Không ai có thể phủ định tầm quan trọng của sự tự tin đối với trẻ em. Đó là ‘nguyên liệu’ không thể thiếu trong ‘công thức’ tạo nên những cá thể mạnh mẽ, là thuộc tính giúp trẻ hình thành những mối quan hệ lành mạnh và chống lại những cám dỗ của thời đại ngày nay, thời đại của quan hệ tình dục quá sớm hoặc sử dụng ma túy đối với rất nhiều trẻ.
Và dưới đây là chia sẻ của phụ huynh về những biện pháp đơn giản mà họ đã áp dụng để con cái của mình có được sự tự tin một cách tự nhiên nhất.
1. Khuyến khích cá tính riêng
Trong thế giới người lớn, chúng ta nói về việc tạo ra ‘điểm chung’ với những người tương tác cùng. Những người ‘có tiếng nói’ hoặc có ảnh hưởng đối với những việc xảy ra thường rất thích thú quan sát điều mình nói trở thành hiện thực.
Và ở khía cạnh này thì giữa người lớn và trẻ em không có sự khác biệt nhiều. Trẻ em cũng có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn và mãn nguyện hơn đối với những việc khiến chúng thấy vui vẻ và thỏa mãn, dù điều đó đồng nghĩa với việc trẻ sẽ không trở thành cầu thủ bóng đá hay nữ diễn viên múa ballet – những hình tượng mà cha mẹ có thể đã thầm hy vọng trẻ sẽ trở thành.
Hiệp hội Quốc gia các nhà Tâm lý học (Mỹ) đã nhấn mạnh: ‘Một đứa trẻ có nhiều khả năng tìm hiểu và lưu giữ thông tin khi về bản chất nó thực sự thích thú điều đó’.
Những đứa trẻ thiếu sự quan tâm và hứng thú chân thành đối với việc mình làm sẽ khó có thể xây dựng và phát triển lòng tự tin. Ngược lại, cả phụ huynh và trẻ đều sẽ cảm nhận được một niềm vui đặc biệt khi trẻ được phép nuôi dưỡng và phát triển cá tính của riêng mình.
2. Học hỏi từ những sai lầm
Một bà mẹ chia sẻ: 'Trong một lần tôi và con gái nấu ăn cùng nhau, thay vì rót dầu ăn từ chai to sang chai nhỏ để mang ra cho mẹ như tôi yêu cầu thì cô bé lại quyết định mang cả can dầu ăn to 5 lít ra. Tuy nhiên, chẳng may con bé trượt tay làm rơi can dầu và nắp can bung ra. Hậu quả là 5 lít dầu ăn đổ lênh láng và bắn tung tóe ra khắp sàn và tường bếp.
Lúc đó, dù không tỏ ra bực tức nhưng tôi có thể cảm nhận được sự lo lắng của con mình. Và thay vì tỏ ra thất vọng, tôi đã ngồi xuống bên cạnh, nhìn vào mắt con và nói: ‘Tai nạn đã xảy ra’. Sau đó, hai mẹ con cùng thảo luận xem sai lầm đó lẽ ra đã có thể phòng tránh như thế nào, và tại sao trước đó tôi lại yêu cầu con rót dầu ra chai nhỏ trước.
Sau khi những gì cần nói đã nói và việc cần làm đã làm, con bé cảm thấy hết lo lắng đồng thời hiểu được việc tuân theo quy định và hướng dẫn có thể giúp ngăn ngừa tai nạn'.
‘Là cha mẹ, trách nhiệm của chúng ta là giữ cho trẻ không bị tổn hại’, TS. Peggy Drexler, chuyên gia tâm lý (Mỹ) chia sẻ, ‘Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là che chắn và bảo vệ trẻ khỏi tất cả các khả năng phạm sai sót và thất bại. Nó có nghĩa là để trẻ thất bại một cách an toàn’.
3. Cùng nhau tạo ra quy tắc
Một phụ huynh tâm sự những quy tắc gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên cô con gái nhỏ của tôi chính là những quy tắc được tạo ra cùng với sự đóng góp ý kiến của con bé. Quá trình xây dựng quy tắc đó không chỉ giúp bố mẹ và con cái có cơ hội kiểm tra từng quy tắc với chiều sâu phù hợp để cả hai bên cùng hiểu rõ mà nó còn giúp đôi bên có trách nhiệm duy trì quy tắc đó. Và thông thường thì những quy tắc kiểu đó được áp dụng cho cả hai phía, cả cha mẹ và con.
