Tư vấn: Chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền

Sống khỏe mạnh - 04/29/2024

Khi mắc bệnh, y học cổ truyền không chỉ chú trọng điều trị bằng các loại thảo dược tự nhiên mà còn khuyên người bệnh cần ăn uống, cân bằng âm dương.

Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền' vào 9h30, thứ sáu, ngày 7/10/2016. Chương trình được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và trên fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Khách mời tham dự chương trình gồm:

TS. Phùng Tuấn Giang – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam.

TS. BS. Trần Thái Hà, Trưởng khoa Châm cứu xoa bóp dưỡng sinh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Tư vấn: Chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền

Chuyên gia tại chương trình

Nguyễn Anh Khoa (Tam Nông, Phú Thọ): Thưa bác sĩ tôi bị thoát vị đĩa đệm và đau 2 khớp vai, cứ thỉnh thoảng lại đau. Xin bác sĩ cho tôi biết có phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền nào mà không cần dùng thuốc không, tôi xin cảm ơn.

TS. BS. Trần Thái Hà: Thông tin mà bạn đưa ra có thể định hướng đến 2 nhóm bệnh. Một là đau khớp vai, có nhiều nguyên nhân, thường gặp là viêm quanh khớp vai, bệnh nhân thường đau và hạn chế vận động khớp vai, tổn thương nằm ở gân và các bao thanh mạc, các tổn thương phần mềm xung quanh khớp vai và không bao gồm phần xương ở bên trong. Vấn đề thứ hai là thoát vị đĩa đệm, có thể là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, nó sẽ có các triệu chứng đau và liên quan đến hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh, nó có thể đau cả lên phần đầu và đau từ phần cổ xuống vai, thậm chí cả hội chứng cổ- vai- cánh tay đau về tê lan xuống hết cả bàn tay.

Phương pháp không dùng thuốc YHCT thường dùng nhất cho điều trị bệnh này là phương pháp châm cứu, kết hợp xoa bóp bấm huyệt, nắn chỉnh và tác động cột sống. Phương pháp YHCT đó kết hợp giữa kỹ thuật của điện châm, kỹ thuật châm cứu tác động vào các huyệt ví dụ như các huyệt ở sau cổ, huyệt giáp tích, phần vai, điều trị rất tốt. Khi xoa bóp bấm huyệt thì tác động tại chỗ làm giảm đau, giãn cơ, mềm tại chỗ, ngoài ra làm các tác động cột sống để giải phóng chèn ép rễ thần kinh, vi khi cóthoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường hay gặp là C4, C5, C6, gây chèn ép rễ thần kinh, gây đau tê lan xuống cả phần vai và thậm chí xuống cả bàn tay. Khi châm cứu, bấm nắn hay tác động là để giải phóng chèn ép rễ thần kinh, khi đó điều trị sẽ tốt.

Ở châu Âu có phương pháp nắn chỉnh cột sống  theo phương pháp riêng của châu Âu, còn ở Việt Nam xuất phát từ phương pháp xoa bóp bấm huyệt của YHCT và phương pháp tác động cột sống của lương y Nguyễn Tham Tán. 2 phương pháp đó kết hợp với châm cứu điều trị rất tốt.

Ngoài ra có thể áp dụng giác hơi, kéo giãn cột sống, của tây y là phương pháp vật lý trị liệu thì đông y cũng có những nắn chỉnh, kéo, tương tác ở phần cột sống để giúp giảm chèn ép rễ thần kinh và phục hồi, giảm triệu chứng đau, đưa bệnh nhân trở lại sinh hoạt, lao động bình thường. Tôi xin nhấn mạnh phương pháp này không phải là tương tác vào nhân nhầy đĩa đệm như trong phẫu thuật ngoại khoa mà nhiều người nhầm tưởng.

Nguyễn Hoa (Long An): Tôi đã 54 tuổi, bị đau khớp vai, lưng và đầu gối. Nghe nói có phương pháp cứu ngải, dùng máy giống hình máy sấy để chữa đau lưng, đau khớp rất hiệu quả, tôi có thể mua máy về tự điều trị được không? Phương pháp này còn dùng để điều trị cho những bệnh gì?

TS. BS. Trần Thái Hà:Hiện tại cũng có nhiều người sử dụng phương pháp cứu ngải. Đây là một phương pháp của YHCT được sử dụng rất nhiều, cứu bằng ngải cứu vào các vùng huyệt hoặc kết hợp với châm cứu, thường được điều trị hỗ trợ trong các hội chứng đau, sử dụng sức nóng của ngải khi đốt cháy để cứu vào các vùng huyệt mang tính chất bồi bổ chân nguyên và giúp cho các trường hợp hư chứng cần thêm phương pháp cứu. Cứu như vậy thường là sử dụng trong các chứng đau, giúp thông kinh hoạt lạc, giúp bệnh nhân khoan khoái, dễ chịu, đỡ đau hơn. Trên thị trường hiện tại theo tôi được biết là có các máy sản xuất giống như máy sấy và chế bản lại để sử dụng.

Về nguyên tắc thì nó giúp cho người sử dụng thuận tiện hơn, đặc biệt khi dùng ở nhà, tuy nhiên tôi cũng xin nhắc lại là phương pháp này chỉ mang tính hỗ trợ, có thể sử dụng khi đau mỏi người, đau nhức xương khớp, thậm chỉ cả khi cảm mạo phong hàn, phương pháp này có thể hỗ trợ tốt. Nhưng điều quan trọng là cần phải có chẩn đoán bệnh là gì, sau đó phải có tư vấn điều trị cụ thể. Còn ở nhà cũng có nhiều phương pháp như đắp ngải cứu, cứu ngải hoặc khi đau xương khớp thì có thể sử dụng một số loại thuốc bán trên thị trường. Còn cứu ngải chỉ mang tính chất hỗ trợ trong điều trị các bệnh lý về đau chứ không phải chữa được nhiều bệnh như trên thị trường quảng cáo.

Toàn Thanh (Hải Phòng): Vì công việc thường xuyên tiếp khách nên sau mỗi lần uống rượu tôi thường đi xông hơi. Mỗi lần như vậy tôi thấy dễ chịu nhưng khi đọc hướng dẫn ở nơi xông hơi thì không nên xông hơi sau khi uống rượu. Xin bác sĩ cho biết tôi có nên tiếp tục như vậy không? Nó ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Xin cảm ơn bác sĩ

TS. BS. Trần Thái Hà: Xông hơi là một phương pháp hỗ trợ cho chăm sóc sức khoẻ rất tốt. Tuy nhiên khi nhậu say thì chúng ta không nên đi xông hơi vì bản chất của xông hơi là sử dụng nhiệt, làm mở các lỗ chân lông, làm giãn mạch trong cơ thể. Nhưng thời điểm chúng ta say rượu mà làm giãn mạch thì có thể có những rối loạn về tim mạch đi kèm (nhịp tim nhanh, nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ…). Chính vì vậy những trường hợp đã uống rượu bia rồi thì không nên xông hơi. Còn khi mệt mỏi bình thường thì chúng ta có thể đi xông hơi thư giãn một tuần một vài lần được.

Huyền Anh (nhân viên văn phòng): 2 năm trước em bị tràn dịch màng phổi, khám thì phát hiện thêm hở van tim 1/4 Thỉnh thoảng thay đổi thời tiết em cảm thấy mệt và hay ốm vặt, Em nên làm gì hoặc sử dụng thuốc đông y gì để cải thiện tình hình?

TS. BS. Trần Thái Hà: Trường hợp như bạn ở bệnh viện chúng tôi cũng gặp nhiều, có bệnh nhân thì bị tràn dịch màng phổi đơn thuần, có bệnh nhân thì có những bệnh lý van tim phối hợp (hở van 2 lá, van 3 lá, suy tim, tâm phế mạn…). Với trường hợp của bạn trước đây đã điều trị rồi nhưng chưa hồi cứu được tràn dịch màng phổi do nguyên nhân nào (do viêm phổi hay lao phổi…). Hy vọng rằng trong lần điều trị trước bạn đã được điều trị khắc phục nguyên nhân rồi và hiện tại bạn có bị hở van tim nhưng chỉ hở ¼ thì bạn cũng đừng lo lắng quá.

