Viêm vùng chậu

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh viêm vùng chậu trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Viêm vùng chậu là bệnh gì?

Viêm vùng chậu (PID) hay còn gọi là viêm đường sinh dục trên. Đây là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản của phụ nữ bao gồm tử cung, cổ tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Bệnh này xảy ra do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm trùng có xu hướng lây lan dễ nhất trong khi đang hành kinh. Viêm vùng chậu có thể gây sẹo cho ống dẫn trứng và buồng trứng, làm cho việc mang thai trở nên khó khăn hơn hoặc dẫn đến mang thai ngoài tử cung (thai nhi phát triển trong ống dẫn trứng).

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm vùng chậu là gì?

Viêm vùng chậu do chlamydia gây ra có thể không biểu hiện triệu chứng gì. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp khi bị viêm vùng chậu bao gồm:

  • Sốt;
  • Đau ở xương chậu, bụng dưới hoặc thắt lưng;
  • Xuất hiện khí hư bất thường;
  • Chảy máu sau khi quan hệ;
  • Cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi;
  • Đi tiểu thường xuyên và cảm thấy đau khi đi tiểu;
  • Chảy máu bất thường hoặc dễ bị bầm tím;
  • Không cảm thấy đói;
  • Buồn nôn hoặc ói mửa;
  • Rối loạn kinh nguyệt.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ khi bạn xuất hiện các triệu chứng trên hoặc có bất cứ thắc mắc nào về tình trạng cơ thể của mình. Nếu bạn ngại đi khám và giấu bệnh, bệnh sẽ càng nặng và càng khó chữa. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm vùng chậu là gì?

Nguyên nhân thường do quan hệ không an toàn với người mắc bệnh lậu, chlamydia hoặc các bệnh lây qua đường tình dục khác (STDs). Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể khi bạn:

  • Phá thai;
  • Sinh sản;
  • Sẩy thai;
  • Đặt vòng tránh thai;
  • Sinh thiết.

Nguy cơ mắc phải

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm vùng chậu?

Bệnh viêm vùng chậu thường gặp ở phụ nữ quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau hoặc đã từng bị một số bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đó. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm vùng chậu?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu bao gồm:

  • Quan hệ tình dục từ khi còn rất trẻ;
  • Quan hệ tình dục với người bị lậu hoặc nhiễm chlamydia;
  • Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người khác nhau;
  • Đã từng bị các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) trong quá khứ;
  • Đặt vòng tránh thai;
  • Thụt rửa âm đạo thường xuyên.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm vùng chậu?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng, khám vùng chậu và xét nghiệm. Xét nghiệm máu giúp kiểm tra có nhiễm trùng hay không. Đôi khi, các triệu chứng của PID có thể giống với các triệu chứng của mang thai ngoài tử cung nên bác sĩ cần phải xác định được bệnh nào đang gây ra triệu chứng. Ngoài ra, các xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng khác bao gồm siêu âm vùng chậu hoặc chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng giúp cho việc chẩn đoán được chính xác hơn.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm vùng chậu?

Điều trị sớm là hiệu quả nhất, trước khi nhiễm trùng lây lan. Bác sĩ có thể kê một số loại kháng sinh dùng để uống hoặc tiêm. Một số nhiễm trùng có thể cần phải nhập viện và truyền kháng sinh. Nếu kháng sinh không điều trị được các túi mủ quanh ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, bác sĩ có thể phải phẫu thuật (thường là phẫu thuật nội soi) để hút cạn mủ. Ngoài ra, bạn tình của bạn cũng cần phải điều trị nếu họ bị nhiễm bệnh. Bạn cần phải thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn (như đeo bao cao su) để tránh lây hoặc nhiễm bệnh.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm vùng chậu?

Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
  • Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
  • Bạn và bạn tình nên cùng điều trị để không lây bệnh cho nhau;
  • Quan hệ tình dục an toàn;
  • Gọi bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hoặc không được cải thiện trong vòng 48 giờ điều trị như bị sốt cao hơn hoặc cơn đau vùng chậu nặng hơn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!