Ví dụ, trong nhà tôi có một quy tắc mà chúng tôi cùng nhau lập ra đó là không ăn trên giường. Tuy nhiên, có thời điểm tôi bị một số chấn thương nghiêm trọng từ tai nạn xe nên ăn trên giường là điều bắt buộc. Tuy nhiên, tôn trọng ý kiến của con gái nên tôi đã hỏi ý kiến cháu về việc này. Sau một lát suy nghĩ, cháu đã đưa ra ý kiến là có thể có ngoại lệ nếu bên còn lại đồng ý. Tôi đồng ý với ý tưởng đó của con và khen ngợi con đã nghĩ ra giải pháp cho tình huống đó.
Và sau đó, mỗi khi hỏi con xem liệu mình có thể ăn trên giường không, tôi nhận thấy trên mặt con vẻ tự tin và chắc chắn. Sự tự tin của con bé đã được hình thành và phát triển khi cháu được tham gia vào toàn bộ quá trình ra quyết định chứ không chỉ đơn thuần là nhận những hậu quả của việc giữ hay phá vỡ một quy tắc.
4. Cho trẻ thấy việc bạn tìm hiểu và học hỏi
Nhìn thấy người lớn, đặc biệt là bố mẹ, tìm hiểu và học hỏi một vấn đề gì đó cũng có tác động nhất định lên sự tự tin của trẻ.
Một bà mẹ kể lại, một lần hai mẹ con tranh luận về một câu trả lời cho một vấn đề nào đó. Mặc dù không nhớ cụ thể đó là vấn đề gì, nhưng tôi nhớ rất rõ cảm giác của mình khi tôi tìm hiểu và phát hiện ra tôi sai – và con gái tôi đúng. Lúc đó tôi có một ham muốn mãnh liệt là che dấu sự thiếu hiểu biết của mình trước mặt con gái, nhưng rồi tôi đã quyết định đây là một cơ hội tuyệt vời để con thấy nên phản ứng thế nào khi nhận ra sai sót của bản thân.
Và bài học về sự khiêm tốn đã có tác động đúng như dự kiến. Và theo thời gian, con gái tôi đã có được sự tự tin và sẵn lòng chấp nhận nguy cơ mình có thể sai lầm bởi vì con bé biết rằng không có gì phải xấu hổ khi thừa nận rằng mình không biết tất cả mọi thứ.
Bằng cách để trẻ thấy quá trình bạn học hỏi điều gì đó bạn chưa biết bạn sẽ cho trẻ thấy rằng học hỏi và sự tự tin luôn đồng hành với nhau.
5. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực
Là cha mẹ, một điều vô cùng tự nhiên là chúng ta luôn muốn con mình ‘tắm’ trong những lời khen ngợi. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ khen ngợi những thành quả mà trẻ đạt được thay vì những nỗ lực của trẻ thì về lâu dài có thể dẫn đến hậu quả là trẻ sợ và không dám chấp nhận rủi ro vì sợ thất bại, sợ không nhận được những lời khen.
Tiến sỹ Bob Murray, chuyên gia tâm lý học lâm sàng (Mỹ) đã khuyến cáo rằng chúng ta ‘nên khen ngợi nỗ lực thay vì kết quả. Hãy khen ngợi sự sáng tạo, chăm chỉ, kiên trì cùng với những thành quả đạt được thay vì chỉ khen ngợi riêng bản thân thành quả’.
Ví dụ, khi con đạt điểm 10, thay vì chỉ khen ngợi điểm 10 đó thì hãy khen ngợi con đã học hành chăm chỉ và cố gắng hết mình để đạt được điểm số đó. Hãy cho con biết rằng miễn là con luôn cố gắng hết sức thì việc con có đạt điểm 10 hay không với bạn không phải là điều quan trọng nhất. Như thế, trẻ sẽ biết rằng những nỗ lực của trẻ sẽ luôn được trân trọng và đánh giá cao.
Và với cách này, các bậc phu huynh sẽ giúp trẻ tự tin rằng trẻ có thể đối mặt với bất kỳ khó khăn nào khi còn nhỏ cũng như khi trưởng thành nếu trẻ luôn nỗ lực và cố gắng hết mình.
Với sự chăm chỉ, tình yêu, và sự tự tin, chúng ta – các bậc cha mẹ - có thể giúp con em mình xây dựng và phát triển lòng tự tin và trở thành những cá thể trưởng thành đầy bản lĩnh trong xã hội ngày nay – một xã hội mà sự tự tin sẽ là kim chỉ nam giúp trẻ vượt qua mọi thách thức để đạt được thành công trong cuộc sống.
Ảnh minh họa: Internet
Nhật Khôi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!