Hiện tại bạn đang có tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể trên nền tảng là bị mắc 2 bệnh đó rồi. Theo tôi thì bạn có thể đến khám và điều trị đông y vì thuốc đông y điều trị các bệnh này rất tốt với các bài thuốc bổ khí, kiện tỳ, giúp bồi bổ sức khoẻ cho bạn. Bạn có thể sẽ được sử dụng thuốc sắc thì tốt hơn, ngoài ra nếu không có điều kiện thì bạn có thể sử dụng thuốc viên hoàn để bổ khí cũng tốt. Nói chung khi khám thì thầy thuốc đông y sẽ chẩn đoán bệnh lý tạng phủ của bạn, sau đó sẽ ra phương điều trị và cho bài thuốc. Bạn cũng đừng lo lắng quá vì những trường hợp như thế này cũng thường gặp, điều trị phối hợp cả tây y và đông y cũng rất tốt.

Một khán giả gọi điện thoại đến chương trình: Em mới bắt đầu tập Gym, nên thấy rất mỏi các cơ. Em đọc nghe nói có vận động viên tham dự Olympic dùng phương pháp giác hơi để giúp cơ bắp thư giãn. Vậy em có thể dùng phương pháp này được không? Một tuần dùng mấy lần và dùng trong bao lâu?

TS. BS. Trần Thái Hà: Tình huống mà bạn gặp phải thì tất cả những người mới chơi một môn thể thao mới đều bị đau mỏi, đau nhức ở phần cơ bắp do thời điểm mới tập, cơ thể chưa quen với các vận động mạnh như vậy.  Trong các phương pháp người ta áp dụng có phương pháp giác hơi, cụ thể là giác nhiệt, dùng các ống giác trúc hoặc thuỷ tinh sử dụng lửa, đốt cồn lên và sau đó chụp ống giác vào lửa rồi chụp vào phần lưng hoặc vai bị đau. Trong đông y, phương pháp này làm lưu thông khí huyết, thông kinh hoạt lạc, giúp giảm đau rất tốt.

Bạn có thể áp dụng phương pháp này một vài lần trong tuần, thậm chí có thể liên tục trong vài ngày. Tuy nhiên kỹ thuật giác cũng phụ thuộc vào người làm cho bạn, nếu lưu giác lâu có thể gây tổn thương xuất huyết dưới da, gây các vết thâm tím do giác có thể đến 1-2 tuần mới hết. Nếu kỹ thuật viên giác cho bạn phù hợp thì các xung huyết có thể hết ngay và hết các triệu chứng đau sau một vài ngày. Bạn cứ yên tâm đi tập tiếp, tăng dần mức độ thì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ và cơ thể bạn.

Quách Thu Hương (Phú Thọ): Con tôi 5 tuổi, cháu bị thuỷ đậu, tôi muốn chữa cho cháu bằng y học cổ truyền, vậy tôi nên cho cháu uống thuốc gì, có nên tắm lá hay không. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào?

TS. Phùng Tuấn Giang: Bệnh thủy đậu là một loại bệnh cấp tính liên quan đến virus, bệnh này ái lực với da, niêm mạc và hệ thống thần kinh. Bệnh thường là lành tính. Theo YHCT, bệnh thủy đậu do nhiệt độc, hỏa độc, thủy thấp gây ra, giai đoạn đầu cho bệnh nhân uống bài thuốc xơ phong thanh nhiệt, cho thủy đậu mọc nhanh hơn, đều hơn, đừng để nó mọc lâu quá. Giai đoạn tiếp theo uống các bài thuốc lương huyết, giải độc, trừ thấp. Khi khí kém, âm hư, tân dịch kém có thể cho thuốc bổ khí, tăng tân dịch, tăng cường miễn dịch cho người bệnh. Ngoài uống thuốc có thể cho trẻ tắm lá, dùng lá tía tô, kinh giới, hoàng liên, ngân hoa, khổ sâm làm ... vừa chống dị ứng, tiêu viêm, bảo vệ da. Chế độ ăn cũng rất quan trọng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước.

Ths.BS Lê Thị Hải: Bệnh này thường gặp ở trẻ em, rất lành tính, có thể lây lan nhanh, nhất là trong môi trường học đường. Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng, trong cùng một môi trường, có cháu dễ bị nhiễm bệnh hơn, do trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, sức đề kháng không tốt dễ nhiễm bệnh hơn. Nên ăn các thực phẩm giàu sắt, vitamin A, C, các khoáng chất kẽm...  có nhiều trong thịt, trứng... Vấn đề nghiêm trọng nhất của thủy đậu là các nốt thủy đậu vỡ ra, bội nhiễm, nhiễm trùng. Bình thường vài hôm trẻ sẽ khỏi, không cần kiêng nước, kiêng gió, cần tắm rửa sạch sẽ để tránh bị nhiễm trùng. Uống nhiều nước để thải độc, uống nước cam, chanh để tăng miễn dịch, ăn thực phẩm giàu kẽm nhanh liền vết thương, không cần kiêng gì cả.

Xuân Hòa (Hà Nội): Vừa qua tôi có đi massage, trong lúc massage thì nhân viên massage có thực hiện động tác giẫm chân lên lưng, lúc đó tôi thấy rất dễ chịu nhưng khi về nhà thì thấy lưng đau đau, chân phải hơi tê bì, mỏi. Tôi tìm hiểu thì biết nếu kỹ thuật đó làm sai thì có thể bị chệch đĩa đệm. Vậy có phải tôi bị chệch đĩa đệm không và phải làm sao? Xin cảm ơn.

TS. BS. Trần Thái Hà:Sau khi massage bấm huyệt mà bạn lại được người ta giẫm lên lưng, lúc đó thì rất dễ chịu nhưng về nhà lại thấy đau, sau đó tê bì ở chân bên phải, để chẩn đoán có bị thoát vị đĩa đệm hay không thì cần phải có thêm chẩn đoán lâm sàng. Khi bạn có tê bì ở chân bên phải và đau vùng thắt lưng thì đó cũng chỉ là dấu hiệu của đau lưng và đau thần kinh toạ bên phải thôi. Bạn cũng đừng lo lắng là đã bị thoát vị đĩa đệm hay chệch đĩa đệm hay không. Bởi vì nếu đau do thoát vị đĩa đệm, nhất là với tình huống như bạn đặt ra có thể là nguy cơ chấn thương thì thường là thoát vị đĩa đệm cấp, mà thoát vị đĩa đệm cấp thì thường đau dữ dội hơn và có biểu hiện đau của chèn ép tuỷ (đau tăng dữ dội khi ho, hắt hơi), khi đó thì có thể nhận định bị thoát vị đĩa đệm.

Có thể khi người kỹ thuật viên làm cho bạn, động tác bị sai một chút khiến cho bạn có những tổn thương ở phần lưng ở mức độ nhất định như tổn thương dây chằng hay đau phần cơ ở đấy, hoặc có chèn ép nhỏ đến rễ thần kinh toạ bên phải, vì vậy bạn thấy tê bì và đau ở bên phải. Lời khuyên cho bạn là sau này khi massage thì nên hạn chế những động tác như để người ta giẫm lên lưng mình. Về nguyên tắc nếu người kỹ thuật viên có trình độ và kỹ thuật, biết về giải phẫu sinh lý thì khi giẫm bằng bàn chân và tương tác với khối cơ lưng to của bạn chẳng hạn với một lực hợp lý, vừa phải thì bạn sẽ cảm giác dễ chịu; ngược lại người làm không tốt thì có thể gây chấn thương hoặc gây thoát vị đĩa đệm cho bạn.

