Tư vấn trực tiếp: Điều trị tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ

Nuôi dạy con - 04/28/2024

Tim bẩm sinh là một căn bệnh nguy hiểm, trẻ cần được phát hiện và chữa trị kịp thời để có cuộc sống khỏe mạnh.

Chương trình tư vấn với sự tham gia của 2 bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch: PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, PGĐ Trung tâm tim mạch BV Đại học Y Hà Nội; ThS. BS. Trần Đắc Đại, Phó khoa Tim nhi, Trung tâm Tim mạch BV E Hà Nội. Hai chuyên gia sẽ trực tiếp giải đáp những câu hỏi của độc giả.

Điều trị tim bẩm sinh (P1)

MC: Thưa ThS.BS Trần Đắc Đại, trong quá trình công tác tại Trung tâm tim mạch bệnh viện E, chắc chắn ông đã gặp và điều trị cho rất nhiều trường hợp trẻ em bị TBS, đặc biệt, ông và đoàn bác sĩ của bệnh viện E còn có những chuyến khám nhân đạo cho các bệnh nhân nhi tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Ông có thể chia sẻ 1 kỷ niệm đáng nhớ được không ạ?

ThS.BS Trần Đắc Đại: Hầu như tôi đều có kỳ niệm khi khám tại vùng sâu vùng xa. Những bệnh như chảy mũi xanh, ghẻ lở hiếm thấy ở Hà Nội nhưng trên đó rất nhiều. Ngoài ra còn bị TBS. Đó là chưa kể điều kiện sinh hoạt khó khăn. Kỉ niệm của tôi chủ yếu là thăm khám cho các trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa, các cháu quá khó khăn, không có điều kiện phát hiện bệnh sớm. Có một em bé ở Bắc Kạn, tím ngắt cả người, được đưa về Hà Nội chẩn đoán tĩnh mạch chủ lạc chỗ hoàn toàn. Sau mổ, bé rất khỏe, trở lại đi học như bao bạn khác. Đó là sự thay đổi cực kỳ lớn trong cuộc sống của cháu.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cách đây 7 năm, tôi có mổ cho một bé gái. Tôi tưởng rằng cháu sẽ không qua khỏi. Nhưng cháu rất quyết tâm. Giờ cháu cũng lớn lắm rồi và đang theo học ngành dược để trở thành dược sĩ.

TieuLi: Xin kính chào các chuyên gia! Em năm nay 29 tuổi, đang mang thai con đầu được 31 tuần. Kết quả siêu âm 3D tuần 31: Tim 4 buồng: Bình thường, Thông liên thất: 4,6mm. Các chỉ số động mạch chủ, động mạch phổi, phổi 2 bên: đều bình thường. Thai 31 tuần tương đương 29 tuần. Qua thăm khám phát hiện tử cung đôi, 2 tử cung riêng biệt gần bằng nhau. Đã tiêm phòng mũi tổng hợp rubella- sởi- quai bị và thủy đậu từ tháng 1/2013 Trong 3 tháng đầu mang thai không bị ốm sốt, sức khỏe tốt, gia đình 2 bên không ai bị bệnh về tim. Tuần 16 thai kì bị sốt nhẹ 37,8 độ trong 2 ngày và viêm họng. Kết quả khám thai siêu âm 3D-4D tại cùng 1 bệnh viện tuần 16, 22, 26 cho kết quả bình thường. Xin các chuyên gia tư vấn giúp em: Trường hợp thông liên thất của thai nhi có ảnh hưởng gì không? Có thể tự bít lỗ thông được không? Tại sao các tuần thai trước đều bình thường mà tới tuần 31 lại bị như vậy ạ? Trường hợp của em cần xử lý như thế nào ạ? Xin chân thành cảm ơn các chuyên gia!

ThS.BS Trần Đắc Đại: Bệnh thông liên thất có thể chữa khỏi, và khỏi hoàn toàn. Các giai đoạn siêu âm có thể cho kết quả khác nhau nhưng con của bạn có thể không bị dị tật gì vì siêu âm trong thời kì bào thai có những khó khăn nhất định. Ngoài ra, một số nơi, một số loại máy siêu âm có độ phân giải thấp thì việc thể hiện hình ảnh chưa được cụ thể. Tuy nhiên đây là những biểu hiện hoặc bệnh lành tính, bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Chỉ cần lưu ý việc tử cung đôi, có thể gây kích thích đẻ non.

