Vi phạm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ vẫn rất phổ biến

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta rất thấp, chỉ đạt 19,6%.

Hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta rất thấp, chỉ đạt 19,6%. Các chuyên gia cũng khuyến cáo thiệt hại từ tổn thương trí tuệ do không được bú mẹ đầy đủ tại Việt Nam là rất lớn...

Tại hội thảo phân tích tuân thủ và vi phạm Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo do Vụ Pháp chế- Bộ Y tế tổ chức ngày 5/7, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta rất thấp, chỉ đạt 19,6%.

Do đó, từ ngày 1-3-2015, Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã quy định nghiêm cấm hành vi quảng cáo, tiếp thị tất cả các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi.

Tuy nhiên, qua một nghiên cứu độc lập vừa thực hiện tại Hà Nội, vi phạm quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện vẫn rất phổ biến.

Cụ thể, qua khảo sát độc lập 814 phụ nữ, có đến 80% số phụ nữ cho biết họ vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con.

Ngoài ra, khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (chiếm 44,7%) có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý. 

Thậm chí, có gần 4% số phụ nữ mang thai hoặc sinh con cho biết họ được nhân viên y tế của các cơ sở y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy, có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ; nhân viên y tế ở 13 trong số 38 cơ sở y tế (chiếm 34,2%) được khảo sát nói rằng đại diện các công ty sữa đã đến cơ sở y tế tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Vi phạm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ vẫn rất phổ biến

Các chuyên gia khuyến cáo việc trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ sẽ có những tổn thương về trí tuệ. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong bài trình bày tại hội thảo, ThS Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, tôi biết có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận.

Ngay bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ này khác.

'Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy, cho thấy các hãng sữa bất chấp quy định pháp luật, vẫn tìm cách tiếp thị đến từng bà mẹ, tại các cơ sở y tế, thậm chí tại các cuộc hội thảo về dinh dưỡng…', ThS Đinh Thị Thu Thuỷ nói.

Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Đông Nam Á cho biết, pháp luật cần được thực thi hiệu quả mới có thể tác động được tới sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế cũng như giúp thực hiện quyền phụ nữ và trẻ em.

Một nghiên cứu mới đây được các chuyên gia kinh tế quốc tế trong lĩnh vực y tế phối hợp với UNICEF và Alive & Thrive thực hiện đã cho thấy, cái giá phải trả khi không bảo vệ nuôi con  bằng sữa mẹ là quá lớn.

Trong đó, đối với Việt Nam, thiệt hại từ tổn thương trí tuệ do không được bú mẹ đầy đủ ước khoảng 70 triệu USD, còn tổn thất cho chi phí y tế rơi vào khoảng 23 triệu USD mỗi năm. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc đầu tư vào các chương trình nuôi con bằng sữa mẹ là 139%...

Do vậy, cần thúc đẩy việc tuân thủ Nghị định 100 bằng các chính sách, giải pháp cụ thể hơn.


PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng để Nghị định 100 phát huy tốt hơn việc bảo vệ nguồn sữa mẹ, bảo vệ quyền bú sữa mẹ của trẻ em, cần có các giải pháp giảm bớt tác động từ những quảng cáo thái quá, không đúng của các hãng sữa đến quyền tiếp cận nguồn sữa cho trẻ nhỏ của các bà mẹ.

>> Xem thêm: Duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào cho 3 đứa trẻ: Bí quyết là...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!