Bây giờ đang bị đau thì bạn có thể nghỉ ngơi, chườm ngải cứu, chườm nóng một vài hôm là có thể đỡ đau. Còn nếu tình trạng vẫn diễn tiến thì bạn nên đi khám để được điều trị trong trường hợp bị các bệnh như bạn nghĩ và bạn cũng không nên lo lắng vì những bệnh này cũng là bệnh thường gặp và đều có phương pháp điều trị hiệu quả.

Quang Dương (Kiên Giang): Xin hỏi bác sĩ, bố em bị ung thư gan. Bạn em có mách cho một bài thuốc nam chữa bệnh ung thư gan bằng đông y như sau: Trùng hổ (long đất) 50g, đậu đỏ 100g, đâu xanh 100g, bồ ngót 50g. Sắc 3 chén còn lại nửa chén. Ngày dùng 2 lần. Vậy cho em hỏi bài thuốc chữa ung thư gan bằng đông y trên có hiệu quả không?

TS. Phùng Tuấn Giang: Với gan, có 35 tỷ tế bào, khả năng tái tạo của tế bào gan rất tốt, hầu hết người bị ung thư gan không biết mình bị bệnh, có người khối u  6-7 phân mà không thấy đau. Trước tiên, chúng ta cần có biện pháp phòng bệnh tốt.

Tư vấn: Chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền

TS. Phùng Tuấn Giang

Với bài thuốc này, một số trường hợp uống cho kết quả tốt. Tuy nhiên ung thư gan do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể tốt với người này nhưng lại không tốt với người kia. Chúng ta cần có tư vấn chi tiết, đánh giá và cho phác đồ điều trị với mỗi bệnh nhân để điều trị hiệu quả bệnh. Muốn vậy bạn cần nhận được sự tư vấn của thầy thuốc.

Đức Lộc (Thanh Hóa): Tôi bị mẩn ngứa 3 năm nay, đã uống nhiều loại thuốc, chữa nhiều nơi không khỏi. Gần đây được người quen giới thiệu, tôi đi cắt thuốc ở một cơ sở khám chữa bệnh đông y khá nổi tiếng. Thế nhưng ngay ngày đầu tiên uống thuốc tôi đã thấy 2 bên cánh tay nổi những mẩn đỏ như rôm. Hỏi lại nhà thuốc thì họ bảo do sắc thuốc đặc quá. Hôm sau thì tôi bị khó thở và được đưa vào bệnh viện, bác sĩ bảo tôi bị dị ứng thuốc. Xin hỏi tôi có nên tìm các bài thuốc nam khác để trị bệnh mẩn ngứa của tôi hay không? Xin cảm ơn bác sĩ.

TS. Phùng Tuấn Giang:Tình trạng dị ứng thuốc xảy ra ở cả YHCT và y học hiện đại, trong hàng nghìn trường hợp sẽ có một vài trường hợp, có thể bạn bị mẫn cảm với một chất nào đó trong thuốc. Tôi nghĩ, nếu gặp triệu chứng này bạn nên dừng ngay uống thuốc vì bạn có thể mẫn cảm với thuốc hoặc do 'trái thuốc'. Như người bốc thuốc không đúng theo chỉ định của thầy thuốc, thầy thuốc cắt cho 7 vị nhưng lại bốc có 5 vị, hoặc sao tẩm không đúng... sẽ gây dị ứng. Bạn cũng nên chọn các bệnh viện lớn, cơ sở có uy tín. Thêm nữa bạn cũng không nên mất niềm tin với các thuốc YHCT vì có nhiều vị thuốc YHCT chữa trị dị ứng, mẩn ngứa rất hiệu quả như  kim ngân hoa, bạch hoa xà, công anh, kinh giới, ngưu bà tử, đan bì....Các bài thuốc YHCT sẽ giải quyết bệnh này cho bạn rất tốt nếu bạn dùng đúng.

Trần Ngọc (Ngoctranbao.hn@gmail.com): Bố cháu bị suy thận đã lâu, khoảng trên 10 năm. Hiện tại đang chạy thận 1 tuần 3 lần bằng máy lọc nhân tạo. Gần đây bố cháu đọc được 1 bài viết có nói nếu ăn gạo lứt hàng ngày, liên tục (chỉ ăn thêm rau xanh, không ăn hoa quả và thịt) thì bệnh suy thận sẽ giảm dần. Do đó bố cháu đã kiên trì thực hiện 2 tháng nay và kết quả là các chỉ số chất độc trong máu ở mức bình thường, khối lượng dịch thải sau mỗi lần chạy giảm nhiều (từ trên 2kg xuống còn 0.8kg), da dẻ vẫn hồng hào và không có dấu hiệu mệt mỏi gì.

Tuy nhiên do lọc máu và không ăn thịt nên hàm lượng hồng cầu trong máu giảm nhiều (từ 3.5 triệu xuống còn 2.3 triệu). Cháu muốn hỏi liệu bố cháu có nên tiếp tục không ăn thịt khi ăn gạo lứt hay không? Nếu ăn thịt để sản sinh hồng cầu thì có ảnh hưởng đến công dụng của gạo lứt không ạ? Cháu cám ơn bác sỹ vì đã dành thời gian cho câu hỏi của cháu. Chúc bác sỹ nhiều sức khỏe để mang y học cứu giúp nhiều bệnh nhân hơn nữa.

ThS.BS. Lê Thị Hải: Trước hết, câu hỏi của bạn hôm nay hỏi về chế độ ăn cho bố bạn bị suy thận. Tôi phải nói chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong suy thận. Nếu chúng ta không kết hợp chế độ ăn thì hiệu quả điều trị sẽ không là bao nhiêu. Bố bạn ăn gạo lứt và rau xanh lại tốt, vì chất đạm chuyển hoá urê, thải qua nước tiểu. Tăng urê máu gây rối loạn, có thể dẫn đến tử vong. Bố bạn ăn gạo lứt rau xanh, han chế chất đạm nên chỉ số máu tốt là như vậy.

Trên thực tế tôi đã gặp một trường hợp như chị giúp việc cho người bạn, do chị ý bị sỏi thận, rối ứ thận, suy thận, ở ngoài Hà Nội người giúp việc thịt còn người ta tiếc của không bỏ đi nên cứ thế ăn, mà chị ý đã bị suy thận sẵn rồi nên bệnh càng nặng lên. Cuối cùng bệnh viện bảo thôi cho về đi không chữa được. Khi chị về quê không có thịt, chỉ ăn rau dưa thôi, lúc đấy người ta cứ tưởng chị chỉ chờ chết rồi, không ngờ vài năm sau sức khoẻ lại tốt lên.

Khi bệnh nhân suy thận ăn quá nhiều chất đạm, urê máu tăng, nguy hiểm. Nhưng nếu kiêng khem quá mức, chỉ số urê tốt nhưng hồng cầu giảm đi.

Bản thân người suy thận thiếu máu rồi, không ăn đạm nên thiếu sắt, chỉ có sắt trong rau hấp thụ kém không đủ. Vì vậy bệnh nhân suy thận vẫn có thể ăn được thịt nhưng chỉ ăn ở mức độ vừa phải. Ngoài ra có thể ăn thêm trứng và sữa.

Chế độ ăn của bệnh nhân suy thận trong bệnh viện rất ngặt nghèo. Họ phải dựa vào chỉ số, tình trạng bệnh để xây dựng thực đơn hợp lý cho bệnh nhân suy thận, tránh tăng urế máu mà đảm bảo chống thiếu máu, suy kiệt. Trường hợp bố bạn phải có bác sĩ chuyên khoa kết hợp với bác sĩ dinh dưỡng xây dựng thực đơn, có thể ăn thịt nhưng ăn ít hơn người bình thường kết hợp với trứng sữa, nhiều rau xanh hoa quả.

