Thanh Dương Hồng tác nghiệp tại Trường Sa.
Duyên may làm người thành phố
Tôi xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi cha sống ở một thôn nghèo tỉnh Bình Định. Giữa lúc bạn bè đồng lứa bỏ học để tìm kế mưu sinh, không hiểu sao tôi cứ bám riết sự học. Nhà đã nghèo càng nghèo hơn bởi ba anh em tôi đều hiếu học! Năm 1989 tôi 'lều chõng' lên Đà Lạt ứng thí (để 'thử' sức mình và cũng để một lần được đặt chân lên thành phố mộng mơ). Đùng cái…Trúng tuyển! Thay vì vui, mẹ tôi lại buồn. Bà thở dài: 'Lấy tiền đâu để bay ăn học' ?!.
Biết tôi muốn đi học, thương con, mẹ tôi đành gật đầu!. Vậy là tôi thất thểu nhập trường. Thửa ấy, bốn năm ăn học xa nhà với tôi là sự thử thách trĩu nặng chuyện áo cơm. Tôi phải đi làm thêm mọi việc (kể cả làm thơ, viết văn, viết báo) để có thêm tiền tự trang trải cho một sinh viên nghèo xa nhà…
Hè năm 1993 ra trường, tôi đi xin việc làm một số cơ quan ở Đà Lạt nhưng không được nhận! Vì yêu Đà Lạt và muốn sống gắn bó với thành phố này nên tôi cố nán lại, tìm cơ hội, dù rất…xa vời! Những ngày 'neo' lại ở Đà Lạt, tôi vừa tiếp tục đi xin việc vừa đi làm thêm cho các nhà vườn để sống. Dường như sắp xa nơi đã từng gắn bó, sắp mất một cái gì rất quý, con người ta mới thấy tiếc nuối, muốn sống hết mình !
Một chiều, thầy giáo dạy văn ở trường Đại học Đà Lạt cho biết có cuộc thi sáng tác văn học kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 1993) và thầy khuyên tôi tham gia. Tôi chép tay vội hai bài thơ vừa sáng tác 'Ngẫu hứng chiều Đà Lạt' và 'Đà Lạt ơi xa rồi' gởi về Ban tổ chức. Gởi hai bài thơ như lời tri ân cuối cùng với Đà Lạt, tôi lặng lẽ trở về Bình Định - quê tôi không hẹn ngày trở lại…
Thanh Dương Hồng tặng sách của cá nhân cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông.
Niềm vui thường đến bất ngờ! Hơn ba tháng trôi qua, giữa lúc đang trở thành một 'nông phu' chốn ruộng đồng thì tôi nhận được thư thầy giáo cũ -TS.Lê Hồng Phong, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt. Mở vội phong bì, tôi không tin vào mắt mình: ngoài lá thư thầy viết cho tôi là tờ Giấy mời nhận giải thưởng cuộc thi. Không chần chừ, tôi nhảy xe đò về Đà Lạt nhận giải thưởng đúng dịp thành phố kỷ niệm 100 năm. Qua lễ hội, tôi chẳng biết làm gì, đi đâu. Hay về lại quê cũ ? Sẵn có chút kinh nghiệm viết báo thời đi học, tôi tiếp tục viết tin, bài gởi cho Đài PT-TH, Báo Lâm Đồng để có 'kinh phí' sống thêm với Đà Lạt và chờ cơ hội việc làm…
Một lần nữa duyên may lại đến; qua cộng tác bài vở, chị Ý Thu (nguyên BTV Đài PT-TH Lâm Đồng) giới thiệu, tôi được nhận vào công tác tại Tỉnh đoàn Lâm Đồng. Gần mười tám năm, tôi làm một cán bộ Đoàn và trở thành công dân chính thức của Đà Lạt…
Duyên nợ với nghề văn, nghiệp báo
Sau hơn năm đầu công tác, thấy tôi có khả năng viết lách, lãnh đạo cơ quan phân công tôi phụ trách lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục của Đoàn. Nhờ thường xuyên đi cơ sở và đam mê viết lách, tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền trên các báo, tạp chí, Đài PT-TH với tư cách cộng tác viên (CTV). Nhiều năm tôi phụ trách 'Chuyên trang tuổi trẻ' trên Báo Lâm Đồng và Chuyên mục 'Phát thanh thanh niên', 'Truyền hình thanh niên' trên Đài PT-TH Lâm Đồng. Chẳng biết tự bao giờ, rất tự nhiên tôi trở thành một nhà báo…Đoàn, nhà báo không thẻ !...
