Không sớm thì muộn, bất cứ đàn ông nào cũng đều phải “trải nghiệm” hiện tượng rụng tóc trong đời của mình, thậm chí là có nguy cơ bị hói đầu.
Có rất nhiều dạng rụng tóc với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, bạn đừng vội hoảng sợ, bởi hoảng sợ hay bất kỳ tình trạng căng thẳng nào đều có thể khiến tóc rụng nhiều hơn thôi. Ngay bây giờ, Hello Bacsi sẽ giúp bạn trả lời một số thắc mắc về tình trạng rụng tóc.
1. Làm sao tôi biết được rằng mình sẽ bị hói?
Đây hoàn toàn không phải là một câu hỏi đùa. Việc rụng tóc không hề giống với bị hói, bởi bệnh hói ở nam giới là bệnh di truyền trong khi hiện tượng tự rụng tóc có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau.
Người bị bệnh rụng tóc sẽ mất từng mảng tóc ở những vị trí ngẫu nhiên. Đối với những trường hợp bệnh nặng, phần lông trên toàn cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nhiều người cho rằng bệnh rụng tóc có tính di truyền và tính tự miễn (tình trạng cơ thể tự hủy hoại chính mình do bị rối loạn).
Nếu bạn bị rụng tóc từ thái dương, đỉnh đầu và hai bên trán thì rất có khả năng bạn đã mắc phải bệnh hói đầu.
2. Tôi sẽ rụng tóc nhanh đến mức nào?
Nam giới thường bắt đầu rụng tóc vào độ tuổi từ 20 và thường phải mất 15–25 năm sau họ mới bị hói. Một nửa số người ở tuổi 50 bị hói ở mức tương đối. Tuy nhiên, một vài nam giới có thể bị hói chỉ trong vòng 5 năm. Không ai có thể nói chính xác được quá trình này sẽ diễn ra trong bao lâu.
3. Tại sao tôi lại bị rụng tóc? Liệu đó có phải là do di truyền?
Tình trạng rụng tóc có thể do sự chuyển hóa một loại hormone sinh dục nam có tên là androgen. Việc da đầu của bạn bị ảnh hưởng như thế nào trong quá trình này là do yếu tố di truyền quyết định.
Bạn cũng có thể rụng tóc do bệnh tật, thuốc, phẫu thuật, căng thẳng, thay đổi hormone hoặc do da đầu bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tình trạng rụng tóc chỉ xảy ra ở một thời điểm nhất định, chứ không kéo dài mãi mãi.
4. Cảm giác căng thẳng hoặc không đáp ứng được nhu cầu tình dục có dẫn đến hói đầu hay không?
Có những trường hợp rụng tóc là do bệnh nhân bị căng thẳng, dù bệnh hói ở nam giới phần lớn là do di truyền. Nếu bạn thấy tóc mình rụng theo từng mảng hoặc rụng vào những thời điểm bất thường thì rất có thể đó là triệu chứng của các căn bệnh khác. Hiện tượng này có thể liên quan đến căng thẳng nhưng không hẳn là do nhu cầu tình dục không được đáp ứng. Tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ đa khoa để kiểm tra tình trạng của mình.
5. Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa tình trạng rụng tóc tự nhiên?
Bất kỳ ai cũng bị rụng tóc tự nhiên và càng về già mái thì mái tóc của bạn sẽ càng mỏng đi. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh hói đầu ở nam giới là do di truyền và không thể chữa khỏi hoàn toàn được.
Một tình trạng rụng tóc khác là rụng tóc do kéo giãn, xuất phát từ việc kéo căng hoặc tạo áp lực lên mái tóc trong một thời gian dài.
Nếu bạn thường xuyên cột tóc quá chật, điển hình là tết tóc kiểu hàng bắp hoặc tóc đuôi ngựa quá căng thì rất có khả năng bạn sẽ mắc phải chứng bệnh này. Thế nên, đừng buộc tóc quá chặt nhé.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho biết việc tập thể dục cũng là một phương pháp tốt để duy trì một mái tóc khỏe mạnh.
6. Làm thế nào để chữa bệnh hói đầu?
Nếu bạn thực sự muốn chữa trị hói đầu thì dưới đây là 2 loại thuốc mà bạn có thể dùng:
Tinh chất dưỡng Minocidil
Loại thuốc dưỡng tóc này có thể giúp phục hồi và bổ sung thêm độ bền cho tóc. Bạn có thể dùng loại tinh dưỡng chất này lên da đầu 2 lần mỗi ngày. Bạn có thể tìm mua loại thuốc này ở các hiệu thuốc thông thường. Khoảng 60% người dùng thuốc này cho biết bệnh rụng tóc có sự phục hồi tốt. Tuy nhiên, một số người cũng cho biết thuốc này sẽ mất hiệu quả ngay khi ngừng sử dụng.
