Sinh nở là một quá trình đặc biệt, đáng nhớ nhưng không kém phần khó khăn, nguy hiểm. Thời gian của mỗi ca sinh nở khác nhau tùy thuộc vào thể trạng của người mẹ và nhiều yếu tố khác, đồng thời không một chuyên gia sản phụ khoa hay ứng dụng công nghệ cao nào có thể đoán trước được diễn biến cụ thể của một ca sinh nở bất kỳ.
Một ca sinh nở thông thường thường trải qua ba giai đoạn chính:
Clip mô phỏng ba giai đoạn của quá trình sinh nở tự nhiên:
Quá trình sinh nở trải qua ba giai đoạn, bắt đầu từ khi các dấu hiệu chuyển dạ xuất hiện đến khi trẻ chào đời và người mẹ sổ nhau thai.
1. Giai đoạn đầu tiên: chuyển dạ
Giai đoạn này diễn ra trong thời gian lâu nhất và bao gồm ba kỳ:
Kỳ chuyển dạ sớm: Diễn ra từ khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở đến 3cm.
Kỳ chuyển dạ sớm thường kéo dài khoảng từ 8-12 giờ đồng hồ. Cổ tử cung của người mẹ sẽ mềm đi, ngắn lại và mỏng hơn, đồng thời mở rộng đến 3cm. Các cơn co thắt diễn ra từ 30-45 giây với cường độ mạnh hơn, tần suất dày đặc hơn, trong thời gian lâu hơn theo một chu kỳ nhất định, từ khoảng 5-30 phút.
Các cơn co thắt khiến mẹ bầu cảm nhận được cơn đau ở vùng lưng dưới như đau bụng kinh và vùng xương chậu như bị siết chặt. Vỡ ối có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn đầu tiên này.
Kỳ chuyển dạ sớm của giai đoạn đầu tiên trong quá trình sinh nở.
Nếu thai kỳ được từ 37 đến 40 tuần, mẹ bầu có thể yên tâm chờ đợi các dấu hiệu chuyển dạ xuất hiện. Tuy nhiên, nếu thai kỳ chưa được 37 tuần nhưng mẹ bầu vẫn cảm nhận được các cơn co thắt hay các dấu hiệu chuyển dạ khác, không được đợi diễn tiến của các cơn co thắt mà hãy liên hệ ngay với bác sỹ để xác định nguy cơ phải sinh non của thai nhi.
Trong kỳ chuyển dạ sớm, mẹ bầu nên cố gắng thư giãn ở nhà, không cần ngay lập tức đến bệnh viện.
Kỳ chuyển dạ tích cực: Từ 3cm, cổ tử cung tiếp tục mở đến 7cm
Kỳ chuyển dạ tích cực thường diễn ra từ 3-5 giờ đồng hồ. Cổ tử cung mở rộng từ 4-7cm. Các cơn co thắt kéo dài từ 45-60 giây và cách nhau từ 3-5 phút với cường độ mạnh dần.
Kỳ chuyển dạ tích cực của giai đoạn đầu tiên trong quá trình sinh nở.
Đây thường là thời điểm phù hợp để mẹ bầu đến bệnh viện. Các cơn co thắt xuất hiện đặc biệt mạnh hơn, lâu hơn và gần nhau hơn. Quan trọng nhất, mẹ bầu cần nhận được sự trợ giúp tích cực trong giai đoạn này. Kỳ chuyển dạ tích cực cũng là thời gian mẹ bầu nên bắt đầu các kỹ thuật thở và thực hiện một vài bài tập thư giãn giữa các cơn co thắt.
Đồng thời, mẹ bầu cũng nên thay đổi tư thế thường xuyên trong thời kỳ này. Hãy cố đi lại hoặc tắm rửa bằng nước ấm, tiếp tục uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên.
Kỳ chuyển dạ chuyển tiếp: Từ 7cm, cổ tử cung mở hoàn toàn đến 10cm
Kỳ chuyển dạ này kéo dài từ 30 phút – 2 giờ đồng hồ. Cổ tử cung mở rộng từ 8-10cm. Các cơn co thắt diễn ra từ 60-90 giây và cách nhau từ 30 giây – 2 phút trong thời gian lâu hơn, với cường độ mạnh hơn và có thể chồng chéo lên nhau. Đây thời điểm khó khăn nhất nhưng diễn ra ngắn nhất. Mẹ bầu có thể bị nóng bừng, lạnh cóng, buồn nôn, ói mửa hoặc xì hơi. Trong thời kỳ này, mẹ bầu sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của người khác. Nếu muốn 'rặn', đừng ngần ngại nói với bác sỹ.
2. Giai đoạn thứ hai: sinh nở
Giai đoạn này có thể kéo dài từ 20 phút đến 2 giờ đồng hồ. Các cơn co thắt sẽ diễn ra từ 45-90 giây và cách nhau từ 3-5 phút. Mẹ bầu có cảm giác mạnh muốn 'rặn', cảm nhận được lực ép lớn ở vùng trực tràng, có thể bị són tiểu hoặc són phân. Khi đầu thai nhi lấp ló ở cửa âm đạo, mẹ bầu có thể thấy nhức nhối.
Đầu thai nhi đóng vai trò "mở đường" ra ngoài trong giai đoạn thứ hai của quá trình sinh nở.
Khi cổ tử cung người mẹ đã mở hoàn toàn, đầu của thai nhi sẽ mở đường ra ngoài, trong khi đó đầu và thân thai nhi bắt đầu xoay lại để úp vào lưng người mẹ khi thai nhi xuống đến âm đạo. Sau đó, đầu thai nhi sẽ xuất hiện ở cửa âm đạo. Khi đầu đã ra ngoài, đầu và vai thai nhi sẽ xoay lại lần nữa để ngửa lên trên, giúp thai nhi dễ dàng 'trượt' ra ngoài.
3. Giai đoạn thứ ba: sổ nhau thai
Giai đoạn này diễn ra trong thời gian ngắn nhất, có thể kéo dài từ 5-30 phút nhưng phổ biến nhất là trong vòng 10 phút ngay sau khi trẻ chào đời.
Nhau thai của người mẹ ở giai đoạn cuối cùng của quá trình sinh nở.
Sau khi trẻ chào đời, các cơn co thắt nhẹ sẽ xuất hiện ở tử cung. Đó là dấu hiệu cho thấy nhau thai của người mẹ đang tách khỏi thành tử cung và chuẩn bị sổ ra ngoài. Bác sỹ, hộ sinh có thể sẽ thực hiện một vài động tác mát-xa để tạo áp lực lên tử cung của người mẹ và dây rốn có thể bị kéo dãn nhẹ. Nhờ đó, rau thai được sổ ra ngoài và người mẹ đến giai đoạn sau sinh.
Nguồn: Pregnancy
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!