Những nguyên nhân không ngờ tới
TS Hà cho biết mỗi ngày phòng khám tiêu hoá của Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận từ 70 -80 cháu bị các bệnh về tiêu hoá trong đó có khoảng 20 cháu bị viêm loét dạ dày thành tá tràng, một căn bệnh mà ai cũng nghĩ chỉ người lớn mới mắc.
Trường hợp điển hình là của bé Nguyễn Nhật M. 2,5 tuổi, trú tại Bắc Ninh được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi với triệu chứng nôn ra máu và đi đại tiện phân đen.
Khi đưa bé đến da trẻ đã nhợt nhạt, đau bụng do tình trạng thiếu máu. TS Hà cho biết các bác sĩ nội soi tìm nguyên nhân thì vết loét dạ dày rất lớn khiến chảy máu dạ dày.
Bệnh nhi bị chảy máu tiêu hoá vì viêm dạ dày
Khi được hỏi, bố mẹ của bé M. cho biết cháu bị ốm và bố mẹ cho còn uống nhầm liều lượng thuốc giảm sốt Ibuprofen, khiến trẻ bị kích ứng dẫn đến loét dạ dày. Bệnh nhi buộc phải nhập viện điều trị viêm dạ dày cấp.
Nghe bác sĩ nói đến cháu bị viêm loét, bố mẹ của bé đều ngỡ ngàng và hỏi đi hỏi lại 'sao cháu bé thế mà đã bị viêm loét dạ dày được'. Các bác sĩ phải dành thời gian để tư vấn cho phụ huynh rất lâu.
Hay như trường hợp của cháu Trần Gia N. sinh năm 2005, quê Thanh Oai, Hà Nội được bố mẹ đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu vì nôn ra máu tươi.
Ngay sau đó, bé N. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lên thẳng Bệnh viện Nhi trung ương. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị chảy máu dạ dày do viêm dạ dày.
Anh Trần Văn Học bố của bé N. cũng bất ngờ vì chẩn đoán con anh bị bệnh của người lớn này. Anh Học cho biết so với bạn bè cùng trang lứa, cháu N. chậm lớn hơn, da lúc nào cũng xanh xao anh nghĩ do con mình lười ăn chứ không biết là con đau dạ dày.
Anh Học kể cả nhà anh không ai bị viêm dạ dày nên cũng chẳng nghĩ ra con bị viêm dạ dày như thế. Cháu cũng có triệu chứng thi thoảng đau bụng thì vợ chồng anh chị nghĩ con đau bụng giun mua thuốc giun về cho con uống mà không nghĩ ra đau dạ dày.
Dấu hiệu viêm dạ dày
Theo TS. BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, BV Nhi TƯ, tại khoa số trẻ đến điều trị bị mắc viêm dạ dày chiếm đến 1/3.
'Rất nhiều người cho rằng viêm loét dạ dày, tá tràng không thể xảy ra ở trẻ, nên chủ quan trong việc phát hiện, điều trị, khiến nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng xuất huyết dạ dày nặng. Điều này dẫn đến việc điều trị tốn kém hơn và khó khăn hơn'.
TS Hà đã gặp bệnh nhi được chẩn đoán viêm loét dạ dày nhưng cha mẹ và ngay cả người nhà cháu bé làm bác sĩ cũng không tin cháu bé thế đã bị viêm loét dạ dày nên không chữa.
Bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương
Kết quả, cháu phải nhập viện cấp cứu vì chảy máu dạ dày do tình trạng viêm loét không được điều trị kịp thời. Đây là một quan niệm sai lầm bởi trẻ nhỏ vẫn có thể bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
Theo bác sĩ Hà bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân gây ra như thuốc điều trị, chống viêm; hoặc viêm do hoá chất như kiềm, axit, hoá chất sinh hoạt mà trẻ vô tình nuốt phải bị ngộ độc.
Loại viêm dạ dày mà nhiều cha mẹ băn khoăn nhất đó là viêm do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Bởi loại vi khuẩn rất dễ gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó, Bác sĩ Hà cũng cho hay, nguyên nhân viêm dạ dày còn có thể bắt nguồn từ chế độ ăn quá nhiều chất hại dạ dày như chua, cay; vấn đề của bệnh lý dạ dày viêm dạ dày do tự miễn, viêm dạ dày do toan, phì đại niêm mạc dạ dày, tuy nhiên tỷ lệ này ít…
Theo bác sĩ Hà, với bệnh viêm dạ dày của trẻ em không giống người lớn, trẻ thường đau bụng bất thường, dấu hiệu đau vùng thượng vị của trẻ nhỏ chỉ 30% còn lại đau quanh rốn và đau lan toả. Trẻ có thể ợ hơi, ợ chua, nôn, biếng ăn, hơi thở hôi… khi trẻ có dấu hiệu trên cần cho đi khám để sàng lọc sớm nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.
Điều trị viêm loét dạ dày phải điều trị từng nguyên nhân. Với trẻ viêm loét do nhiễm vi khuẩn HP, TS Hà cho biết việc điều trị đầu tiên là phải điều trị tình trạng viêm loét trước còn với điều trị vi khuẩn HP gây viêm dạ dày ở trẻ nhỏ khó vì quá trình điều trị dài ngày.
Thuốc dạng viên khiến trẻ khó uống và một lý do quá trình điều trị thuốc gây nên nhiều tác dụng phụ nên nhiều gia đình bệnh nhân nhi bỏ cuộc…nên bệnh không dứt điểm và gây tình trạng kháng thuốc.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!