Nước dừa được nhiều người ưa chuộng không chỉ bởi tính giải nhiệt của nó mà còn cung cấp nhiều chất khoáng có lợi cho cơ thể. Thế nhưng, uống nước dừa nhiều có tốt cho sức khỏe không?
Nhiều người cho rằng nước dừa vừa bổ dưỡng vừa vô trùng, không có hóa chất độc hại nên có thể dùng thường xuyên và lâu dài. Tuy nhiên, những trường hợp lạm dụng nước dừa sẽ đem lại kết quả không tốt cho sức khỏe. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý khi uống nước dừa.
Uống nước dừa khi đi nắng về dễ ngã bệnh
Tuy nước dừa thường được dùng để giải nhiệt, nhưng đây không phải là loại thức uống có thể giải khát sau khi đi nắng về.
Các triệu chứng thường gặp sau khi uống nước dừa trong trường hợp này là ớn lạnh, đầy bụng, phát sốt, thậm chí là sốt cao.
Nếu vội vã uống nước dừa sau khi vừa thi đấu thể thao hoặc lao động nặng ngoài trời thì chân tay của bạn có thể bủn rủn, giảm bớt sức dẻo dai và sự phản xạ nhanh nhẹn.
Nếu muốn giải khát bằng nước dừa, bạn cần ngồi nghỉ ngơi trước để cơ thể hồi phục lại năng lượng, sau đó mới uống nước dừa và không nên uống quá nhiều.
Nước dừa không tốt cho người dễ bị dị ứng
Một số người sẽ xảy ra phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với quả dừa. Do đó, bạn cần tránh sử dụng dừa cũng như các sản phẩm khác liên quan đến dừa như nước dừa tươi, nước cốt dừa, cơm dừa… nếu bạn dễ bị dị ứng.
Nước dừa có tính lợi tiểu
Nước dừa là một trong những loại đồ uống tốt cho thận vì chúng rất lợi tiểu. Nước dừa làm sạch đường tiết niệu và ngăn ngừa nguy cơ sỏi thận hiệu quả. Tuy nhiên, bạn sẽ phải liên tục ghé thăm toilet nếu như lỡ uống nhiều nước dừa.
Nước dừa có thể gây mất cân bằng điện giải
Nước dừa chứa nhiều dưỡng chất như kali và glucose, giúp bạn đảm bảo lượng nước ổn định trong cơ thể. Tuy nhiên, nước dừa thậm chí có thể gây tử vong nếu như người dùng tiêu thụ chúng quá mức. Nguyên nhân là do sau khi uống nhiều nước dừa, nồng độ kali trong máu sẽ đột ngột tăng cao, khiến cơ thể suy yếu, choáng váng và chỉ trong vài phút sau đó, bạn có thể sẽ mất dần ý thức và chìm vào hôn mê.
Nước dừa là một loại “thuốc nhuận tràng” tự nhiên
Tiêu thụ quá nhiều nước dừa có thể nguy hiểm cho đường ruột bởi vì nước dừa có tác dụng nhuận tràng. Do đó, bạn cần thận trọng trước khi uống nhiều nước dừa, đặc biệt đối với những người có vấn đề với nhu động ruột.
Nước dừa làm tăng lượng đường trong máu
Nước dừa dù không phải là thức uống có nhiều đường nhưng trong thành phần của nó có chứa carbohydrate và calo. Do đó, những người có lượng đường trong máu cao không nên dùng nước dừa thường xuyên để tránh những rủi ro về huyết áp và tim mạch.
Nước dừa không tốt cho những người có thể chất âm
Nước dừa chắc chắn sẽ không phù hợp với những người có thể chất âm, vì họ rất dễ bị nhiễm lạnh và mắc phải các bệnh như cảm cúm. Vì vậy, uống nước dừa có thể khiến cơ thể bị cảm lạnh thường xuyên hơn và làm sức khỏe yếu dần đi.
Nước dừa không tốt cho phụ nữ mang thai
Với các mẹ bầu trong 3 tháng đầu, các chuyển hóa cơ bản sẽ xảy ra mạnh mẽ và phức tạp. Tính hàn của nước dừa sẽ làm cho quá trình chuyển hóa cơ bản bị giảm đi, thậm chí dẫn đến tình trạng rối loạn về mặt chuyển hóa. Điều này gây nên những tác động xấu đối với bào thai trong giai đoạn đầu. Vì vậy, các mẹ bầu trong 3 tháng đầu tốt nhất không nên uống nước dừa.
Nước dừa uống vào buổi tối rất có hại
Buổi tối là thời điểm cơ thể con người đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi, nếu uống nước dừa vào thời điểm này sẽ dễ khiến cơ thể bị lạnh. Đặc biệt, nếu uống nước dừa ướp lạnh hoặc bỏ đá vào buổi tối sẽ làm người bạn dễ mắc bệnh, khiến gân cốt rã rời và cảm thấy đuối sức.
Thời điểm uống nước dừa thích hợp nhất là buổi sáng hoặc buổi trưa để cân bằng 2 yếu tố âm – dương trong cơ thể.
Nước dừa là loại thức uống tươi mát cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế uống quá nhiều nước dừa hay uống không đúng thời điểm để tránh những tác hại không mong muốn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Nước dừa và những sự thật thú vị ít người biết
- Điều gì xảy ra khi bạn uống nước dừa liên tục trong một tuần?
- Kinh ngạc với những công dụng “thần kì” của dầu dừa
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!