Gạo lứt có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt, giàu vitamin và chất xơ, không chỉ riêng gì đối với bệnh nhân suy thận mà đối với người tiểu đường cũng tốt. Bố bạn ngoài gạo lứt, rau xanh, có thể ăn thêm thịt, trứng, sữa ở mức vừa phải có tính toán cẩn thận từ các bác sĩ để đảm bảo tốt nhất cho thể trạng và thuyên giảm bệnh.

Thúy Ngân, Hà Nam: Xin chào các bác sĩ, em năm nay 24 tuổi, cao 1m52 nặng 68kg, em đã áp dụng một số biện pháp giảm cân nhưng không hiệu quả. Em nghe nói có phương pháp châm cứu để giảm béo. Xin các bác sĩ nói rõ về phương pháp này như về thời gian điều trị, quá trình điều trị cần tuân thủ chế độ ăn uống ra sao?

TS. BS. Trần Thái Hà:Qua kinh nghiệm điều trị thực tiễn rất nhiều bệnh nhân điều trị béo phì bằng châm cứu, tôi khẳng định là có hiệu quả. Với chiều cao và cân nặng như bạn nói thì đúng là bạn bị thừa cân (BMI trên 25 là thừa cân, trên 30 là béo phì). Điều trị bằng châm cứu hiện tại bệnh viện YHCT TƯ và các phòng khám  và bệnh viện YHCT tuyến tỉnh đã áp dụng phương pháp này rất tốt. Châm cứu có thể kết hợp thể châm (kim bình thường) và điện châm, mãng châm (kim dài) để điều trị, ngoài ra có thể kết hợp cả nhĩ châm (châm ở loa tai).

Đông y quan niệm béo phì là do nội thấp ứ trệ và người ta chú trọng đến chức năng hoạt động của tạng phủ là cặp tỳ vị và ngoài ra chú trọng đến tạng thận trong điều trị. Châm cứu điều trị béo phì thông thường chú trọng ở một số huyệt như thần môn giao cảm trên tai để kiểm soát các vấn đề trong béo phì, các huyệt ở vùng bụng (mạnh nhâm, huyệt thiên khu, huyệt phí hải ở dưới rốn) hoặc một số huyệt ở dưới chân, mục tiêu là phục hồi chức năng hoạt động của tỳ vị, trừ đàm thấp trong cơ thể, từ đó giảm mỡ.

Các bạn cũng sẽ thấy một điều rất thú vị của châm cứu là sẽ giảm trực tiếp mỡ ở vòng bụng, một liệu trình châm cứu thường 4-6 tuần, mỗi tuần điều trị 3-6 lần, người ta có thể áp dụng 2-3-4 liệu trình, có bệnh nhân giảm được vòng bụng từ hơn 90 xuống còn hơn 60, có bệnh nhân giảm được 20kg, thông thường giảm 3-4kg sau 1 liệu trình điều trị với điều kiện là bạn phải tuân thủ nghiêm chỉnh liệu trình điều trị cộng với chế độ ăn uống, tập huyện phù hợp thì sẽ có được kết quả mong muốn.

THs Bs Lê Thị Hải:Dạo này chị em rất sợ béo, kể cả dùng phương pháp châm cứu hay y học hiện đại như cắt mỡ, hút mỡ thì chế độ ăn cũng rất quan trọng. Riêng về béo phì, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng nhất. Tôi từng gặp bệnh nhân đi hút mỡ mà không áp dụng chế độ ăn và luyện tập thể thao (có người mất 60-70 triệu, có người cả trăm triệu) mà vẫn bị tăng cân trở lại và tới khoa dinh dưỡng nhờ tư vấn. Nếu kết hợp theo phương pháp châm cứu tôi nghĩ cũng rất tốt. Ăn kiêng, tâp thể dục phải mất hàng năm. Nếu như TS. Thái Hà nói, châm cứu có thể giảm vòng eo trong thời gian ngắn như vậy thì có lẽ tôi cũng rất muốn giảm eo bằng châm cứu. Chúng ta phối hợp cả hai.

Riêng người thừa cân, thì cả 2 biện pháp đều quan trọng. Dù là thuốc giảm cân hay hút mỡ, thì vẫn phải có chế độ ăn uống hợp lý duy trì suốt cả cuộc đời. Châm cứu, hút mỡ, chúng ta có thân hình cân đối rồi thì vẫn phải có chế độ ăn uống giúp duy trì vóc dáng và cân nặng. Cần phải có nghị lực, không bị cám dỗ bởi thức ăn. Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. YHCT nhất là châm cứu chữa thừa cân béo phì rất tốt. Bên cạnh đó, bạn nên đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng và thực đơn hợp lý giúp thân hình rắn chắc khỏe mạnh và sức khỏe tốt.

Bạn đọc giấu tên: Tôi bị ung thư phổi giai đoạn 2A, tôi vẫn chưa quyết định phẫu thuật vì tôi nghe nhiều người mách đun nước lá đu đủ uống có thể làm nhỏ khối u và tiêu diệt ung thư. Xin bác sĩ cho tôi biết tôi có nên uống nước lá đu đủ không và nên dùng liều lượng thế nào? Khi điều trị ung thư tôi nên có chế độ ăn ra sao để bồi bổ sức khỏe?

TS. Phùng Tuấn Giang: Theo kinh nghiệm dân gian, lá đu đủ có tác dụng kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư. Theo dân gian, lấy từ 50g - 80 g lá tươi hoặc 20g lá khô cộng với một củ sả để làm tăng tác dụng của lá đu đủ, sắc uống hàng ngày.

Bạn đang ở giai đoạn 2A, tôi nghĩ khối u trên 3cm, có thể xẹp phổi do khối u chèn ép tiểu khí quản, có hạch, tổn thương màng phổi, nhưng chưa di căn xa. Bạn cần xem lại xem có nên phẫu thuật hay không, tùy thuộc vào vị trí khối u. Với YHCT có mục tiêu hàng đầu là sự sống của người bệnh, kiểm soát bệnh toàn diện, hạn chế di căn gần, di căn xa. Dùng thuốc xả độc khí huyết phủ tạng, tăng cường miễn dịch cho người bệnh, có thể dùng châm cứu, đưa năng lượng nội sinh đến vùng bệnh giống điều trị nhắm đích của tây y, đưa thuốc đến vùng cần chữa.

Phương pháp thứ 3 là ăn uống, đảm bảo đủ chất chống đỡ bệnh tật, tăng cường sức khỏe, kiềm hóa cơ thể, tái tạo mạch máu đủ máu để nuôi tế bào, chống di căn, tái phát. Cuối cùng là tinh thần của người bệnh. Có 3 loại gen tiền ung thư, gen ung thư và gen kháng ung thư. Nếu người bệnh suy sụp về tinh thần gen kháng ung thư biến thành gen ung thư, nên tâm lý trị liệu rất cần thiết.Các thầy thuốc YHCT cần làm tốt điều này để việc điều trị được hiệu quả.

Ths.BS Lê Thị Hải:Hiện nay có quan niệm nhịn ăn để chữa ung thư, tức là khi ăn uống ít, chất dinh dưỡng không nuôi khối u, khối u tự tiêu. Nhiều người đã ăn chay hoặc nhịn ăn để chữa ung thư. Theo tôi, bệnh nhân ung thư vẫn cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vì khi chúng ta khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch của chúng ta tốt. Nếu tế bào miễn dịch tốt, sẽ là 'đội quân' gác cổng giúp ngăn chặn và phát hiện sớm các tế bào lạ. Khi bị bệnh rồi, đông y dùng các bài thuốc tăng cường thể trạng, hệ miễn dịch như TS. Giang đã nói.

