Xuất huyết tiêu hóa: Biến chứng của loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Gần đây, khoa Nhi BV. Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) liên tục nhận và điều trị nhiều bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa, một trong những biến chứng nặng của loét dạ dày - tá tràng.

Điều đáng nói là những trẻ này thường không có biểu hiện gì rõ rệt trước khi nhập viện cho đến khi xuất hiện ói máu hoặc đi tiêu phân đen.

Hiện nay bệnh về dạ dày không còn là “bệnh độc quyền” ở lứa tuổi trưởng thành nữa, BS. Hoài Nhân (BV. Nguyễn Tri Phương) cho biết, theo một ghi nhận của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhóm trẻ em có độ tuổi từ 6 - 16 tuổi có khả năng mắc phải bệnh dạ dày vô cùng cao.

Trong đó, nhóm ở độ tuổi từ 10 - 16 tuổi có tỉ lệ nhiễm bệnh cao hơn rất nhiều so với nhóm có độ tuổi thấp hơn. Nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng cần phải truyền máu cấp cứu và khi được kiểm tra bằng ống nội soi mềm phát hiện trẻ bị loét dạ dày - tá tràng.

Những nguyên nhân

Nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng ở người lớn trước đây thường được cho là do stress, ăn uống không điều độ, lạm dụng rượu bia - thuốc lá, dùng các chất kích thích, các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAID). Hiện nay nhiễm Helicobacter pylori (HP) được cho là căn nguyên chính của bệnh, không chỉ ở người lớn mà còn ở cả trẻ em.

HP là một loại vi khuẩn thường nhiễm vào dạ dày người từ lúc thơ ấu. Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn HP đều không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng, nhưng nó lại có thể gây ra tình trạng viêm dạ dày mạn tính, ung thư dạ dày, loét dạ dày tá tràng, vì thế đôi khi chúng được gọi là “vi khuẩn gây loét”. Vi khuẩn này hiện diện trên một nửa dân số thế giới.

Xuất huyết tiêu hóa: Biến chứng của loét dạ dày - tá tràng ở trẻ emNhiễm Helicobacter pylori (HP) được cho là căn nguyên chính của bệnh

Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống như: nước bọt, phân, dịch tiêu hóa, nguồn nước… vi khuẩn HP sẽ chui vào lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, tại đây chúng tiết ra những chất làm kích thích dạ dày tiết nhiều axít hơn, đồng thời làm suy yếu lớp nhày bảo vệ và tiết ra một số độc tố làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới lớp nhày. Do đó, niêm mạc dễ dàng bị ăn mòn bởi chất axít có trong dịch tiêu hóa của dạ dày, gây nên tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.

Nhiễm khuẩn HP ở trẻ em có vài điểm khác biệt so với nhiễm khuẩn HP ở người lớn:

- Tần suất nhiễm thấp hơn người lớn.

- Tỉ lệ bệnh và biến chứng: đa phần viêm dạ dày mãn không triệu chứng, chỉ 15 - 20% người nhiễm có loét đường tiêu hóa và 1 - 2% người nhiễm bị ung thư dạ dày khi trở thành người lớn (chứ không phải lúc nhỏ).

- Hầu như không gây ra ác tính như ở người lớn.

- Điều trị dễ bị kháng thuốc do trẻ em hay sử dụng kháng sinh để điều trị viêm nhiễm đường hô hấp mà các kháng sinh này cũng là kháng sinh để điều trị HP.

Bình thường sau khi nhiễm, HP sẽ sống chung với ta suốt đời, nếu không điều trị. Phần lớn các trường hợp ở trẻ em, HP chỉ gây viêm mạn tính và không gây ra triệu chứng gì (chiếm 80% hoặc hơn nữa, một số ít (15 - 20%) HP gây ra viêm hoặc loét trong dạ dày, tá tràng. Cho đến nay, các chuyển biến thành ác tính hầu như không thấy ở trẻ em mà chỉ xuất hiện ở người lớn với tần số thấp (khoảng 2 - 5%). Tóm lại, hầu hết sẽ sống “hòa bình” với chúng ta.

Triệu chứng

Hầu hết người nhiễm vi khuẩn HP không có biểu hiện triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện xuất huyết tiêu hóa vì loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có những triệu chứng mơ hồ hoặc thoáng qua như:

- Ợ hơi, đầy bụng.

- Buồn nôn và nôn.

- Đau rát ở bụng giữa xương ức và rốn.

- Đau ngực.

- Sụt cân, mệt mỏi.

- Thường xuyên ợ nóng, nấc cục.

- Chán ăn.

- Khó nuốt.

- Hôi miệng.

- Tiêu chảy.

- Thiếu máu.

- Nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu.

Những triệu chứng và dấu hiệu này rất phổ biến ở trẻ em bị bệnh và không nhất thiết phải là loét dạ dày tá tràng, tuy nhiên, chúng cũng đều là những cảnh báo cần thiết phải chẩn đoán sớm. Nhiễm HP được phát hiện qua xét nghiệm:

Nội soi dạ dày là biện pháp phổ biến, không chỉ để tìm HP mà quan trọng hơn là đánh giá tình trạng tổn thương dạ dày, tá tràng, thực quản… Khi nội soi, bác sĩ sẽ bấm lấy một số mẫu thịt nhỏ (sinh thiết) để xem trên kính hiển vi xác định tổn thương, đồng thời tìm HP bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Xuất huyết tiêu hóa: Biến chứng của loét dạ dày - tá tràng ở trẻ emNội soi dạ dày là biện pháp phổ biến, không chỉ để tìm HP mà quan trọng hơn là đánh giá tình trạng tổn thương dạ dày, tá tràng, thực quản...

Hai loại xét nghiệm khác thường dùng để theo dõi sau điều trị xem HP đã được diệt sạch hay chưa là test hơi thở và tìm kháng nguyên HP trong phân. Loại đầu thì dùng cho trẻ lớn trên 7 tuổi, có thể hợp tác tốt, còn loại sau (thử phân) thì dùng cho trẻ nhỏ.

Test huyết thanh thì hầu như không được khuyên dùng ở trẻ em vì những hạn chế trong độ tin cậy của nó.

Trước đây, loét dạ dày tá tràng được coi là bệnh nan y, mạn tính, không thể trị khỏi dứt điểm trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, từ sau khi phát hiện ra vi khuẩn HP, người ta đã có thể chữa trị triệt để bệnh này ở hầu hết bệnh nhân. Nhiễm HP nếu điều trị đúng phác đồ và đúng thuốc thường sẽ đạt hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng tái phát. Các yếu tố gây thất bại tiệt trừ HP:

Sự tuân thủ điều trị:

- Thời gian.

- Liệu trình điều trị.

- Dạng thuốc sử dụng: kháng sinh, ức chế toan.

- Chi phí điều trị.

- Tác dụng phụ của thuốc.

Vi khuẩn:

- Tình trạng kháng thuốc.

- Mức độ nhiễm vi khuẩn.

- Chủng vi khuẩn độc lực.

- Tái nhiễm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa loét dạ dày tá tràng:

- Ngừng uống rượu và hút thuốc lá.

- Sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau nhóm Acetaminophen thay vi thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin, Ibuprofen.

- Giảm dùng các chất kích thích như cà phê.

- Giúp trẻ cân bằng giữa việc học và giải trí, giảm căng thẳng.

- Rửa tay là một trong những biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất làm giảm nguy cơ lây nhiễm HP.

BS. Hoài Nhân (cố vấn chuyên môn), An Quý (ghi)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!