Thanh Dương Hồng nhiều năm qua là Cộng tác viên của Báo SKĐS.
Nhiều năm làm CTV các báo và Đài PT-TH trong đó có báo Sức khỏe và Đời sống, tôi nhận ra, 'nghiệp báo' cũng lắm niềm vui và cũng nhiều nỗi buồn, nhất là những người viết báo không có thẻ như tôi. Đôi lần được mời dự họp mặt CTV, đôi lần vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) được nhận Thiệp chúc mừng, hay vài tin nhắn của bạn bè…chợt thấy hạnh phúc vô cùng! Những khi 'không vui', tôi thường 'dỗ' mình bằng những bút ký hay thơ, văn …
Người ta nói viết là để trải lòng. Với tôi, làm thơ, viết văn hay viết báo đều có cách trải lòng riêng; qua đó, bày tỏ chứng kiến, quan điểm của người viết rõ ràng, ít nhiều đóng góp chung vào sự nghiệp báo chí. Duy có điều, báo chí trực diện, phản ảnh sự thật không tô điểm, không sáng tạo. Còn văn chương là cảm xúc, sự rung động tâm hồn một cách tinh tế mới sáng tạo được những tác phẩm có giá trị đích thực. Văn chương và báo chí bổ sung cho nhau, 'nâng đỡ' nhau làm cho đời sống nội tâm của người cầm bút thêm phong phú.
Mười tám năm làm cán bộ Đoàn Thanh niên, mười năm làm cán bộ Tuyên giáo của Đảng là chừng ấy năm tôi lặng lẽ làm một 'Nhà báo không chuyên'. Thường không phân định rạch ròi, nhưng khi tiếp cận nhân vật, hay khai thác tư liệu tôi có thể xử lý thành tin, hay bài báo khá nhanh và đặt hết tâm huyết vào từng con chữ; những khi có cảm xúc thì sáng tác thơ, văn…
Giấy Chứng nhận tác giả Thanh Dương Hồng (Nguyễn Thanh Hồng) đạt Giải Cuộc thi sáng tác của UBND tỉnh -Sở TT-TT vừa trao tặng.
Cứ vậy, tôi cứ đi, ghi chép và cứ viết. Dẫu chưa hài lòng, nhưng trong hành trang gần ba mươi năm lập nghiệp trên phố núi sương mờ tôi cũng đã có những 'tài sản' mà không thứ gì đánh đổi được (02 tập thơ, 01 tập truyện ngắn, ký in riêng) và khoảng vài ngàn tin, bài báo, phóng sự, ký sự, bút ký, ghi chép… đã phát sóng và đăng ở các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, dịp kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, tại Lễ gặp mặt báo chí toàn tỉnh (chiều 18/6/2020), tôi được UBND tỉnh và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Lâm Đồng trao Giải Khuyến khích bài Ghi chép viết về tập thể, cá nhân được công nhận thương hiệu 'Đà Lạt - Kỳ diệu kết tinh từ đất lành'.
Có người ví rằng, người cầm bút như con tằm rút ruột nhả tơ cho đời. Chẳng thích 'nhiều lời', tôi chỉ biết lặng lẽ sống, lặng lẽ làm việc và lặng lẽ viết!
Đến với nghề Văn và gắn bó với nghiệp Báo là một mối duyên! Say sưa và sống hết mình mà không trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, với tôi cũng là… mối duyên!...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!