Trải qua giai đoạn bầu bí, bạn chính thức 'lên chức' cha - mẹ vào ngày con chào đời. Và cũng từ đó những khó khăn mới lại bắt đầu. Kinh nghiệm chăm con, nuôi con còn thiếu sót khiến bạn lúng túng, đôi khi cảm thấy chán nản, mệt mỏi và tự hỏi: 'Mình có phải người cha/người mẹ tốt?'. Đừng quá căng thẳng vì hầu như những ai mới làm cha mẹ cũng đều sẽ mắc những sai lầm giống như bạn mà thôi!
1. Lo lắng mọi thứ một cách thái quá
Theo Leon Hoffman, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe cha mẹ và trẻ nhỏ Pacella tại New York (Mỹ), nhiều bậc cha mẹ có phản ứng thái quá trước những hiện tượng bình thường của cơ thể con như: nôn, trớ... Trong năm đầu tiên có con, họ chỉ lo lắng những thứ nhỏ nhặt như: Con ăn thế đã no chưa? Con khóc nhiều thế này là tốt hay không tốt? Liệu bé có nôn quá nhiều không? Đi ị thế này là quá nhiều hay quá ít?...
Sự lo lắng của cha mẹ là điều hoàn toàn bình thường, nhưng hãy cứ tận hưởng thời gian này, bởi vì các bé có khả năng phục hồi thể chất nhanh hơn là những gì chúng ta nghĩ.
Lần đầu tiên làm cha mẹ sẽ là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời bạn (Ảnh: Internet)
2. Không cho con khóc
Nhiều người cho rằng, làm cha mẹ là không được để con quấy khóc bởi vì khi bé khóc tức là chúng ta sai và cần phải sửa lỗi. Nhưng sự thật thì khóc là một trong những hành động rất tự nhiên củatrẻ nhỏ. Dù bé được đóng bỉm gọn gàng, được ăn no nhưng vẫn quấy khóc chỉ vì muốn được bạn bế. Đó chính là cách giao tiếp đặc biệt của trẻ khi cần sự dỗ dành, âu yếm của bạn.
Hãy coi quấy khóc như một phần không thể thiếu của trẻ. Nhưng nếu trong vòng 1 giờ, bé không nín và có biểu hiện sốt, phát ban, nôn mửa, bụng căng phồng, hay bất cứ điều gì bất thường, hãy đưa bé đi tới bệnh viện ngay lập tức.
3. Đánh thức con dậy để cho bú
Bạn có thể cho con bú vào mọi lúc nhưng nên tránh thời gian đêm khuya. Đã từng có quan niệm sai lầm rằng sữa mẹ không đủ chất nên bé sẽ đói. Nhưng thực tế thì sữa mẹ có nhiều dinh dưỡng và chỉ cần bú trước giờ đi ngủ, bạn hoàn toàn an tâm bé sẽ có một đêm ngon giấc.
4. Không phân biệt được bé đang nôn hay trớ
Nôn và trớ bề ngoài có vẻ giống nhau, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Trớ là hiện tượng thức ăn trào ra khỏi miệng ngay sau bữa ăn hay trong bữa ăn, là hiện tượng sinh lý bình thường trong vòng 6 tháng đầu. Còn nôn là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đưa ra ngoài và nếu đường tiêu hóa có vấn đề, cứ 30 – 45 phút bé sẽ nôn 1 lần dù có ăn hay không. Vì vậy, việc cần làm lúc này là đưa bé tới gặp bác sỹ để chẩn đoán đúng bệnh.
5. Không chú ý khi trẻ sơ sinh bị sốt
Trong 3 tháng đầu, bất cứ khi nào bé sốt trên 38oC bạn phải đưa bé đi cấp cứu. Một số bậc phu huynh khi thấy con sốt liền cho con uống thuốc cảm. Nhưng đó là một sai lầm nghiêm trọng. Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch của bé không được thiết lập để xử lý chính nó khi bị lây nhiễm. Khi cơ thể bé quá nóng, hãy dùng cặp nhiệt độ và đưa bé tới bác sỹ ngay lập tức nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 38oC.
6. Không dùng ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ khi đi ô tô
Việc kê thêm ghế ngồi cho trẻ trên xe ô tô thường khá khó khăn cho những ai làm cha mẹ lần đầu. Nhưng bạn có thể nhờ sự giúp đỡ từ người thân hay các cửa hàng bán đồ cho trẻ. Nên nhớ rằng việc có hay không ngồi ghế một cách an toàn có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ
7. Lờ đi việc chăm sóc răng miệng cho bé
Hãy bắt đầu thói quen vệ sinh răng miệng cho bé từ khi con còn nhỏ (Ảnh: Internet)
Nhiều ông bố bà mẹ không nghĩ tới vấn đề răng miệng cho bé mới sinh và khi nhận ra hậu quả thì đã quá muộn. Hãy bắt đầu thói quen vệ sinh răng miệng cho bé từ khi con còn nhỏ. Dưới đây là một vài 'mẹo' để giúp bạn:
- Khi răng trẻ mới nhú, đừng cho con uống sữa vào giờ đi ngủ. Nó sẽ làm cho răng có nhiều lỗ hổng và dễ bị sâu răng hơn.
- Sử dụng một miếng gạc sạch, ẩm để lau lợi cho bé. Khi bé được 1 tuổi thì dùng bàn chải.
- Quan trọng hơn nữa đó là bổ sung đủ Flo để răng bé phát triển toàn diện. Một số nguồn nước đã có sẵn Flo, nhưng nếu bạn không biết tìm ở đâu, hãy gặp bác sỹ nha khoa để xin tư vấn.
8. Quên mất cuộc sống hôn nhân
Việc vun vén và giữ gìn hạnh phúc bên bạn đời khi có con lần đầu thực sự quan trọng và đáng lưu ý. Khi có con, mối quan hệ của hai bạn sẽ không còn như trước vì mọi sự tập trung đều dành cho bé, nhưng hãy nhớ rằng hai bạn là một cặp vợ chồng và cần phải giữ lửa cho tình yêu của mình.
9. Tranh cãi quá nhiều (hay quá ít) trước mặt con
Một đứa bé 3 tháng cũng có thể hiểu được cảm xúc của bạn nên nếu muốn tranh cãi trước mặt con, hãy tự hỏi mình: Điều đó có đáng sợ không? Nó có xảy ra thường xuyên không? Cảm xúc của bạn trong 'cuộc chiến' đó như thế nào?... Trong cuộc sống vợ chồng, đôi khi không thể tránh khỏi những mâu thuẫn hay to tiếng nhưng cả hai cần phải biết kiểm soát bản thân để không gây ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng tiêu cực tới chính bạn đời và con cái.
10. Quá tin vào những lời khuyên
Sai lầm của các bậc phụ huynh là tìm lời khuyên ở những nơi không đáng tin cậy. Vì vậy, bạn cần tỉnh táo trước 'biển' thông tin về nuôi dạy con hiện nay. Hãy đảm bảo chắc chắn đó là một nguồn uy tín để tham khảo, phục vụ cho việc nuôi con cũng như làm tròn bổn phận của một người cha, người mẹ.
>>> Xem thêm: Bài học an toàn chỗ đông người bố mẹ cần dạy con
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!