TS. Phan Minh Liêm thắp sáng hy vọng cho bệnh nhân ung thư

Sống khỏe mạnh - 03/29/2024

Phan Minh Liêm đã mở ra cánh cửa hy vọng cho những người mắc bệnh ung thư khi phát hiện protein 14-3-3sigma có khả năng tiêu diệt các khối u ác tính.

Nhanh tay xoay hướng chậu mai đã nở bung những cánh vàng tươi trước thềm nhà, người nữ doanh nhân tuổi ngoài ngũ tuần giãi bày: “Dù chưa từng biết mặt tôi, chú ấy đã sẵn lòng viết hơn 7 trang giấy để tư vấn giúp tôi phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp mà tôi đang mắc phải”. Người phụ nữ không giấu được nỗi xúc động khi mở một email dài mà chị đã nhận được từ Tiến sĩ Phan Minh Liêm thuộc Viện Ung thư MD Anderson gửi về cho chị từ nước Mỹ xa xôi.

Trải qua cuộc đại phẫu cắt bỏ tuyến giáp 7 năm về trước, hy vọng trong chị tắt dần khi mới đây, chị được bác sĩ thông báo vết ung thư cũ lại tái phát di căn. Có được địa chỉ liên lạc của Tiến sĩ Liêm từ một hội thảo ung thư tại TP.HCM, trong lúc tuyệt vọng, chị đã nhờ con trai gửi thư xin tư vấn. Chị chẳng dám tin vào mắt mình khi nhận được hồi âm chỉ vài ngày sau đó.

 Tiến sĩ Phan Minh Liêm sẽ có buổi giao lưu trực tuyến từ 15h00 ngày thứ 4 (31/05/2017) trên Songkhoe.vn về chủ đề: Cách phòng tránh Bệnh ung thư trong xã hội hiện đạiKính mời bạn đọc theo dõi! 

Những ngày cuối năm ở Houston, ánh đèn lấp lánh trên cây thông Giáng sinh tại đại lộ Holcombe cũng nhộn nhịp như đường phố Sài Gòn đang vào xuân. Phía trong không gian yên tĩnh của Viện Ung thư MD Anderson uy tín nhất nước Mỹ, nhà khoa học trẻ vẫn sáng đèn tại phòng thí nghiệm, nơi anh cố gắng dành mỗi ngày thêm 3 giờ sau thời gian nghiên cứu để trả lời lần lượt hết email của bệnh nhân Việt từ khắp nơi trên thế giới.

TS. Phan Minh Liêm thắp sáng hy vọng cho bệnh nhân ung thư

Tiến sĩ Phan Minh Liêm (phía ngoài cùng bên trái), hiện đang công tác tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Texas, Mỹ) là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

“Năm mới với tôi là dấu ấn thời khắc nối dài trên hành trình chia sẻ tình yêu thương với cộng đồng”, Tiến sĩ Phan Minh Liêm nhẹ nhàng giải thích vì sao những ngày lễ cuối năm, anh vẫn miệt mài tư vấn chữa bệnh cho mọi người. Có lẽ, những email đầy tâm huyết và cặn kẽ của anh Liêm, nhà nghiên cứu khoa học gốc Việt 4 lần liên tiếp được vinh danh trong lịch sử 75 năm của Viện Ung thư MD Anderson, đã mang lại mùa xuân hy vọng cho nhiều mảnh đời.

Nhận học bổng Soleil Francophone sang Pháp du học lúc 15 tuổi, sang Mỹ nhờ học bổng từ Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), nhà khoa học trẻ nổi tiếng sở hữu nhiều công trình và giải thưởng nghiên cứu khoa học quốc tế tầm cỡ, Tiến sĩ Phan Minh Liêm vẫn giữ được hai tố chất đặc trưng của cậu học trò ngành công nghệ sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM ngày xưa, đó là luôn cẩn trọng và khiêm nhường.

Thành quả nghiên cứu khoa học của TS Liêm được cộng đồng quốc tế ghi nhận về việc lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tìm ra protein 14-3-3sigma có khả năng tấn công hữu hiệu quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào ung thư đã thắp sáng hy vọng cho hàng triệu người bệnh trên thế giới.

