3 cách loại bỏ vết chai tay, chân

Thời sự - 04/18/2024

Những vết chai sần ở chân tay vừa khiến bạn khó chịu vừa làm mất thẩm mỹ. Các mẹo đơn giản sau có thể giúp bạn giảm sự khó chịu này.

Nguyên nhân do đâu?

3 cách loại bỏ vết chai tay, chân

Bạn có thể xử lý vết chai tại nhà.

Chai là một vùng da bị hóa sừng, do quá sản các lớp thượng bì, đặc biệt là ở lớp sừng; ở tổ chức đệm là một khối xơ do tổ chức xơ quá phát triển. Tổn thương là những đám dày sừng màu ngà, vàng, khum lên, hình tròn hay bầu dục, sờ vào rất cứng, vùng ranh giới với da lành có thể bị nứt, từ đó gây bội nhiễm, đau đớn, đôi khi ở trung tâm bong sừng tạo nên một lõm ở giữa. Những chỗ thường xuyên tiếp xúc và cọ sát với một vật nào đó lâu ngày sẽ xuất hiện chai ở điểm tiếp xúc. Chai thường xuất hiện ở tay, chân. Thủ phạm gây chai ở tay thường là bút viết, tay lái xe máy, dụng cụ lao động. Còn thủ phạm gây chai bàn chân thường là giày, dép hoặc chính là xương các ngón chân ép sát vào nhau khi đi giày.

Chai chân còn gặp ở những người có dị tật ở bàn chân: bàn chân khum, có di chứng bại liệt ảnh hưởng tới tư thế của lòng bàn chân hoặc do tính chất di truyền. Ngoài nguyên nhân do cọ xát, tiếp xúc nói trên, chai còn là hậu quả của một lần nhiễm khuẩn khiến cho chai có nhân ở giữa (nhân này có thể là dị vật như mảnh vụn của gỗ, cát... nhưng cũng có khi là tác nhân gây viêm). Nhân của chai có chứa huyết thanh và gây đau đớn cho bệnh nhân, đôi khi tới mức không chịu đựng nổi. Những bệnh nhân mắc đái tháo đường thường bị nhiễm khuẩn khi bị chai chân.

Chai chân do virut ký sinh nếu không điều trị sẽ không mất đi mà tăng kích thước, xâm lấn sang xung quanh và lây lan ra vùng khác. Chai do virut gặp ở mọi vị trí ở gan bàn chân, gan bàn tay.

Cách loại bỏ vết chai

Đắp hành

Theo sách Đông y, hành có công dụng kháng viêm, đắp ngoài trị mụn nhọt, giảm nhiễm trùng. Theo kinh nghiệm dân gian, bằm nhuyễn hành và đắp vào vết chai sần sẽ làm cho vùng này mềm hơn, vết da chai sẽ bong tróc. Bạn nên làm vào các buổi tối, đắp hành vào rồi lấy vải sạch, hoặc băng y tế băng lại.

Xát chanh

Chanh chứa nhiều acid tự nhiên có tác dụng làm mềm vùng da chai cứng và làm sáng vết thâm đen. Bạn vắt nước cốt chanh vào cốc, cho thêm chút muối và quấy cho muối tan. Xoa hỗn hợp này vào vùng da chai cứng và massage đều. Làm như vậy khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước ấm.

Đắp hạt gấc

Hạt gấc có độc tố nhưng lại là vị thuốc trị bệnh. Hạt gấc có thể kháng viêm, làm mềm tế bào xơ chai, trị vết bầm tím. Bạn nên lấy nhân hạt gấc giã nhỏ, ngâm với rượu, rồi đắp vào vùng da chai sần và lấy băng quấn lại. Lưu ý không nên đắp hạt gấc lan rộng vào vùng da bình thường, không được uống rượu ngâm gấc vì có thể tử vong.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!