Xếp hàng gửi đồ vào khu cách ly cho con: Thôi đừng bao bọc những 'cậu ấm, cô chiêu'

Thời sự - 03/29/2024

Cảnh người thân ùn ùn xếp hàng gửi từ đồ ăn tới tủ lạnh, giường, chiếu… vào cho con ở khu cách ly khiến những người làm nhiệm vụ chống dịch càng tăng thêm việc làm và những hình ảnh này gây bức xúc cho nhiều người.

Xếp hàng gửi đồ vào khu cách ly cho con: Thôi đừng bao bọc những 'cậu ấm, cô chiêu'

Hình ảnh người thân đua nhau gửi đồ vào khu cách ly.

Khu vực cách ly lớn nhất TP.HCM là khu ký túc xá của trường Đại học Quốc gia TP.HCM, trong hai, ba ngày qua hàng nghìn người đã đổ về đây để tiếp tế cho người thân dẫn tới cảnh chen chúc, tập trung đông người.

Chị Nguyễn Phượng Hoàng – Hà Nội cho biết khi thấy những hình ảnh này chị vô cùng bức xúc. Theo chị Hoàng, số người phải cách ly không còn ít như trước đây mà đã lên đến vài chục nghìn người. Những người làm nhiệm vụ vừa phải lo ăn ở, giường chiếu, nhu yếu phẩm, các bữa ăn... lại còn bê vác đồ của người thân gửi vào.

'Cá nhân tôi cho rằng thân nhân những người đang trong diện cách ly không nên đến các khu cách ly nữa. Hãy giảm tải cho cán bộ phục vụ. Con em các vị 14 ngày vẫn được ăn uống bình thường, chịu khó một tý. Sau 14 ngày cách ly thì muốn ăn gì, mua gì có ai ngăn cản', chị Hoàng nói.

Cùng với đó, nhiều người bất bình về việc các gia đình gửi cả chăn, đệm, tủ lạnh vào cho con cái tạo thêm việc làm cho những người đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly.

PGS Trịnh Hòa Bình – chuyên gia xã hội học cho rằng khi những người từ nước ngoài về quê hương là 'trốn dịch' và họ đã phải chuẩn bị sẵn tâm lý như thế nào, những điều họ sẽ phải đối mặt như cách ly 14 ngày. Họ đã lựa chọn việc quay về trong tình huống này thì họ nên chấp nhận.

Khi Việt kiều, du học sinh về với số lượng lớn để tránh được nguy cơ bệnh tật, thì họ đã tin tưởng sự điều hành của Nhà nước, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thì họ nên bình tĩnh và biết chia sẻ.

Khi vào ở khu cách ly chắc không bằng ở nhà nhưng họ đã được chăm bẵm, bao bọc.... Khu cách ly có thể thiếu hụt quạt, điều hòa nhưng chắc chắn sẽ được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm. Nếu ai cũng ùn ùn tiếp tế, muốn con cái được tốt hơn thì đây là những suy nghĩ vô lối, gây khó khăn cho những người đang làm việc ở đây.

Họ sẽ phải làm thêm khâu nhận hàng, kiểm đếm, khử trùng, rồi mang vác đến cho từng người.

PGS Bình cho rằng sự 'đầu tư' của cha mẹ như thế là không nên. Khi chống dịch như chống giặc thì kỷ luật chiến trường vô cùng quan trọng và mọi người cần cố gắng giữ gìn kỷ luật để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh, tăng thêm việc cho người đang làm nhiệm vụ.

PGS Bình nhấn mạnh nên cấm gửi các đồ tiếp tế vào khu cách ly vì khi nhà nước đã chi trả hết các chi phí ăn, ở hàng ngày, nhu yếu phẩm cần thiết thì tại sao lại đòi tiếp tế thêm làm gia tăng công việc cho những người làm công tác phòng chống dịch.

Trong khi những hình ảnh bác sĩ làm việc không có ngày nghỉ, bộ đội, công an, toàn dân được huy động tham gia chống dịch thì những người cách ly lại đòi hỏi đầy đủ, sung túc sẽ gây bức xúc cho cộng đồng thậm chí ngay cả chính những người đang phải hi sinh gia đình của mình để tham gia chống dịch.

PGS Bình cho rằng hãy dừng lại việc tiếp tế và cư xử đúng văn hóa mùa dịch.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!