Vào một thời điểm nào đó trong đời, bắt đầu một kế hoạch vận động, một chế độ ăn mới đồng nghĩa với rất nhiều háo hức và quyết tâm. Bạn tự hứa với lòng mình 'sẽ dậy sớm, chạy mỗi sáng, nâng tạ mỗi tối, đi bộ tới cơ quan, đạp xe quanh thành phố'.
Theo một nghiên cứu của Đại học Scranton, 92% số người tự đưa ra những thay đổi cho bản thân đều đối mặt với thất bại thảm hại. Nhìn chung, chỉ sau 1-2 tháng, phần lớn chúng ta đều từ bỏ các kế hoạch tập luyện, xếp xó các hoạt động thể chất dù mục đích cao đẹp là cải thiện/nâng cao sức khỏe.
Bạn có phải là một người trong số đó không? Theo trang Bright Side, nói riêng về các giải pháp liên quan tới việc tập luyện để tốt cho sức khỏe thì bạn không nên từ bỏ. Theo đuổi đến cùng chính là chìa khóa thành công. Sau đây là một số mẹo nhỏ, giúp bạn không bỏ cuộc giữa chừng:
10. Đặt ra những mục tiêu thực tế
Trước khi bắt đầu một lịch trình tập luyện hiệu quả, hãy suy nghĩ về mục tiêu của bạn. Việc vạch ra những điều mà bạn cố gắng đạt được có ý nghĩa quan trọng. Hãy quên đi lối suy nghĩ 'được ăn cả, ngã về không'. Mục tiêu hợp lý, có thể thực hiện được mới chính là thứ bạn cần, đặc biệt trong lĩnh vực vận động nâng cao sức khỏe.
9. Bắt đầu từ những việc nhỏ
Mục tiêu càng lớn thì nguy cơ bạn từ bỏ lại càng cao. Tập luyện 5 buổi/tuần, duy trì 2 tiếng/buổi nghe có vẻ thật tuyệt vời. Nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu việc tập luyện từ 'những điều bé nhỏ'. Như vậy, bạn sẽ giúp giảm nguy cơ phải đối mặt với cảm xúc tồi tệ khi nghĩ tới thất bại dường như không thể tránh khỏi phía trước.
Điều tương tự cần được áp dụng với các bài tập và thiết bị tập luyện. Ví dụ, nếu mới bắt đầu đến phòng gym, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn chọn loại tạ 1,5kg, thay vì 'chơi' luôn tạ 5kg.
8. Tìm kiếm các bài tập mà bạn thích thú
Sau một buổi tập luyện, cơ thể sẽ giải phóng endorphins – hormone 'vui vẻ, hạnh phúc' của chúng ta. Nhưng nếu bạn có cảm giác mình mệt muốn chết khi tập xong thì cái giá phải trả cho những hormone 'vui vẻ, hạnh phúc' kia thật quá cao.
Hãy tìm kiếm những dạng vận động thể chất mà bạn thực sự hứng thú – đi bộ, tập Pilates hay thậm chí múa cột. Chỉ khi đó, bạn mới không ép buộc bản thân phải tập luyện. Không những thế, còn háo hức mong chờ buổi tập tiếp theo.
7. Ghi nhật ký của việc tập luyện
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người chăm chỉ ghi chép nhật ký về quá trình tập luyện và giảm cân của mình sẽ đón nhận kết quả tốt đẹp hơn. Nếu bạn muốn kiên trì theo đuổi một kế hoạch tập thể hình mới, hãy nghĩ đến việc viết nhật ký. Cuối mỗi ngày, việc hoàn thành mục tiêu luyện tập sẽ không chỉ dừng lại ở những con số nữa, mà đó là cả quá trình tiến bộ mà bạn đạt được.
