Ung thư cổ tử cung: Cứ 2 phút có 1 phụ nữ chết vì bệnh này

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư trong đó khối u ác tính được tìm thấy ở thành tử cung của người phụ nữ.

GS Nguyễn Bá Đức – Nguyên GĐ BV K trung ương khuyên chị em phụ nữ đã quan hệ tình dục từ 3 năm trở lên phải thường xuyên tiến hành các biện pháp tầm soát ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung: Cứ 2 phút có 1 phụ nữ chết vì bệnh này

Phẫu thuật ung thư cổ tử cung (Ảnh minh họa)

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư trong đó khối u ác tính được tìm thấy ở thành tử cung của người phụ nữ. Đây là một trong những căn bệnh có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở phụ nữ cần được cảnh báo.

Trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 530.232 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung được chẩn đoán, chiếm 8.8% các trường hợp ung thư ở phụ nữ, và khoảng 275.008 phụ nữ (51.9%) chết vì ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng trên 5.000 trường hợp mắc mới và trên 2.000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung.

Theo ThS. BS Lê Quang Thanh, GĐ Bệnh viện Từ Dũ, trên thế giới, cứ 2 phút lại có 1 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong.

Ung thư cổ tử cung: Cứ 2 phút có 1 phụ nữ chết vì bệnh này

Hình ảnh khối u trong cổ tử cung (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Theo PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương, hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung là do người bệnh nhiễm virus HPV, loại virus này có mặt ở 99% trường hợp người bệnh mắc ung thư cổ tử cung. Trong hơn 100 type HPV có 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này, trong đó có 2 type nguy cơ cao và độc nhất là type 16 và type 18.

Ung thư cổ tử cung: Các giai đoạn. (Việt hóa bởi SongKhoe.vn).

Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển ung thư cổ tử cung như:

- Phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người

- Dùng thuốc tránh thai kéo dài

- Sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần)

- Hút thuốc lá

- Tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)…

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà diễn tiến âm thầm trong thời gian trung bình từ 10 - 15 năm qua các giai đoạn: nhiễm HPV, biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, tổn thương tiền ung thư, ung thư.

Giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì nên nếu chị em không đi khám phụ khoa thì không thể biết mình mắc bệnh. Bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này chị em có thể phát hiện phần phụ của mình xuất hiện các dấu hiệu như: huyết trắng có mùi hôi, chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, sau khi làm việc nặng mà không phải đang trong kỳ kinh nguyệt.

Dấu hiệu nặng hơn nữa là chị em thấy có chảy dịch lẫn máu ở vùng âm đạo kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân.

PGS.TS Vũ Bá Quyết đặc biệt nhấn mạnh dấu hiệu chảy máu sau giao hợp. Ông lưu ý chị em phụ nữ nếu thấy có triệu chứng này và dù triệu chứng này chỉ xuất hiện 1 lần thì cũng phải đi khám ngay vì tổn thương có thể tiến triển trong thời gian dài mà không gây chảy máu.

Làm gì để tầm soát ung thư cổ tử cung?

Theo ThS. BS Lê Quang Thanh, một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ người mắc ung thư cổ tử cung cao là do số người tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn rất thấp, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ở phụ nữ vẫn còn hạn chế do thiếu những chương trình tuyên truyền giáo dục.

Chính vì thế, việc tầm soát định kỳ đối với căn bệnh này là rất cần thiết. GS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc BV K trung ương khuyên tất cả các chị em phụ nữ đã quan hệ tình dục từ 3 năm trở lên thì phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra định kỳ để phát hiện căn bệnh này sớm nhất.

GS Nguyễn Bá Đức cho biết, việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ cho bao gồm các biện pháp sau đây:

- Khám phụ khoa: Bao gồm kiểm tra cổ tử cung và các cơ quan khác trong vùng khung chậu. Việc thăm khám này dựa trên những quan sát, kiểm tra bằng tay vào bên trong kết hợp với nắm vùng bụng dưới, khám hạch bạch huyết vùng hạch bẹn, lấy tế bào âm đại làm xét nghiệm.

- Xét nghiệm tế bào âm đạo học (xét nghiệm PAP): Phương pháp này là lấy tế bào trên bề mặt cổ tử cung và âm đạo và soi dưới dưới kính hiển vi, Đây là phương pháp phát hiện những biến đổi của tế bào, cho kết quả khá chính xác.

- Xét nghiệm axit axetic (Nghiệm pháp axit axetic, gọi tắt là VIA): Là nghiệm pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch axit axetic 3 – 5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện bất thường bao gồm các tổn thương tiền ung thư. Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, tương đối chính xác, có hiệu quả ca để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

- Nghiệm pháp Lugol: Là nghiệm pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch lugol 5% và quan sát bằng mắt thường. Đây cũng là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, có hiệu quả.

- Soi cổ tử cung: Sử dụng máy soi phóng đại hình ảnh cổ tử cung từ 2 đến 25 lần để quan sát tổn thương dễ dàng.

Có thể soi cổ tử cung kết hợp chấm axit axetic hoặc dung dịch lugol nói trên. Soi cổ tử cung khi các xét nghiệm nói trên bất thương hoặc nghi ngờ bất thường.

>> Xem thêm: Ung thư cổ tử cung và những quan niệm sai lầm

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!