Chúng cần ăn uống giàu chất dinh dưỡng, chống oxy hoá, gốc tự do bằng cách ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, vitamin E, vitamin C, kẽm, selen,…  có tác dụng tốt trong phòng ngừa ung thư, ở bệnh nhân ung thư sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Tăng cường sức đề kháng thì bệnh ung thư tiến triển chậm đi. Bệnh nhân ung thư yếu tố tinh thần rất quan trọng. Tôi có anh bác sĩ, ung thư dạ dày di căn đến phổi rồi, nhưng anh lên mạng làm thơ, dùng các bài thuốc, điều trị tích cực, một thời gian sau chụp chiếu lại khối u đã mất đi. Với các bệnh nhân có niềm tin vào thầy thuốc, đã có thể chữa khỏi 70-80% bệnh rồi.

Độc giả: Tôi bị đau dạ dày, hiện đang uống thuốc đông y để điều trị bệnh, nhưng bệnh thuyên giảm rất chậm, bác sĩ bắt tôi phải kiêng nhiều đồ ăn chua, cay? Xin hỏi tôi có cần kiêng ăn đồ ăn này khi uống thuốc không và tại sao?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Không chỉ riêng gì trong khi uống thuốc đông y đâu, mà nguyên tắc chung khi điều trị bệnh dạ dày tá tràng là phải kiêng đồ chua cay, vì đồ chua cay là thủ phạm làm bệnh trầm trọng thêm.

Đối với bệnh nhân đau dạ dày, cần phải kiêng chua cay chứ không riêng gì trong lúc dùng thuốc. Nguyên nhân gây ra bệnh dạ dày chủ yếu là do vi khuẩn, chỉ có 10% là do stress,...

Chế độ kiêng chua cay ở bệnh nhân đau dạ dày là phải tuyệt đối tuân thủ chứ không chỉ riêng gì trong lúc dùng thuốc đông y đâu. Vì ăn chua cay làm cho bệnh dạ dày nặng thêm, hoặc khi đã uống thuốc rồi sau đó nó lại làm cho bệnh tái phát trở lại. Ngoài kiêng đồ chua cay, chúng ta cũng nên kiêng đồ ăn quá cứng để tránh làm tổn thương dạ dày.

Thu Trang (Khánh Hòa): Xin hỏi, cháu có người thân đang bị bệnh ung thư phổi và đang chuẩn bị tiến hành hóa trị liệu. Tuy nhiên khi dùng hóa trị, xạ trị lại gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tâm lý người bệnh mà khó có thể tránh khỏi. Trong khi đó có nhiều người sử dụng đến các bài thuốc nam để chữa ung thư phổi cũng như các loại bệnh ung thư khác. Vậy cháu muốn hỏi như trường hợp bệnh ung thư phổi có thể được chữa bằng thuốc nam không. Nếu có thể áp dụng được thì đâu là bài thuốc tốt nhất có thể dùng được. Rất mong được chuyên gia giải đáp giúp cháu.

TS. Phùng Tuấn Giang: Xin chào bạn Thu Trang, theo tôi bạn nên lựa chọn phương pháp của y học hiện đại để khống chế bệnh đã, sau đó duy trì và tăng cường thể trạng bằng phương pháp y học cổ truyền rất tốt. Các bài thuốc của y học cổ truyền có mục tiêu làm giảm tác hại của hóa xạ trị, tăng cường thể trạng, tăng cường miễn dịch, hạn chế di căn xa, kiểm soát khối u rất tốt.

Sau khi điều trị hóa trị, xạ trị, bạn có thể tìm đến y học cổ truyền để điều trị củng cố sức khỏe, phối hợp với y học hiện đại để giúp người nhà của bạn chữa bệnh một cách tốt nhất.

lenguyen: Con gái tôi năm nay 14 tuổi, cháu có kinh nguyệt từ năm 10 tuổi. Tuy nhiên 7 tháng nay cháu không có kinh nguyệt. Cháu đã đi khám và được chẩn đoán dày niêm mạc tử cung. Xin bác sĩ cho biết bị như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Có phương pháp nào để có cháu có kinh nguyệt trở lại? Xin cảm ơn bác sĩ.

TS. BS. Trần Thái Hà: Vấn đề rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới gặp rất nhiều. Như trường hợp con gái bạn liên quan đến dày niêm mạc cổ tử cung , như vấn đề bạn vừa trao đổi thì chắc chắn cần phải đưa cháu đi khám và điều trị vì nếu để kéo dài tình trạng vô kinh như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cháu bao gồm cả sức khoẻ sinh dục và sinh sản sau này. Lời khuyên của tôi là cần phải kết hợp điều trị cả đông y và tây y.

Để tư vấn chuyên sâu hơn, nếu có điều kiện và thời gian thì bạn nên sắp xếp và đưa con gái của bạn đến BV YHCT TƯ, ở đó chúng tôi có khoa Phụ chuyên điều trị về các bệnh của nứ giới, trong đó có rất nhiều vấn đề về vô kinh, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh thứ phát… Bạn nên đưa con gái đi khám, xét nghiệm sớm để có đánh giá toàn diện, sau đó thì chắc chắn sẽ được sử dụng thuốc YHCT và kết hợp với một số phác đồ điều trị của y học hiện đại đê đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

TS Phùng Tuấn Giang:Với những bệnh về nội tiết thì YHCT xử lý khá tốt. Để cân bằng mang tính hệ thống và xử lý nội tiết một cách toàn diện đồng thời bổ huyết điều kinh thì YHCT đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân và rất hiệu quả. Tôi nghĩ rằng bạn nên đến cơ sở YHCT để khám và điều trị sớm nhất. Trước đó bạn cần phải được chẩn đoán cụ thể với các triệu chứng cận lâm sàng cụ thể để đưa ra phác đồ điều trị một cách toàn diện chứ không nên chỉ dựa vào triệu chứng không.

Kieu Trinh Vuong (vuongkieutrinh@gmail.com): Chị tôi bị đau dạ dày và thoái hóa xương khớp. Muốn uống thuốc đông y để điều trị xương khớp, vì sợ thuốc tây ảnh hưởng đến dạ dày. Xin được hỏi những vị thuốc đông y điều trị xương khớp có ảnh hưởng đến dạ dày như thuôc tây y không? Tôi rất mong được các chuyên gia tư vấn.

TS. Phùng Tuấn Giang: Hiện nay, điều trị xương khớp và dạ dày thường có tác dụng phụ lẫn nhau nếu điều trị theo thuốc tây y. Với phương pháp YHCT, có thể điều trị xương khớp mà không ảnh hưởng đến dạ dày. YHCT làm rất tốt. Bạn đang mắc cả 2 bệnh cả dạ dày và khớp, có thể theo phương pháp YHCT, y học tự nhiên.

Câu hỏi điện thoại: Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường. Tôi nghe nói ăn quả khế chua, bưởi, nước ép bưởi hàng ngày sẽ giúp bệnh tiểu đường thuyên giảm, giúp tăng cường sản sinh insulin. Điều này có đúng không ạ? Xin bác sĩ tư vấn cho mẹ tôi về chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường, tôi nghe nói ăn mướp đắng rất tốt cho người tiểu đường, đúng không ạ. Tôi xin cảm ơn.

ThS.BS. Lê Thị Hải:Như phần đầu chương trình tôi nói, trong tất cả các bệnh mãn tính không lây liên quan tới dinh dưỡng, bệnh đái tháo đường tuýp 2 khá phổ biến hiện nay. Bệnh tiểu đường chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. 3 phương pháp chúng ta áp dụng: dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, ăn uống và luyện tập thể thao. 3 phương pháp này được coi như kiềng 3 chân trong điều trị tiểu đường. Bệnh tiểu đường không thể khỏi được nhưng điều trị có thể giúp thuyên giảm và giảm nguy cơ di chứng. Bởi bệnh tiểu đường gây ra những biến chứng nguy hiểm như có thể gây ảnh hưởng tới mắt và các chi. Nếu không có di chứng, người tiểu đường hoàn toàn có thể sống khoẻ mạnh bình thường.

