưỡng chất thiếu hụt hiệu quả và lâu dài nhất? Làm sao để biết tôi ăn uống hàng ngày có đủ dinh dưỡng chưa. Xin bác sĩ cho biết những hướng dẫn cụ thể.
TS. Từ Ngữ: Ở tuổi 50, thường xảy ra thừa cân hoặc thiếu dưỡng chất. Người ở giữa thì cũng thiếu một số dưỡng chất. Số thừa chủ yếu ở thành phố, thiếu chủ yếu ở nông thôn. Đây là do vấn đề dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong thừa có thiếu, trong thiếu có thừa, đây mới là vấn đề khó. Người thừa, thiếu đều bị rối loạn chuyển hóa. Thiếu thường thiếu canxi, vitamin D, sắt. Thừa thường thừa mỡ, nhất là người có lượng mỡ máu cao, nhưng cũng thiếu canxi. Bữa ăn cần phải bổ sung loại thức ăn nào thì phải tùy vào từng người, thừa hay thiếu chất gì để bổ sung thêm.
Thanh Lựu (Bắc Giang): Thỉnh thoảng tôi thấy hơi chóng mặt, bế cháu 1 chút là tay mỏi rã rời. Tôi 58 tuổi. Tôi có bị bệnh gì không? Làm sao để nhận biết các dấu hiệu sức khỏe đã xuống cấp?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Bác bị chóng mặt thì nên kiểm tra huyết áp, cao hoặc thấp, bế cháu hay bị mệt mỏi thì có thể do cơ thể thiếu dưỡng chất. Nhiều khả năng là thiếu canxi, có thể ăn canh cua, cá nhỏ ăn cả xương... Chị nên xem lại chế độ ăn, bổ sung sữa. Chị cũng nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên để có vitaimn D. Nên chọn rau có màu xanh sẫm,...
Thu Hà (Hà Nội): Tôi 52 tuổi, tôi ăn uống vẫn như trước đây nhưng gần đây tôi thấy cơ thể tôi hay mệt mỏi, đi lên cầu thang là thở dốc. Tôi phải cải thiện tình hình như thế nào?
TS.BS. Từ Ngữ: Nếu bạn ăn như cũ, cường độ lao động giảm đi thì không biết có bị thừa cần hay không. Có thể bạn hơi thừa dinh dưỡng, cơ thể có phần nặng nề nên việc vận động trở nên khó khăn. Nếu đúng thì cần phải xem chế độ dinh dưỡng, đầu vào ít hơn đầu ra. Tức là hạn chế đồ ăn và tăng cường vận động. Giảm tổng thể lượng thức ăn nhưng vẫn phải cân bằng dinh dưỡng. Không nên tập luyện ngay sau khi ăn, sẽ đói và sẽ ăn nhiều.
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền: Nếu giảm ăn quá nhiều sẽ không tốt cho cơ thể. Nếu chỉ dùng những biện pháp tạm thời thì sẽ hại cho cơ thể. Cần phải duy trì chế độ ăn và tập luyện ổn định. Không nên nhịn đói. Các bài tập buổi sáng cũng rất cần thiết, nếu tập luyện để giảm cân thì nên ăn nhẹ một chút trước khi tập.
Trực tiếp: Tư vấn bí quyết sống khỏe tuổi 50 (P.4)
Hoàng Việt Linh: Thưa bác sĩ, làm thế nào nhận biết suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể ở người cao tuổi? Mẹ tôi năm nay 62 tuổi, nặng 42 kg, cao 1,55m. Mẹ ăn không nhiều, mỗi bữa chỉ một bát. Thỉnh thoảng, mẹ tôi bị hoa mắt chóng mặt, toát mồ hôi. Liệu mẹ tôi có bị suy dinh dưỡng, hay suy nhược cơ thể không? Bác sĩ tư vấn để mẹ tôi có thể tăng cân, tăng cường thể lực.
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền: Với người cao tuổi, việc xác định thiếu vi chất hay suy dinh dưỡng rất khó khăn. Người già rất dễ bị tổn thương, dù chỉ một dấu hiệu khởi phát nhẹ có thể khiến cả cơ thể suy sụp. Suy kiệt hay suy dinh dưỡng cần phải xác định rõ. Mẹ chị nhẹ cân, ăn uống kém, có thể do chế độ ăn không cân bằng trong điều kiện các bộ phận chuyển hóa trong cơ thể suy giảm. Đã ăn ít, khi vào cơ thể lại không được chuyển hóa là tình trạng thường gặp của người già. Nếu mẹ chị vẫn tiếp tục có những biểu hiện chán ăn, mệt mỏi thì tốt hơn nên đi khám xem có bệnh gì không. Nếu chỉ là vấn đề dinh dưỡng thì sẽ dễ bổ sung hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Gia đình nên kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng, cân đối nhóm thực phẩm. Chú ý chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, canxi...để tăng vi lượng cần thiết cho cơ thể.
TS.BS. Từ Ngữ: Với trường hợp này, nếu chỉ có vấn đề dinh dưỡng, không có bệnh tật thì nên có đợt phục hồi dinh dưỡng bằng cách kiểm soát bữa ăn. Trong bữa ăn phải tăng chất lượng thực phẩm, giàu năng lượng hơn để dù ăn ít nhưng vẫn đủ chất. Với người ốm yếu, không chỉ 2 ly sữa mỗi ngày mà có thể hơn để phục hồi sức khỏe như bình thường, sau đó mới quay lại chế độ ăn uống hằng ngày. Đồng thời phải nghỉ ngơi phù hợp.
Đỗ Thị Mai (Quảng Bình): Độ tuổi mãn kinh là độ tuổi khó dung nạp protein do khả năng tổng hợp của cơ thể giảm. Và cần bổ sung protein. Tôi cũng được biết là thịt cung cấp một lượng lớn protein cho cơ thể, nhưng lại hạn chế ăn thịt ở độ tuổi mãn kinh. Bác sĩ có thể giải thích vì sao được không ạ? Tôi phải cung cấp protein như thế nào cho hợp lý?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Ở độ tuổi 50, không chỉ protein mà rất nhiều loại chất khác rất khó để dung nạp. Tuy nhiên, lượng Protein vẫn phải được tính đủ cho cơ thể. Protein không chỉ có trong thịt và chúng ta không nên cung cấp protein hoàn toàn từ thịt. Tôi khuyên chị nên ăn đa dạng chất đạm thì thịt, cá, trứng, sữa, đậu phụ, đậu đỗ... thay đổi các dạng cung cấp chất đạm để đầy đủ chất cho bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên dễ hấp thu nhất là đạm sữa, gần như hấp thu hết 100% chất đạm so với các thực phẩm khác.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!