Ươm tài năng âm nhạc cho bé khi còn trong bụng mẹ

Làm mẹ - 11/24/2024

Trẻ yêu thích và tham gia vào hoạt động âm nhạc như hát hay chơi nhạc cụ sẽ học tốt các môn học trên lớp.

Âm nhạc là một điều kỳ diệu của cuộc sống. Ngay cả với những người không thường xuyên hoặc không thích nghe nhạc thì họ cũng vẫn có một vài bài hát, bản nhạc yêu thích. Trẻ nhỏ thường thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn trước mỗi giai điệu. Âm nhạc có vai trò tích cực với sự phát triển tư duy và hình thành tính cách của trẻ. Dạy trẻ yêu âm nhạc hoặc chơi một loại nhạc cụ nào đó là điều mà các bậc phụ huynh nên làm.

1. Vai trò của âm nhạc với sự phát triển của trẻ

Trẻ gắn bó với âm nhạc, như hay hát hoặc biết chơi nhạc cụ, thường sẽ thông minh hơn, học tốt hơn. Theo một nghiên cứu tâm lý học chỉ ra có mối liên hệ giữa trình độ âm nhạc và tư duy logic. Vì vậy không có gì ngạc nhiên nếu trẻ yêu thích âm nhạc lại có năng khiếu, yêu thích hơn với các môn khoa học tự nhiên.

Ươm tài năng âm nhạc cho bé khi còn trong bụng mẹ

Ngay từ nhỏ, trẻ đã luôn tỏ ra thích thú với các bài hát và nhạc cụ

Trẻ sẽ tự tin hơn nếu được học về nhạc. Ví dụ hát hay chơi nhạc cụ, trẻ sẽ phải có cả kỹ năng biểu diễn trước đám đông. Điều này cũng tạo tiền đề để hình thành khả năng giao tiếp, diễn giải, trình bày, thuyết trình cho trẻ sau này.

Âm nhạc còn giúp trẻ yêu thích vận động, các hoạt động ngoài trời bởi nhịp điệu của âm nhạc giúp trẻ có thói quen hình thành phản xạ, phối hợp và điều khiển cơ thể. Trẻ phát triển thể chất và có sức đề kháng tốt hơn.

Những người yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc và hội họa, thường có đời sống tâm hồn phong phú, sống nội tâm, tình cảm. Nếu bạn muốn con mình sẽ trở thành một người biết yêu thương, chia sẻ thì đừng nên bỏ qua việc cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc.

2. Khi nào cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc?

Theo nhiều lời khuyên, các bà bầu thường nghe nhạc để tác động đến sự phát triển trí não của thai nhi với mong muốn con mình sau này sẽ thông mình hơn. Trẻ có thể cảm nhận âm nhạc, lời nói ngay từ trong bụng mẹ. Trẻ sơ sinh được vài ngày cũng đã biết phản xạ với bài hát, bản nhạc, cũng có ‘bài tủ’ của mình.

Một nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ tiếp xúc với âm nhạc sớm thì khả năng ngôn ngữ sẽ tốt hơn. Tức là trẻ nhanh biết nói và sử dụng từ ngữ chính xác, linh hoạt hơn so với những trẻ không thường xuyên nghe nhạc. Điều này tạo thuận lợi khi trẻ đến tuổi đi học và học chữ.

Như vậy, cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc càng sớm càng tốt. Bởi ở bất kỳ thời điểm nào, từ khi còn là thai nhi đến khi trưởng thành, âm nhạc cũng có những lợi ích với trẻ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần phải lưu ý để  trẻ cảm thấy thích thú với môn nghệ thuâtnày.

3. Những lưu ý cần thiết

Tùy vào độ tuổi của trẻ để nghe những loại nhạc thích hợp. Tốt nhất là cho trẻ nghe những bài nhạc có giai điệu vui tươi, trong sáng hoặc dịu dàng, êm ái. Tuyệt đối tránh để trẻ nghe những giai điệu buồn, ảm đạm, hoặc giai điệu quá mạnh mẽ, lời lẽ mang những trạng thái tiêu cực. Bởi điều này cũng sẽ tác động đến tính cách, con người của trẻ sau này.

