Khi bạn lao động, tập luyện, đạp xe, leo cầu thang, xách túi đồ, nấu ăn, bị bệnh... thì mồ hôi ra ướt đẫm áo, nhất là trong mùa nóng bức này, mồ hôi của bạn lại càng “đổ” nhiều hơn. Mồ hôi ra là chuyện nhỏ, nhưng mùi của cơ thể do mồ hôi gây ra mới là chuyện lớn cần bàn. Vậy làm thế nào để cơ thể vẫn thơm tho suốt cả ngày?
Nhiều mồ hôi và hôi là do bệnh tật, vận động, thức ăn, thức uống
Bạn có từ 2-5 triệu tuyến mồ hôi. Khi thân nhiệt tăng, hệ thần kinh ra lệnh các tuyến này tiết mồ hôi lên bề mặt da để làm mát cơ thể. Thành phần của mồ hôi chủ yếu là nước và muối (NaCl) và một lượng nhỏ chất điện phân là những chất giúp điều chỉnh sự cân bằng thể dịch trong cơ thể.
Nhiều yếu tố làm cho mồ hôi của bạn ra nhiều và nặng mùi, đó là: di truyền, nếu cha mẹ ra nhiều mồ hôi và nặng mùi thì con cái cũng được “thừa hưởng” điều đó. Có một số thức ăn uống như cà phê, rượu, gia vị cũng có thể gây ra mồ hôi và mùi khó chịu. Bạn ăn hành, tỏi, cá, thịt chó... thì mùi mồ hôi cũng có các mùi thức ăn đó.
Những thuốc có thể gây tăng tiết mồ hôi là: thuốc điều trị rối loạn tâm thần, morphin, hormon thyroxin của tuyến giáp, aspirin, acetaminophen... Phụ nữ mãn kinh có những cơn bừng bốc hỏa làm tăng tiết mồ hôi. Nam giới có nồng độ hormon nam testosteron thấp, bị bệnh giảm năng tuyến sinh dục có thể gây bốc hỏa. Người mắc các bệnh: đường huyết thấp, sốt nhiễm khuẩn, cường năng tuyến giáp, đau tim, bệnh lao, sốt rét, một số bệnh ung thư... đều tăng tiết mồ hôi. Khi bạn lao động nặng, tập thể dục, thể thao, đi bộ, chạy, leo cầu thang, mang xách nặng..., nhất là làm các việc đó khi trời nắng nóng thì mồ hôi đổ càng nhiều.
Mồ hôi tiết nhiều khi bạn vận động
Hệ quả xấu sau tiết nhiều mồ hôi và mùi hôi
Nấm móng, nấm bàn chân; nếu bạn ra mồ hôi nhiều, dễ bị nhiễm nhiều loại nấm. Ngứa Jock là bệnh do nhiễm nấm gây ngứa hoặc cảm giác bỏng rát quanh bẹn. Nhiễm khuẩn và mụn cơm: ra nhiều mồ hôi có thể gây nhiễm khuẩn da, gây mụn cơm trên da do nhiễm papillomavirus, nổi ban, rôm sảy...
Bình thường, mồ hôi không có mùi hôi, bạn có thể kiểm chứng bằng cách ngửi những giọt mồ hôi ở đầu mặt rơi xuống lòng bàn tay của bạn. Sau một thời gian tiết lên bề mặt da, mồ hôi bị vi khuẩn có sẵn trên da làm cho lên men, từ đó mới gây nặng mùi hoặc rất hôi. Các vùng nhiều lông như nách, bẹn nhiều mồ hôi và có nhiều vi khuẩn nên mùi càng nặng hơn. Bạn chú ý sẽ thấy mỗi người lại có một mùi hôi riêng, không giống ai. Đó là do trên da và các lỗ tự nhiên của mỗi người có một số loại vi khuẩn khác nhau sống ký sinh, tạo nên một khuẩn chí riêng ở từng người. Mỗi loại vi khuẩn và mỗi tập hợp khuẩn chí trên da của một người sẽ tạo ra một mùi đặc trưng.
