Việt Nam cần xây dựng một mô hình mới phù hợp với già hóa dân số

Thời sự - 11/24/2024

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2017, số NCT chiếm 11,9% trong tổng dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Tiếp cận với một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc

Già hóa dân số là một trong những xu hướng và đặc điểm quan trọng nhất của thế kỷ 21. Trên toàn cầu, cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo, vào năm 2050, con số này sẽ tăng lên 5 người thì có 1 người trên 60 tuổi. Trong giai đoạn 2015 – 2030, số NCT trên toàn cầu dự đoán sẽ tăng lên 56%, từ 901 triệu lên đến 1,4 tỷ người. Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ cao hơn số người ở độ tuổi 15-24. Dự báo đến năm 2050, NCT chiếm 25% dân số Việt Nam.

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam cho biết: Công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT ở nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già ở nước ta chỉ khoảng 17-20 năm, ngắn hơn nhiều so với một số quốc gia khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (69 năm)…

Việt Nam cần xây dựng một mô hình mới phù hợp với già hóa dân số

Chuyển trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc. Ảnh minh hoạ.

'Điều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với NCT. Trong tổng số hơn 11 triệu NCT hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ NCT có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, họ vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống. Một bộ phận chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe; một số ít chưa được người thân quan tâm, phải sống cô đơn, không nơi nương tựa…. Họ đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ nhà nước, gia đình và cộng đồng', ông Đàm Hữu Đắc nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, với tốc độ già hóa xảy ra quá nhanh, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam, sẽ tạo ra thách thức về sự thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí và đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT. Do đó, nếu chúng ta không kịp thích ứng, không có mô hình chăm sóc NCT phù hợp, sẽ rất khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Đây cũng là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm hay vì con người sống lâu hơn mà vì mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng có một gia đình nhỏ hơn.

Theo bà Naomi Kitahara, việc cần làm để thích ứng với già hóa dân số là phải chuyển trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 'Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho NCT', Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói.

Vừa là thách thức vừa là cơ hội của mỗi quốc gia

Các chuyên gia về dân số cho rằng, tuổi tác chỉ là những con số, các thế hệ đều có giá trị theo cách riêng của mình. Vì thế, NCT vẫn là những thành viên tham gia tích cực, đầy đam mê và nhiệt huyết trong xã hội chứ không phải gánh nặng của xã hội.

Chính vì vậy, Việt Nam cần phải tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ; phát triển kỹ năng chăm sóc sức khỏe toàn dân, an sinh xã hội và môi trường thân thiện với NCT như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già.

Việt Nam cần xây dựng một mô hình mới phù hợp với già hóa dân số

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, phá bỏ các rào cản tiến tới công bằng cho NCT, đặc biệt chấm dứt phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm đảm bảo hòa nhập xã hội đối với NCT. Bởi lẽ trên thực tế, sự phân biệt tuổi tác khiến NCT thường có cảm giác tiêu cực, thấy bản thân kém hiệu quả, có nguy cơ gia tăng bệnh tật và dễ bị cô lập, tổn thương về mặt xã hội. Do đó, để già hóa một cách tích cực, điều quan trọng là phải chấm dứt được sự phân biệt tuổi tác; tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức, giáo dục giới trẻ để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực đối với NCT.

Sự chuyển đổi nhân khẩu học do 'già hóa' dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc như sự tăng trưởng kinh tế; lao động việc làm; chăm sóc y tế; an sinh xã hội; sự chuyển dịch các dòng di cư; thiết kế hạ tầng. Do đó, để xây dựng xã hội thích ứng với 'già hóa' dân số, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về NCT, nghĩa là NCT không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng. Theo đó, 'già hóa' dân số vừa là thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội không nhỏ đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều đó, không chỉ ngành DS-KHHGĐ mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đoàn thể, nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!