Về đông y, dùng mướp đắng, có lẽ phải nhờ 2 chuyên gia YHCT bổ sung thêm. Lời khuyên của tôi cho bệnh tiểu đường như sau: Nhiều người có quan niệm sợ quá, kiêng quá nhiều thứ khiến cơ thể suy kiệt. Nếu kiêng khem hay nhịn ăn quá mức, có khi bệnh nhân chưa chết vì tiểu đường đã chết vì suy kiệt.

Nếu tiểu đường ở thừa cân béo phì thì phải giảm cân nặng, kiêng đường và kiêng năng lượng. Nếu người thể trạng bình thường hay gầy, thì không ăn quá mức một lúc để đường huyết vọt, nhưng cũng không nhịn ăn hay để đói quá mức khiến bị hạ đường huyết.

Tiểu đường có 2 thể: tuýp 1 và tuýp 2. Tuýp 1 do không tiết được insulin. Tuýp 2 do rối loạn, do cơ thể kháng insulin. Người tiểu đường tuýp 2 ở người béo phì hay mắc. Do không có đường dự trữ trong cơ thể. Vì bình thường insulin dự trữ ở gan, khi đói thuỷ phân thành glucose giúp cơ thể hoạt động. Người tiểu đường mất cơ chế này, ăn vào đường huyết tăng vọt, còn khi đói lại không có đường dự trữ trong gan khiến hạ đường huyết, ngất xỉu. Vì vậy chế độ ăn người tiểu đường phải chia nhỏ bữa ăn, nên ăn 5-6 bữa 1 ngày, thậm chí thêm bữa phụ trước khi đi ngủ để tránh hạ đường huyết ban đêm. Nó tuỳ thuộc vào thể trạng bệnh nhân như nếu béo thì kiêng khem, còn gầy thì ăn uống như bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân tiểu đường nên kiêng đồ quá ngọt, bánh kẹo ngọt, hoa quả quá ngọt,...

Nên ăn đa dạng thức ăn, tăng cường rau xanh chất xơ để đường huyết hấp thu từ từ trong máu. Hoàn toàn không có gì tuyệt đối kiêng cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, không nên ăn quá ngọt một lúc. Nếu ở người bình thường có thể ăn cả cân vải hay cân nhãn vào mùa, nhưng người tiểu đường chỉ nên ăn vài ba quả mà thôi.

Bạn cần có sự tham vấn bác sĩ chuyên khoa để giữ cho đường huyết ổn định, tránh tai biến.

TS. Phùng Tuấn Giang: Theo YHCT, có học thuyết 'thiên nhiên hợp nhất', chúng ta càng gần gũi thiên nhiên càng tốt. Tôi hoàn toàn đồng ý liệu pháp điều trị bệnh tiểu đường bằng ăn uống. Ngoài ăn uống khoa học, phương pháp ăn uống cũng quan trọng, đó là phải ăn chậm nhai kỹ. Khi ăn chậm, cơ hàm hoạt động kích thích tuyến tụy tiết ra insulin. Liệu pháp thiên nhiên, không chỉ có mướp đắng mà rau củ quả rất tốt như rau húng quế, lá xoài non, nấm linh chi, sâm ngọc linh. Mướp đắng chỉ là một thứ thôi. Cố gắng ăn càng gần thiên nhiên càng tốt, và nên ăn chậm nhai kỹ.

MC: Hiện nay có nhiều cơ sở y tế, địa chỉ được lưu truyền trên mạng, thậm chí nhiều nơi người ta đồn thổi về hiệu quả chữa bệnh, nhưng thực tế là nhiều người bệnh đã bị mất tiền oan, mà bệnh thì không khỏi. Vậy khi nào chúng ta nên đi điều trị bệnh bằng phương pháp YHCT, và người bệnh nên tìm đến đâu để không bị 'tiền mất tật mang'?

TS. BS. Trần Thái Hà: Đây cũng một câu hỏi mà chúng tôi thường phải giải đáp, tư vấn cho người dân, bệnh nhân vì trong thời buổi bùng nổ thông tin như bây giờ thì các thông tin được chia sẻ trên mạng rất nhiều. Chính vì vậy cộng đồng cũng không phân biệt được đâu là thông tin thực, đâu là thông tin ảo, đâu là thông tin mang tính PR, truyền thông.

Với những phương pháp điều trị tốt thì thường ở những cơ sở uy tín, người bệnh tìm hiểu cũng biết rằng những lương y, bác sĩ điều trị cho mình phải được đào tạo cơ bản, bài bản nhất định. Nhất là hiện nay ngành y học phát triển như vũ bão, ngành YHCT song song tồn tại được với y học hiện đại vì nó có những giá trị chân thực trường tồn của nó và vì nó có giá trị điều trị tốt. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phụ thuộc theo quảng cáo được và tôi muốn các bạn hãy tìm đến những thầy thuốc, lương y, bác sĩ, những người có kiến thức YHCT, có trình độ, được đào tạo cơ bản, bài bản, được công nhận, chứng nhận.

Do đó phải là những cơ sở điều trị uy tín như các bệnh viện YHCT, các phòng khám YHCT và các trung tâm tư nhân thì cũng phải là những nơi được Bộ Y tế, Sở Y tế quản lý, cấp phép. Có cơ sở pháp lý, có đơn vị chủ quản như vậy thì y đức và trình độ chuyên môn của những người thầy thuốc điều trị cho các bạn mới đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Tư vấn: Chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền

TS. BS. Trần Thái Hà

Vũ Ngọc (Bắc Giang): Mẹ tôi bị ung thư gan, viêm gan B, hiện đang điều trị tại bệnh viện. Nghe một số người mách bảo, mẹ tôi có uống thêm cả thuốc đông y từ gần 1 tháng nay. Tuy nhiên bệnh của mẹ tôi không đỡ mà có dấu hiệu nặng thêm. Xin hỏi có phải do tác dụng phụ của thuốc đông y mẹ tôi đang dùng hay không?

TS. Phùng Tuấn Giang: Hiện nay, K gan trên nền xơ gan, tiền sử viêm gan B là bệnh thường gặp. Hầu hết do phát tác của virus viêm gan B gây bệnh. Mẹ bạn đang điều trị thuốc tây mà uống thêm thuốc đông y thấy xuất hiện các triệu chứng như hiện nay. Theo tôi nghĩ, bạn cần cân nhắc thật kỹ, xem có đúng tác dụng phụ của thuốc đông y hay không.

Chất lượng thuốc đông y rất đáng lưu tâm, mỗi năm chúng ta nhập khẩu từ 70 000 - 100.000 tấn thuốc, 80% thuốc đông y là thuốc nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Vấn đề sử dụng thuốc an toàn cần phải xem xét kỹ. Nhiều khi dùng trái thuốc rất nguy hiểm:

Có những lúc nhiều khi trái thuốc

Tại cả y lẫn dược đôi đường

Y thì sử dụng trái phương

Dược thì thuốc giả gian thương hoành hành

Lại sao tẩm chưa tinh chưa thạo

Thầy thuốc thì chỉ đạo buông xuôi

Thầy một nẻo thuốc một nơi

Làm thầy làm thuốc kịp thời xét suy.

Bạn cần xem lại bạn đã đến đúng cơ sở chưa, thuốc đã đúng chưa, việc phối hợp giữa YHCT và YHHĐ đã đúng chưa. Bạn cần đến cơ sở uy tín để được điều trị.

TS. Trần Thái Hà: Câu hỏi này được rất nhiều người quan tâm. Có những ung thư gan phát triển nguyên phát, có những ung thư trên nền viêm gan B hoặc trên nền xơ gan. Bạn cần biết rõ bản thân bệnh lý ung thư gan là bệnh diễn biến xấu, tiết triển phức tạp và điều trị kiểm soát khó, cần xem trường hợp nặng thêm là do sử dụng thuốc đông y không đúng cách hay diễn tiến bệnh nặng thêm. Muốn vậy mẹ bạn cần được khám và điều trị chuyên sâu.

