Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư phổ biến thứ tư đối với nữ giới nói chung và phổ biến thứ hai đối với những người phụ nữ 14-55 tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhận thức được điều đó, dẫn đến việc lơ là trong vấn đề phòng chống, điều trị bệnh để đến khi bệnh được phát hiện thì thường là đã ở những giai đoạn cuối, tỷ lệ điều trị chỉ còn là 50/50.
Để giúp bạn hiểu hơn về loại bệnh này, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của những người trong cuộc, người đang hàng ngày đối mặt với căn bệnh ung thư cổ tử cung qua bài viết dưới đây của Lily & WeCare.
Theo Trung tâm thông tin HVP nguyên nhân phổ biến gây ra ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus Human papillomavirus (HPV). Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm như: quan hệ tình dục sớm, không lành mạnh; tình trạng suy giảm miễn dịch, và các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Bệnh thường diễn biến âm thầm, làm biến đổi bất thường các tế bào cổ tử cung, gây ra tổn thương tiền ung thư đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10-15 năm.
Ung thư cổ tử cung thường có diễn biến âm thầm.
Nỗi đau của một người mẹ mắc ung thư cổ tử cung
Là một trường hợp đáng tiếc mắc ung thư cổ tử cung, Chị N.T.P (53 tuổi, Kiên Giang), có những tâm sự khiến cho chúng ta phải suy ngẫm và nhìn lại bản thân mình.
Hơn 3 năm trước, chị P được chuyển vội lên bệnh viện tuyến trên ở TP HCM để khám và ở đây chị được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Trước khi bệnh, chị bán trái cây trước cổng trường, cuộc sống không dư dã nhưng tạm đủ cho 2 vợ chồng và 4 đứa con. Giờ đây khi nằm viện, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người chồng của chị, cuộc sống khó khăn càng thêm khó khăn.
Nhớ lại những ngày đầu phát hiện bệnh chị P không khỏi nghẹn ngào, buồn bã - “Một lần, trong lúc quan hệ vợ chồng, tôi thấy đau và xuất huyết. Mấy ngày sau cơn đau càng lúc càng nặng. Đi khám ở bệnh viện huyện thì được chuyển lên tỉnh. Được vài ngày, tôi lại được chuyển lên bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn. Sau đó tôi được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung, chuyển viện sang bệnh viện Ung Bướu. Bác sĩ nói may mà phát hiện kịp để mổ, chứ không thì đã nguy hiểm đến tính mạng...”
Ung thư cổ tử cung là nỗi đau của nhiều người, kẻ chết vì bệnh người sống sót thì lao đao với con đường điều trị và gánh nặng kinh tế chẳng biết dựa vào ai. Với chị P hai lần nhập viện, mổ, rồi xạ trị và lần này là hóa trị, tài sản trong nhà trước kia vốn đã không có gì nay cũng lần lượt được bán đi để lo thuốc thang, chạy chữa mà vẫn còn mang thêm nợ vào người.
Ung thư cổ tử cung không phải là trường hợp của riêng ai
Không sai khi nói rằng, ung thư cổ tử cung không phải là trường hợp của riêng ai mà là một loại bệnh có thể mang nỗi đau đến bất kì người nào. Chỉ tính riêng năm 2012 trên thế giới có khoảng 14 triệu trường hợp ung thư nói chung được phát hiện mới và có đến 8,2 triệu ca tử vong ung thư. Trong đó, số lượng các ca tử vong chủ yếu là: ung thư phổi với 1,59 triệu ca, ung thư gan với 745 000 ca, ung thư dạ dày với 723 000 ca, ung thư đại trực tràng với 694 000 ca và ung thư vú với hơn 521 000ca và ung thư cổ tử cung với 493.000 ca.
Tại Việt Nam, cũng trong năm 2012, tổng số ca tử vong do ung thư là 91.600 ca, trong đó: số nam giới tử vong do ung thư là 58.200 ca và số nữ giới tử vong do ung thư là 33.400 ca. Trong đó với nữ giới theo BS Nguyễn Văn Trương ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến hàng thứ tư ở Việt Nam, sau ung thư vú, phổi và gan. Cũng theo số liệu năm 2012 cho thấy, mỗi năm nước ta có hơn 5.000 ca ung thư cổ tử cung được phát hiện. Đáng nói là bệnh thường được phát hiện khi đã ở những giai đoạn cuối, nên gần 50% số bệnh nhân ung thư cổ tử cung tại Việt Nam tử vong. Đến năm 2013 số liệu thống kê một lần nữa cho thấy, mỗi ngày, nước ta có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung và cứ khoảng 100.000 phụ nữ thì có đến 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung với 11 trường hợp tử vong.