Trẻ càng nhỏ thì càng phải chú ý đến âm lượng và thời gian nghe. Âm thanh quá to trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thính giác và tâm lý tiếp nhận của trẻ.

Ươm tài năng âm nhạc cho bé khi còn trong bụng mẹ

Đừng kỳ vọng trẻ phải trở thành một tài năng, chỉ cần trẻ yêu thích âm nhạc là được

Tạo thói quen cho trẻ về những bài nhạc quen thuộc để trẻ cảm thấy thích thú mỗi khi nghe đến. Việc để ý những bài hát trẻ yêu thích có thể phán đoán phần nào tính cách của trẻ sau này.

Bố mẹ hãy cùng tham gia ‘thưởng thức’ các buổi nhạc với trẻ. Khi chưa biết nói, trẻ sẽ thích được nghe người lớn hát. Trong lúc bố mẹ hát, hãy dạy con nhún nhảy, vỗ tay, múa theo lời bài hát. Cách này vừa như một trò chơi trẻ sẽ rất thích, vừa dạy trẻ các vận động linh hoạt và ghi nhớ giai điệu bài hát.

Tập thể dục với nhạc cũng là một cách hay. Trẻ sẽ yêu thích tập thể dục mỗi sáng, mỗi tối, cơ thể khỏe mạnh hơn.

4. Phát triển tài năng âm nhạc của trẻ

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh chịu khó 'đầu tư' cho con mình để phát triển tài năng nghệ thuật. Nhưng những bước đầu tiên luôn khiến các ông bố bà mẹ cảm thấy khó khăn khi lựa chọn thế nào để phù hợp với trẻ.

Điều đầu tiên bố mẹ phải chú ý đến là sở thích của trẻ. Nếu trẻ không thích thì dù ép buộc thế nào cũng chỉ khiến trẻ khó chịu. Vì vây, hãy quan sát trẻ trước khi quyết định cho trẻ tham gia học hát hay chơi nhạc cụ nào đó.

Một trong những cách để biết trẻ có thích âm nhạc không là cho trẻ đi xem các buổi biểu diễn nhạc hoặc đến câu lạc bộ, nhà văn hóa thiếu nhi xem các bạn nhỏ múa hát. Nếu trẻ tỏ ra thích thú, bố mẹ có thể hỏi trẻ có thích tham gia cùng các bạn không. Nếu thích trẻ sẽ đồng ý ngay, thậm chí còn đòi bố mẹ trước.

Từ khi trẻ 3 tuổi, có thể cho trẻ chơi các nhạc cụ đồ chơi. Bố mẹ hãy dạy cho trẻ loại nhạc cụ này chơi như thế nào, ví dụ pinao là bấm các nút, trống thì phải gõ, violin thì kéo dây… Không cần giải thích quá phức tạp hay phải hướng dẫn chính xác bởi chính bố mẹ cũng đâu biết chơi nhạc cụ và trẻ cũng chưa đủ tuổi để tiếp nhận. Khi trẻ lên 5-6 tuổi, hãy cho trẻ tiếp xúc với nhạc cụ thật. Ở tuổi này trẻ cũng biết sẽ thích và muốn chơi cái nào.

Nếu như trẻ có thể học hát từ khi biết nói thì học nhạc cụ nên để trẻ lớn hơn một chút, khi trẻ bắt đầu vào tiểu học. Hãy cho trẻ bắt đầu với những nhạc cụ đơn giản như piano, guitar, violin…

Đừng bao giờ tạo tâm lý cho trẻ rằng âm nhạc là một môn học, tạo áp lực sẽ khiến trẻ cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Âm nhạc sẽ là thứ giúp trẻ giải tỏa căng thẳng sau những giờ học. Có thể trẻ có năng khiếu hoặc không, nhưng âm nhạc luôn cần thiết để trẻ phát triển tốt nhất.

>> Xem thêm: Phát triển tư duy, sáng tạo của trẻ qua hội họa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!