6. Vượt qua tuần thứ 3
Một thống kê cho thấy công bố trên trang Statisticbrain, chỉ 58.4% các dự định cho năm mới được duy trì trong 4 tuần. Mọi người có xu hướng bỏ cuộc từ khoảng giữa tuần thứ 2 và tuần thứ 3. Hãy ghi nhớ điều này khi lần tới, bạn chợt cảm thấy chỉ muốn bỏ buổi tập gym. Nếu 'sống sót' qua tuần thứ 3, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều với bạn!
5. Đừng bỏ qua phần khởi động và phục hồi cơ
Đã bao giờ bạn thắc mắc vận động viên điền kinh đi bộ trước khi chạy và các giáo viên thể hình luôn yêu cầu người học tập một chuỗi các động tác vươn duỗi cơ thể khi mỗi buổi tập? Để cảm thấy tràn đầy sinh lực và hài lòng về bản thân, dù là sau một buổi tập cường độ cao, bạn hãy nhớ khởi động trước tập và phục hồi cơ sau tập. 2 giai đoạn này giúp bạn tránh rạn mắt cá nhân, đau nhức cơ.
4. Tự thưởng cho bản thân
Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, người ta sẽ dễ dàng đạt mục tiêu vận động của mình hơn nếu họ có động lực về mặt tài chính. Thực vậy, một phần thưởng đang chờ đợi bạn ở cuối buổi tập là động lực tuyệt vời giúp bạn tới phòng thể hình dù đã trải qua ngày làm việc bận rộn.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng là phần thưởng liên quan tới tiền bạc, bạn có thể đi mua sắm chẳng hạn. Hãy thử thưởng cho mình bằng một bữa sáng lành mạnh yêu thích. Dù vậy, nhớ tránh xa bánh ngọt nhé!
3. Tìm bạn cùng tập
Theo các nhà nghiên cứu, bạn sẽ làm tốt hơn nếu có được sự 'tương tác xã hội' trong quá trình vận động thể chất. Buổi tập của bạn trở nên vui hơn nhiều nếu có sự tham gia của bạn bè, người thân.
Hãy đi bộ, tham gia lớp khiêu vũ hay đạp xe đạp cùng các con hoặc bạn bè. Bằng cách này, dành thời gian bên những người yêu thương của bạn, không chỉ giúp tạo nên những kỷ niệm ngọt ngào mà còn mang tới những bài tập vận động thể chất hiệu quả.
2. Đừng tập quá sức
Nếu bạn nghĩ không có gì gây hại như tập luyện quá nhiều, bạn đã hoàn toàn chính xác. Dù vận động thể chất là điều bắt buộc đối với những ai muốn thân hình cân đối, khỏe mạnh, tập luyện quá sức lại có thể vô cùng nguy hại.
Ngay cả khi bạn đặt ra một mục tiêu tham vọng để sở hữu thân hình lý tưởng, hãy chắc chắn có những ngày nghỉ giữa các quãng tập cường độ cao. Không tập luyện cùng một khối cơ ngày này sang ngày khác. Và hãy tìm cách điều chỉnh ngay nếu xuất hiện cảm giác đau đớn.
1. Biến tập luyện thành thói quen
Nếu bạn tìm ra cách để khiến việc chạy thể dục trở thành một phần trong lịch trình buổi sáng, bạn sẽ có một khởi đầu tích cực. Nhờ đó, hiệu suất làm việc trong ngày đó của bạn sẽ được nâng cao.
Tất nhiên, nếu làm cho tập luyện trở thành thói quen thì việc bạn phải lê lết tới phòng gym sẽ không bao giờ xảy ra. Nói cách khác, để kiên trì theo đuổi một kế hoạch tập luyện thì bạn phải làm sao để nó trở thành sở thích, đam mê của mình càng tốt. Sự kiên trì và chăm chỉ tập luyện sẽ mang lại cho bạn cơ thể khỏe mạnh, thân hình chuẩn đẹp mà bạn hằng mơ ước.
Nguồn: Brightside
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!