Theo PGS.TS. Trịnh Hữu Vách, Giám đốc dự án hợp tác với Úc ung thư cổ tử cung tuy là có thể gây tử vong cao, đặc biệt ở giai đoạn muộn, song nếu như được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì vẫn có thể mang lại hiệu quả khỏi bệnh rất cao. Theo bác sĩ phát hiện bệnh ở giai đoạn 0 và điều trị thì tỉ lệ sống 5 năm đến 100%, nhưng nếu phát hiện muộn hơn giai đoạn 4 thì điều trị tỉ lệ sống 5 năm chỉ có 5%. Đây chính là những con số biết nói, khiến người ta giật mình mà nghĩ đến sức khỏe của bản thân và cũng là hồi chuông cảnh báo cho sự thờ ở của những người cứ nghĩ rằng bệnh sẽ không tìm đến mình.
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân chính gây ra tình trạng người mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam ngày càng tăng cao và cao hơn rất nhiều tỷ lệ trung bình trên thế giới là do phụ nữ nước ta chưa được khám sàng lọc định kỳ, chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các bước xét nghiệm thích hợp và dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp.
Ngay cả khi những người phụ nữ đã được phát hiện các dấu hiệu tiền lâm sàng của các tổn thương do ung thư cổ tử cung, họ cũng chưa được điều trị một cách kịp thời, đúng cách. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn nước ta về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư còn hạn chế, tỷ lệ khám sàng lọc còn thấp và chủ yếu là khám thụ động, trong khi đó công tác tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam khiến cho việc kiểm soát và hạn chế bệnh còn nhiều khó khăn bất cập.
>>> Xem thêm: 14 người Việt mắc ung thư cổ tử cung mỗi ngày
Khám tầm soát, biện pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình bạn khỏi ung thư cổ tử cung
Theo bác sĩ, nếu phụ nữ được tầm soát ung thư cổ tử cung định kì trong năm thì mức độ phát triển ung thư chỉ có tỷ lệ là 0,7% và không tầm soát sẽ là 2,5%. Nếu đến hơn 10 năm không tầm soát thì nguy cơ ung thư cổ tử cung sẽ tăng lên gấp 12 lần. Do đó, quá trình khám sàng lọc ung thư cổ tử cung là rất quan trọng, những tầm soát này nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư để có hướng điều trị nhanh chóng và kịp thời hơn.
Cảnh báo và điều trị ung thư cổ tử cung
3 căn bệnh ung thư cơ quan sinh dục nam cực nguy hiểm
5 nguyên tắc khi dùng thuốc tại nhà
Phụ nữ cần biết 5 căn bệnh về cổ tử cung thường gặp này
3 chứng bệnh ung thư nguy hiểm nhất hiện nay
Với những người đã trải qua căn bệnh này như chị P, cái nghèo khiến chị không có chút hiểu biết gì về bệnh tật mình đang mắc phải. Trước kia chị thậm chí chưa từng nghe nói đến tên căn bệnh này. Nay khi phải nếm trải bao đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, chị đã hiểu rõ hơn về bệnh nên lại lo nghĩ đến con gái của mình. Dù biết ung thư cổ tử cung không phải là bệnh di truyền nhưng bệnh tật không trừ riêng ai, nỗi sợ ấy càng tăng thêm gấp bội với người mẹ đã đi qua những ngày điều trị căn bệnh này vì vậy chị cũng khuyên con mình đi kiểm tra và chích ngừa để không phải chịu cảnh như chị bây giờ.
Chị nói rằng: “Mấy lần con gái vào thăm, tôi có khuyên con đi kiểm tra và chích ngừa để phòng bệnh...Tôi ân hận vì ngày trước thiếu hiểu biết, không kiểm tra sức khỏe định kỳ để được phát hiện và điều trị kịp thời nên giờ làm khổ bản thân, khổ chồng, khổ con. Bằng mọi giá, tôi phải khỏe rồi cho con gái chích ngừa, để đời nó không khổ như mẹ.”
Ung thư cổ tử cung và những điều phía sau người bệnh mà không phải ai cũng biết và cũng hiểu. Đấy không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần và nỗi lo sợ vô hình về một cái chết cận kề mà người bệnh không làm gì được. Qua bài viết trên hi vọng bạn đọc đã hiểu hơn về căn bệnh này, về nguy cơ mà chính bạn cũng đang mắc phải từ đó có quyết định đúng đắn hơn trong việc kiểm tra, tầm soát sức khỏe cho chính mình và người thân.
>>> Xem thêm: Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!