Finasteride (Propecia)
Đây là loại thuốc dạng viên có thể ngăn ngừa phần nào tác dụng của các loại hormone ở nam giới (một chất chống androgen). Các nhà khoa học đã chứng minh Propecia có tác dụng ngăn chặn rụng tóc và cải thiện quá trình mọc tóc trên da đầu trên khoảng 80% bệnh nhân sau 3–6 tháng. Thuốc này cũng sẽ mất hiệu lực ngay sau khi ngừng sử dụng. Bạn chỉ có thể mua được loại thuốc này theo đơn của bác sĩ và trong vài trường hợp đặc biệt theo quy định của dịch vụ y tế quốc gia.
Bạn cũng có thể xem xét việc phẫu thuật thẩm mỹ – vốn là một phương pháp đáng tin cậy để thay thế mái tóc đã mất. Tuy đắt tiền nhưng các phương pháp như phẫu thuật cấy hoặc cắt ghép da đầu đều là những biện pháp lâu dài.
7. Những tác dụng phụ nào có thể xảy ra khi tôi chữa bệnh hói bằng những loại thuốc trên?
Tinh chất dưỡng Minoxidil
Tác dụng phụ thường thấy của loại dưỡng tóc này là kích ứng da. Ngoài ra, bạn có thể xảy ra hiện tượng đổi màu tóc hoặc thay đổi cấu tạo tóc, nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra.
Finasteride
Sản phẩm này thường không đem lại tác dụng phụ đáng chú ý nào, nhưng đôi khi thuốc có thể gây phát ban và khiến số ít người dùng bị giảm ham muốn tình dục, rối loại cương dương hoặc dễ tổn thương ngực và nhũ hoa.
8. Tình trạng căng thẳng có khiến tôi bị hói nhanh hơn không?
Căng thẳng có thể gây ra rụng tóc, nhưng bệnh rụng tóc do căng thẳng gây ra hiếm khi kéo dài mãi mãi. Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh căng thẳng có thể làm tăng tốc độ hói do di truyền.
Kiểu rụng tóc TE (Telogen effluvium) là dạng rụng tóc do ảnh hưởng nghiêm trọng của căng thẳng, có thể gây gián đoạn chu kỳ mọc của nang tóc và khiến tóc rụng. Tuy nhiên, về lâu dài, quá trình này sẽ được cơ thể tự điều chỉnh.
9. Liệu tôi có gặp phải vấn đề tâm lý gì khi bị hói không?
Tình trạng lo lắng do bị hói có thể gây căng thẳng ở mức độ cao, mất lòng tự trọng, giảm ham muốn tình dục và thậm chí là trầm cảm. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu rõ nguyên nhân và chấp nhận bệnh hói thì bạn sẽ vượt qua được nỗi sợ này. Hầu hết đàn ông đều cảm thấy mất tự tin vào giây phút họ nhận ra mình đang rụng tóc, nhưng thông thường họ đều nhanh chóng vượt qua cảm giác ấy. Cách duy nhất để đảm bảo bản thân không gặp phải các vấn đề về tâm lý chính là đối diện với thực tế và chọn cách chấp nhận hoặc chạy chữa tùy vào người bệnh.
10. Khi bị hói đầu, những phần lông khác trên cơ thể tôi có rụng không (ví dụ như lông mày, lông mi)?
Câu trả lời là không. Chỉ có phần lông tiếp xúc với da đầu (tóc) mới chịu ảnh hưởng của bệnh hói đầu ở nam giới. Những vùng khác như râu hoặc lông nách chỉ có thể bị chứng rụng lông ảnh hưởng.
Tóm lại, bệnh rụng tóc ở nam giới không hề đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần hiểu rõ căn bệnh này, bạn sẽ thấy có rất nhiều biện pháp phòng bệnh rthiết thực như giữ cơ thể đủ nước, ăn uống nhiều protein và tránh chải đầu khi tóc ướt. Đa phần các biện pháp phòng tránh rụng tóc đều rất đơn giản và dễ dàng để thực hiện hằng ngày.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tự làm mặt nạ cho tóc yếu – khô – bóng dầu – xoăn – rụng
- Rụng tóc tiết lộ điều gì về sức khỏe của bạn?
- 6 cách chăm sóc tóc thưa và mỏng hiệu quả
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!