Theo các kết quả nghiên cứu, nhiều dòng tế bào ung thư ác tính không hấp thu được chất dinh dưỡng, hoặc lấy được dinh dưỡng nhưng không chuyển hóa được thành năng lượng một khi protein 14-3-3sigma được kích hoạt. Khi protein này hoạt động mạnh, tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt hoặc ngưng tăng trưởng vì quá trình hấp thu dinh dưỡng, trao đổi chất và sản xuất năng lượng của khối u bị ức chế. Một cánh cửa hy vọng đã mở ra cho người bị bệnh ung thư, khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy protein 14-3-3sigma có khả năng tấn công hữu hiệu nhiều dòng tế bào ung thư ác tính, hung hãn, di căn mà không làm ảnh hưởng nhiều đến các tế bào lành.

TS. Phan Minh Liêm thắp sáng hy vọng cho bệnh nhân ung thư

Tiến sĩ Phan Minh Liêm đã giành được nhiều giải thưởng danh giá, cũng như được vinh danh nhiều lần trên đất Mỹ.

Ngoài sự thuận lợi khi được làm việc tại trung tâm ung thư lớn nhất thế giới, còn có lý do khác khiến Tiến sĩ Phan Minh Liêm duy trì được niềm tin vào con đường khoa học anh đã chọn. “Khi đang nghiên cứu, tôi có cảm giác có nhiều người, nhiều linh hồn đang dõi theo mình nên không thấy đơn độc trên con đường này”, anh tâm sự. Giáo sư Mong Hong Lee, Tổng Biên tập và là người sáng lập Tạp chí khoa học Cancer Hallmarks, công tác tại Khoa Phân tử và tế bào ung thư, Viện Ung thư MD Anderson, nhận xét: “Sau 8 năm làm việc với Liêm, tôi đặc biệt ấn tượng ở Liêm bởi năng lực lãnh đạo và tinh thần vì cộng đồng. Cộng đồng ở Viện Anderson đánh giá cao tài năng và triết lý của Tiến sĩ Liêm”.

Triết lý nghề nghiệp mà Giáo sư Mong Hong Lee nhắc tới, theo Tiến sĩ Liêm, đã hình thành từ những ngày niên thiếu ở quê hương dưới lời dặn dò của các thầy cô giáo và gia đình. Quá trình dẫn đến thành công cần có sự nỗ lực liên tục trên cả 3 phương diện: đạo đức, sức khỏe và tài năng; bao gồm cả khả năng chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để sống chan hòa và đóng góp cho cộng đồng.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm sinh năm 1983 tại Khánh Hòa. Năm lớp 10, nhận học bổng của tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học.

Năm 2001 thi vào ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM. Năm thứ 3 ĐH, anh nhận học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và sang Mỹ du học năm 2005.

Năm 2010, tiến sĩ Liêm được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên sau ĐH của ĐH Texas; Anh nhận giải thưởng Phục vụ cộng đồng của Hiệp hội Sinh viên ĐH Texas tại Houston (2010); Giải thưởng và học bổng NCKH của các tổ chức Rosalie B. Hite Foundation, Cancer Answer Foundation, Andrew-Huggins Foundation,... dành cho các nhà nghiên cứu ung thư xuất sắc; Danh hiệu Học giả của tổ chức Sylvan Rodriguez, ĐH Texas - Viện Ung thư MD Anderson dành cho các nhà khoa học nghiên cứu ung thư xuất sắc và có đóng góp hiệu quả cho cộng đồng...

Anh vinh dự được các giải thưởng của quốc hội Mỹ và chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ về nghiên cứu, ung thư (2010 – 2013)

Hiện tiến sĩ Phan Minh Liêm hàng chục công trình nghiên cứu xuất bản cùng với các cộng sự trên các tạp chí khoa học quốc tế về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings of The National Academy of Sciences), tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ (Journal of National Cancer Institute)...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!