Nguyễn Minh: Xin chào bác sĩ! Trong thời gian vợ em mang thai khi đến bệnh viện tiến hành siêu âm ở tuần thứ 20 thì có kết luận là 'tim thai có nốt echo đường kính 3.1mm', đến tuần thứ 28 khi đi siêu âm lại thì đường kính nốt echo giảm xuống chỉ còn 2.2mm. Bác sĩ thăm khám bảo trường hợp này thường gặp ở thai nhi và không ảnh hưởng gì. Khi trao đổi với những người bạn cũng đang mang thai thì được biết em bé của họ cũng gặp phải trường hợp trên. Vậy xin bác sĩ cho biết là nguyên nhân vì sao và điều này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển sau này của bé không? Liệu có phương pháp nào để phòng ngừa hay không? Em xin cảm ơn.

Điều trị tim bẩm sinh (P2)

ThS.BS Trần Đắc Đại: Thắc mắc này chứng tỏ bạn rất quan tâm đến em bé. Bạn yên tâm nó không ảnh hưởng đến con của bạn. Khi tim hình thành, mô tổ chức sẽ biến mất. Nốt này có thể là nốt tăng âm, bạn không phải quá lo lắng. Bệnh tim bẩm sinh gặp đúng bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn sâu, với các bệnh tim bẩm sinh không ảnh hưởng gì sẽ không kết luận để bệnh nhân không quá lo lắng, vì những dấu hiệu này sẽ tự khỏi.

Hương Ly với nội dung như sau: Thưa bác sĩ! Tôi 33 tuổi đang mang thai ở tuần thứ 29. Lúc 22 tuần tôi được siêu âm và chẩn đoán tim thai có nốt cản quang ở tâm thất trái và tồn tại tĩnh mạch rốn phải. Bác sĩ sản có chuyển tôi sang viện tim để kiểm tra. Tôi được bác sĩ thông báo cấu trúc tim của bé đầy đủ, không có gì bất thường. Tôi mong bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi tĩnh mạch rốn phải đó sau khi sinh ra sẽ xử lý như thế nào hay nó sẽ tự rụng mà không cần can thiệp. Xin cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Lời khuyên cho chị em khi đi khám bệnh, chỉ nên nhìn câu cuối cùng ở kết quả. Nếu bác sĩ kết luận 'bình thường', chị em không cần quá quan tâm về các thuật ngữ chuyên khoa.

Tú Trinh: Thưa bác sĩ, bé nhà em sinh được 3kg, mắc bệnh down và bệnh tim. Nay đã được 10 tháng và nặng 6kg. Siêu âm kết luận kênh nhĩ thất toàn phần và áp động mạch phổi nặng. Kênh nhĩ thất toàn phần avc 21 mm, thông liên nhĩ lỗ nguyên phát asd 13 mm. Thông liên thất phần buồng nhận vsd 8 mm. Van nhĩ thất chung, hở van nhĩ thất 1.5/4, tăng áp động mạch phổi nặng 108mmhg, không tràn dịch màng ngoài tim. Như vậy bé cần mổ sớm không? Bé có được mua bảo hiểm, nếu mổ thì cần bao nhiêu tiền? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Đắc Đại: Với đứa trẻ bị down, bạn hãy đặt con mình vào hoàn cảnh bị down bẩm sinh. Kênh nhĩ thất toàn phần là bệnh nặng, cháu khó có một trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên tâm lý bố mẹ dù con mình bị bệnh gì cũng phải chữa. Trường hợp của cháu là nặng, nên bạn cần đưa cháu đến cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật để được bác sĩ chuyên môn tư vấn kĩ càng hơn (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng). Áp lực động mạch phổi theo thông tin bạn cung cấp thì cần xem xét phổi của cháu đã bị hỏng hay chưa. Về kinh phí mổ thì Nhà nước có chính sách cho trẻ dưới 6 tuổi, phần lớn BHYT sẽ chi trả, còn gia đình chi trả nhiều khoản liên quan đến phẫu thuật. Bạn có thể liên hệ chương trình Trái tim cho em để được hỗ trợ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!