Thuốc đông y cần kiểm soát nguồn gốc thuốc, hiện bệnh viện chúng tôi đang cố gắng kiểm định đầu vào, nguồn gốc của dược liệu. Bệnh viện chúng tôi hiện điều trị khoảng 100 bệnh nhân ung thư 1 ngày. Bệnh nhân ung thư càng phải thận trọng khi dùng thuốc, dùng thuốc phải đúng, kết hợp với YHHĐ như thế nào cho phù hợp và chất lượng thuốc phải đảm bảo. Tôi xin chia sẻ thêm thông tin với quý vị và các bạn để các bạn hiểu thêm.

MC: Ngoài phương pháp dùng thuốc đông y, hoặc đông tây y kết hợp, tôi được biết hiện nay tại Bệnh viện YHCT TW có nhiều phương pháp chữa bệnh tại chỗ cũng rất hiệu quả, xin TS. Trần Thái Hà có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không, ngoài thuốc đông y, còn có những phương pháp điều trị bằng YHCT nào?

TS. BS. Trần Thái Hà:Đây cũng là một phần quan trọng của phương pháp điều trị bằng YHCT. Phương pháp điều trị bằng YHCT phân ra 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là dùng thuốc YHCT như thuốc xông, thuốc bôi ngoài, thuốc uống trong, thuốc dạng viên hoặc cao hoặc sắc uống, có thể kết hợp với các thuốc y học hiện đại. Nhóm thứ hai là phương pháp không dùng thuốc, điển hình là châm cứu. Có rất nhiều hình thức châm cứu khác nhau như thể châm, nhĩ châm, trường châm, đại châm, thuỷ châm… Ngoài các phương pháp châm cứu thông thường, bệnh nhân có thể còn được kết hợp cả điện châm hoặc các phương pháp khác như: liệu pháp giác hơi, giác lửa… để kết hợp điều trị.

Ngoài ra một nhóm phương pháp quan trọng đê phòng và chữa bệnh là yoga, dưỡng sinh. Trong đó dưỡng sinh trong YHCT là một khái niệm bao quát bắt đầu từ giáo dục sức khoẻ, tư vấn cho người bệnh biết về sức khoẻ, bệnh tật, cách phòng bệnh và tự điều trị bằng các phương pháp xoa bóp bấm huyệt, ngồi thiền, tập yoga và thậm chí cả liệu pháp dinh dưỡng, cũng như TS Phùng Tuấn Giang đã nói là 'dưỡng khí tồn thần, thanh tâm quả dục, thủ chân luyện hình'. Đó chính là những nguyên lý cơ bản của YHCT.

Các phương pháp không dùng thuốc của YHCT có những ưu điểm rất đặc biệt. Thứ nhất là vẫn dựa trên nguyên lý điều trị của đông y (cân bằng âm dương trong cơ thể, lập lại, duy trì các chức năng của tạng phủ). Trong đông y thì người ta nói về lục phủ, ngũ tạng. Dựa trên nguyên lý ngũ hành, sử dụng phương pháp châm cứu hay xoa bóp bấm huyệt hay yoga, dưỡng sinh đều để lập lại thăng bằng âm dương và giúp cơ thể lấy lại những vấn đề đã mất cân bằng và điều chỉnh lại. Nguồn gốc của nó cũng là để nâng cao sức đề kháng, nội lực của cơ thể, từ đó trị được rất nhiều chứng bệnh.

Minh Nguyệt (Nghệ An): Thưa bác sĩ, em muốn hỏi là khi uống thuốc bắc, cần kiêng ăn tanh và ăn cay, điều này có đúng không ạ? Nhưng hiện em đang uống thuốc bắc để bồi bổ cơ thể, chữa suy nhược, gầy ốm, giúp tăng cân, việc ăn hải sản, ăn cá, các loại gia vị có làm mất tác dụng của thuốc bắc không?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Thực ra thì dùng thuốc đông y phải ăn kiêng một số thứ. Tôi theo y học hiện đại tôi cũng có biết có một số vị thuốc hay bài thuốc bắt buộc phải kiêng một số thứ như kiêng tanh, kiêng hải sản. Cụ thể phải kiêng thế nào thì tôi không rõ. Theo Tây y, thì đặc biệt khi uống thuốc gì đặc biệt mới phải kiêng. Còn thì phải ăn uống đầy đủ. Ăn tốt lên thì bệnh thuyên giảm nhiều. Nhờ hai chuyên gia về YHCT sẽ tư vấn.

Tư vấn: Chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền

ThS.BS. Lê Thị Hải

TS. BS. Trần Thái Hà: Thực ra uống thuốc YHCT đúng là các bạn khi được kê đơn YHCT, đôi khi thầy thuốc cũng có lời dặn ăn kiêng, nhưng nó phải theo tuỳ bệnh cụ thể của bệnh nhân. Bệnh cơ xương khớp thì kiêng cà pháo, cá mè, đây là kinh nghiệm dân gian ông cha ta để lại. Có cái y học hiện đại giải thích được, có cái chưa. Chẳng hạn ăn cà pháo có thể gây đau nhức khi uống thuốc đối với bệnh nhân mắc bệnh khớp.

Kiêng cay nóng phải xem lại thể bệnh của bệnh nhân trong bệnh suy nhược. Có thể do chất cay nóng ảnh hưởng đến chức năng tỳ vị. Đồ hải sản, thể hàn nhiệt, bệnh nhân thể hàn nhiều không nên dùng đồ ăn mang tính lạnh. Ngoài ra, nếu có tương tác với thuốc cũng không cụ thể hoá nhiều. YHCT cũng có tương đồng với Y học hiện đại, khi thể trạng kém, đồ ăn nhiều chất như hải sản có thể khiến người bệnh không tiêu hóa được.

Mai Hương (Lâm Đồng): Thưa bác sĩ, con tôi năm nay 8 tuổi, từ 2 năm trước cháu được chẩn đoán mắc u thân não, nhưng không thể điều trị được, kể cả gia đình tôi đã đưa cháu sang Singapore, bác sĩ cho cháu về theo dõi. Hai năm qua tôi cho cháu dùng các thuốc y học cổ truyền như nấm lim xanh, tam thất, hiện u của cháu không phát triển thêm. Bác sĩ cho tôi hỏi có loại thảo dược nào chữa căn bệnh này hiệu quả hay không?

TS. Phùng Tuấn Giang:Tôi xin chia sẻ với gia đình bạn vì cháu bị bệnh hiểm nghèo như vậy. Có 3 loại u não: u màng não, u thân não và u thần kinh. Thông thường u màng sẽ phẫu thuật, còn u thân não và u thần kinh sẽ rủi ro lớn, thậm chí nhiều vị trí không thể phẫu thuật.

Theo YHCT u não thường do thiếu máu não, rối loạn vận mạch đưa máu lên não gây ra. Khi thiếu máu não, một phần của não bị sa mạc hóa nhường chỗ cho vùng khác phát triển. Các phương pháp điều trị hiện nay của YHCT rất tốt như xả độc khí huyết, đưa máu lên não, tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch cho người bệnh, kết hợp với phương pháp châm cứu có thể đưa máu lên não toàn diện. Cần có chế độ ăn uống đúng, có 2 tiêu chí kiềm hóa cơ thể, trong thức ăn cần nitrit oxit (NO) giúp tái tạo mạch máu, dẫn máu lên nuôi não, chúng tôi đã kiểm soát và chữa thành công bằng YHCT.

Con bạn hiện dùng nấm lim xanh và tam thất, nó có tác dụng tăng miễn dịch, hoạt huyết hóa ứ, kiểm soát tế bào lạ, khối bất thường. Nên phối hợp với các sản phẩm khác như sâm ngọc linh, bạch hoa xà thach thảo bán liên chi, nhưng đây chỉ là những phương pháp hỗ trợ. Bạn cần đưa cháu đến các phòng khám chuyên khoa để điều trị bệnh toàn diện và tư vấn tích cực.