Mùi do vi khuẩn lên men gây ra kết hợp với mùi “sẵn có” của mồ hôi làm cho mùi của bạn không lẫn lộn với người khác được. Mùi sẵn có của mồ hôi là do thức ăn, bệnh tật của bạn tạo ra. Mùi hôi còn ở quần áo “bốc ra”. Khi mồ hôi tiết ra, thấm vào quần áo, vi khuẩn lây từ da của bạn ra quần áo và vi khuẩn ở môi trường, không khí bám vào quần áo làm lên men mồ hôi ở quần áo. Càng để lâu, mùi hôi từ quần áo thấm mồ hôi càng hôi. Nếu bạn quên giặt mà mặc tiếp thì những ngày sau, bạn đi đến đâu sẽ bốc mùi hôi đến đó.
Mồ hôi gây ra mùi
Cách khử mùi để cơ thể thơm tho suốt cả ngày
Nhờ tiến bộ của khoa học và mức sống, bạn có thể sử dụng nhiều biện pháp khử mùi hôi cơ thể giới thiệu sau đây:
Giảm ra mồ hôi bằng cách: sử dụng quạt, máy điều hòa nhiệt độ, mở rộng cửa, tăng độ thông gió để hạ thấp nhiệt độ môi trường nơi bạn làm việc. Thỉnh thoảng, bạn nên uống một ly nước mát cho đỡ ra mồ hôi. Dùng thuốc chống ra mồ hôi. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn để sử dụng một loại thuốc chống ra mồ hôi phù hợp với sức khỏe của bạn.
Khử mùi hôi cơ thể bằng các biện pháp: làm sạch vi khuẩn trên da với việc tắm rửa thường xuyên, rửa những vùng kín bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn. Mùa hè, bạn cần tắm rửa thường xuyên. Khám và điều trị khỏi các bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ngứa, vết thương... Với phụ nữ, cần dùng dung dịch vệ sinh rửa vùng kín hằng ngày, đồng thời khám và điều trị tích cực các bệnh phụ khoa vì chỉ khi nào hết viêm nhiễm thì mới hết mùi hôi ở vùng kín.
Mùa hè, nên mặc quần áo bằng vải cotton cho thấm mồ hôi tốt và cần phải thay quần áo ngày vài lần để tránh mùi hôi từ quần áo. Nếu quần áo đã thấm mồ hôi thì bạn cần thay ngay khi về nhà. Quần áo thay ra phải ngâm xà phòng hoặc giặt ngay để vi khuẩn không có cơ hội gây mùi hôi. Bạn cũng cần thường xuyên thay tất và giặt giày nếu bạn bị hôi chân. Sử dụng thuốc chống hôi nách, thông dụng nhất là lăn khử mùi.
Bạn nên thay tất và giặt giày thường xuyên
Hướng dẫn cách trị hôi nách từ phèn chua và phấn rôm cực kỳ hiệu quả
Làm sao để khử mùi hôi dưới cánh tay?
Đổ mồ hôi lạnh tay chân - nguyên nhân do đâu?
Tại sao không đi giày mà vẫn hôi chân?
Hậu quả khôn lường nếu không lau mồ hôi thường xuyên
Công thức của các lăn khử mùi thường gồm: chất diệt vi khuẩn, chất làm giảm tiết mồ hôi nách, chất bắt giữ mùi hôi. Các chất này tác dụng với các chất có mùi hôi ở nách, tạo thành hợp chất không có mùi hôi. Bạn mua lăn khử mùi và dùng theo hướng dẫn trên bao bì, nhưng cần theo dõi xem da của bạn có bị dị ứng không. Nếu bị dị ứng ngứa, bạn phải ngừng sử dụng ngay và đợi khi khỏi hẳn, bạn có thể dùng loại khác không gây dị ứng với da của bạn.
Nếu không có điều kiện mua lăn khử mùi, bạn có thể dùng một số bài thuốc Đông y chữa hôi nách như sau: tắm rửa sạch sẽ, cắt quả chanh tươi, lấy nửa quả xát vào hai bên nách, đợi khoảng 5 - 10 phút thì rửa sạch, làm ngày một lần; khi hết mùi hôi thì tuần xát chanh 2 lần. Hoặc dùng gừng tươi, giã nát, gạn lấy nước bôi vào nách, ngày 1 lần. Bạn cũng có thể dùng phèn chua tán bột mịn, xát vào nách, ngày 1 lần, sau 1 - 2 ngày hết mùi hôi thì bạn duy trì bằng cách xát tuần 2 lần. Bạn nên kiêng ăn các thức ăn nặng mùi như hành, tỏi, cà ri, thịt chó, cá có mùi tanh nhiều...
Nguồn: Sức khỏe đời sống
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!