MC: Theo Y học cổ truyền nguyên nhân nào gây ra bệnh tật của con người thưa ông?

TS. Phùng Tuấn Giang: Việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh của YHCT rất khó. Theo YHCT có 3 nguyên nhân gây bệnh là:

- Ngoại nhân: là nguyên nhân từ bên ngoài, là điều kiện khí hậu, địa lý ảnh hưởng tới con người. Có 6 loại khí gây bệnh cho con người là phong hàn thử thấp táo hỏa ... Khi các rối loạn tạng phủ trong cơ thể do từ bên ngoài hay khí từ bên trong trở thành các ôn bệnh hay dịch bệnh.

-Nội nhân: Do hoàn cảnh sống của con người. Khi thay đổi hoàn cảnh sống dẫn tới rối loạn tạng phủ. Cơ thể mất thăng bằng, sinh ra bệnh lý. Có 7 loại như hỉ nộ ưu tư bi khủng kinh, gọi là thất tình.

- Nguyên nhân do bất nội ngoại nhân như lao lực, côn trùng cắn, bị ngã...

MC: Khi mắc bệnh, y học cổ truyền không chỉ chú trọng điều trị bằng các loại thảo dược tự nhiên mà còn khuyên người bệnh cần ăn uống, cân bằng âm dương theo mặt bệnh, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Khi chúng ta bị bệnh, chế độ ăn uống vô cùng quan trọng. Nhiều loại bệnh có thể chữa được bằng ăn uống. Trong nhân dân chúng ta, khi trong gia đình có người bị cảm cúm, bị ốm, chỉ cần 1 tô cháo nóng có ít tía tô và hành cũng trở thành phương thuốc chữa bệnh hiệu quả. Chúng ta hoàn toàn có thể chữa bệnh bằng ăn uống.

Nếu ăn không đúng có thể gây bệnh. Nếu ăn uống đúng có thể phòng bệnh. Nhất là những bệnh do rối loạn chuyển hoá. Đặc biệt là những bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, cao huyết áp hay suy thận, chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng và trị bệnh. Nếu chỉ chú trọng thuốc mà không chú trọng chế độ ăn uống thì không thể khỏi bệnh đối với các bệnh tiểu đường hay cao huyết áp.

Biết được vai trò quan trọng của dinh dưỡng, Bộ Y tế đã khôi phục lại khoa dinh dưỡng tại các bệnh viện. Nếu như bằng chế độ ăn uống, đôi khi chúng ta không cần phải tiêm truyền mà vẫn phòng bệnh và hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

MC: Theo quan niệm của y học cổ truyền, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật xuất phát từ con đường ăn uống của chính bản thân người bệnh, thưa Ths BS Lê Thị Hải, xin bà cho biết, bệnh từ đường ăn uống gây ra có thể ảnh hưởng tới các cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Chế độ ăn uống không đúng có thể gây ra nhiều bệnh. Dân gian có câu: 'Bệnh từ miệng mà vào, vạ từ miệng mà ra'. Vấn đề quan tâm bây giờ là vệ sinh an toàn thực phẩm: thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực phẩm, các hóa chất độc hại trong thực phẩm... dẫn đến ngộ độc thực phẩm và gây bệnh lâu dài. Một trong những bệnh chúng ta lo sợ là bệnh ung thư, 40% nguyên nhân cũng từ đường ăn uống mà ra.

Trong chế độ dinh dưỡng, chúng ta phải ăn uống cân bằng, đầy đủ. Khi còn bé, các bé ăn uống thiếu chất có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu máu. Tuy nhiên, ăn uống thừa mứa có thể gây ra béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa. Béo phì hay thừa chất gây ra rối loạn chuyển hóa không lây: rối loạn mỡ máu, tiểu đường....

Như vậy, ăn uống có thể phòng ngừa được bệnh và chữa được bệnh.

MC: Thưa quý vị và các bạn, cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đang góp phần không nhỏ vào việc cứu sống rất nhiều người bệnh. Vậy thưa TS. Trần Thái Hà, xin ông cho biết số người tìm đến các phương pháp chữa bệnh bằng YHCT ở Bệnh viện YHCT Trung ương hiện nay ra sao, họ thường tìm đến để điều trị các căn bệnh gì?

TS. BS. Trần Thái Hà: Y học cổ truyền chữa được nhiều bệnh nhưng nhiều người dân vẫn chưa hiểu là YHCT chữa được những bệnh gì. Bệnh viện YHCT TW là bệnh viện đầu tuyến về kết hợp YHCT với y học hiện đại để điều trị bệnh. Hàng ngày tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân điều trị nội trú và khoảng 500-600 bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân đến điều trị cũng rất nhiều mặt bệnh, thường là các bệnh lý về cơ – xương- khớp, thần kinh, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục, nam học, phụ khoa... Bệnh viện có 13 khoa lâm sàng điều trị chuyên sâu. Phổ quát điều trị bệnh bằng YHCT rất rộng và người dân cần tìm hiểu rõ việc điều trị bằng YHCT.

MC: Thưa TS Phùng Tuấn Giang, xin ông cho biết sự giống và khác nhau trong việc điều trị bệnh bằng y học hiện đại và y học cổ truyền?

TS. Phùng Tuấn Giang: Điểm giống nhau giữa y học hiện đại và y học cổ truyền là cả 2 nền y học đều có mục tiêu chung, đều vì người bệnh. Chúng có thể điều trị nguyên nhân, triệu chứng, dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, tư vấn về ăn uống, lối sống.

Sự khác nhau giữa 2 nền y học là: Y học hiện đại là nền y học thực chứng, thực nghiệm hiện đại.  Y học cổ truyền dựa vào tri thức bản địa, kinh nghiệm dân gian, Âm dương ngũ hành, Thiên nhân hợp nhất.

Chẩn đoán YHHĐ dựa vào nghe gõ, nhìn sờ, chẩn đoán cận lâm sàng, y học cổ truyền dựa vào vọng, văn, vấn, thiết, diện chẩn.

Hiện nay như một số bệnh viện kết hợp YHCT và YHHĐ, đưa vào các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng để nâng cao chất lượng điều trị. YHHĐ trọng bệnh, coi bệnh là trung tâm, khi có bệnh lý điều trị đại trà, toàn diện. YHCT trọng chứng, coi chứng hậu là biện chứng để chẩn đoán. Ví dụ như trọng chứng, như trong bệnh táo bón có thể do hàn ngưng hoặc nhiệt kết. Mục tiêu của YHCT lấy con người là trung tâm, Nhân thân vi tiểu thiên địa. Khi nhân cường thì tật nhược . YHHĐ lấy phương pháp đối kháng làm phương pháp của mình như kháng sinh, tiêu diệt virus, hóa trị, xạ trị. YHCT chọn phương pháp hóa giải. Con người là một bộ mát hoàn thiện, có thể tự điều chỉnh âm dương, có thể tự chữa bệnh. Khi mất cân bằng khả năng tự điều chỉnh mất đi. Đây là phương pháp đặc biệt của YHCT.

Các phương pháp dùng thuốc: YHHĐ sử dụng chất từ thiên nhiên, hoặc tổng hợp, bán tổng hợp. Còn YHCT chọn chất từ thiên nhiên, động vật hoặc khoáng vật. Nhiều nhà khoa học hiện đã đưa máy móc khoa học vào tăng sinh khả dụng các sản phẩm YHCT để người dân dễ dàng sử dụng.

Về công tác phòng bệnh YHHĐ coi trọng hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên. YHCT trị vị bệnh, tức là chữa bệnh từ lúc bệnh chưa phát, YHCT rất đề cao điều này, có 1 câu của y tổ 'Bế kinh dưỡng khí ...'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!