Bạn không những cảm thấy mệt mỏi mà còn có thể dẫn đến những hành vi sai trái hay tai nạn giao thông khi uống quá say. Liệu có cách uống rượu không say để bạn không bỏ lỡ những cuộc vui mà vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân?
Nguyên nhân say rượu là do cồn ngấm vào cơ thể. Cồn sau khi vào trong cơ thể sẽ phải được lọc qua lá gan, sau đó sẽ đi đến não bộ theo đường máu. Bạn khó tránh được các cuộc nhậu, song nếu biết cách uống rượu không say thì hoàn toàn có thể kiểm soát được việc hấp thụ cồn này đấy.
1. Cách uống rượu không say bằng đồ ăn
Một bữa ăn nhẹ lành mạnh không chỉ giúp bạn có đủ năng lượng để cho buổi tiệc tùng mà còn giúp bạn lâu bị say hơn. Nếu bạn không có thời gian nấu một bữa ăn đầy đủ thì các món ăn vặt cũng sẽ làm chậm thời gian chất cồn ngấm vào cơ thể.
Các món bạn nên ăn trước khi uống rượu có thể kể đến như:
- Thịt gà
- Trứng
- Hạt hạnh nhân
- Bông cải xanh
- Phô mai
- Các loại trái cây như táo, cam, chanh, bơ…
2. Cách uống rượu không say bằng nước lọc
Việc pha loãng rượu với nước hay với các loại nước uống khác có thể giúp bạn uống rượu không say. Bạn hãy pha sao cho ly có nhiều nước hơn rượu để có thể vừa uống được lâu vừa không say. Nếu bạn uống bia, bạn có thể uống xen kẽ với nước thay vì chỉ uống bia không.
Bạn cũng nên uống nước lọc trước, trong và sau khi uống rượu để tránh cơ thể bị thiếu nước. Việc thiếu nước sẽ khiến bạn dễ bị say hơn đấy.
3. Uống rượu thật chậm rãi để lâu say
Dù bạn uống rượu, bia, cocktail hay bất cứ đồ uống có cồn nào khác thì việc uống thật chậm cũng sẽ giúp bạn lâu say hơn. Bạn hãy kéo dài thời gian nhâm nhi một ly đồ uống có cồn tới một tiếng, vì đây là khoảng thời gian gan cần để đưa hết chất cồn ra khỏi cơ thể.
Nếu có thể, bạn hãy uống nước lọc hay nước ngọt xen kẽ với nước uống có cồn để kéo dài thời gian. Bạn cũng có thể đi vòng quanh và trò chuyện với mọi người để không uống quá nhanh.
4. Cách uống rượu không say nhờ sữa
Bạn hãy uống nửa ly hoặc một ly sữa trước khi dùng đồ uống có cồn. Sữa khi đến dạ dày sẽ làm giảm khả năng hấp thụ cồn của dạ dày. Rượu vẫn sẽ đi vào cơ thể nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn và gan có thêm thời gian để loại bỏ thêm chất cồn trước khi phần cồn còn lại xâm nhập vào hệ thống thần kinh của bạn. Đây cũng là một cách để bạn bảo vệ sức khỏe khi đi nhậu.
Đồ uống có ga có thể phá vỡ lớp lót dạ dày nên cách này sẽ không hiệu quả khi bạn uống bia vì bia cũng có ga.
5. Cách uống rượu không say bằng giao tiếp
Cách giao tiếp trên bàn nhậu cũng góp phần quan trọng trong việc bạn uống nhiều hay ít. Vẫn có những cách hạn chế bia rượu mà vẫn không làm mất lòng bạn bè đấy.
Bạn có thể rủ mọi người cùng chụp hình tự sướng, chụp hình đồ ăn hay gợi những chủ đề đang nóng hiện nay để cùng bàn luận. Khi bận rộn chụp hình hay nói chuyện, bạn sẽ có ít thời gian uống hơn và bớt say hơn.
Đôi lúc, bạn cần tìm một số lý do hợp lý để từ chối lời mời rượu từ người khác như mình đang có vấn đề sức khỏe hay sáng mai cần dậy sớm đi họp. Bạn hãy nói thật nhẹ nhàng nhưng vẫn cương quyết để mọi người hiểu mình đang nghiêm túc.
Các cách uống rượu không say thật ra khá đơn giản và dễ áp dụng nhưng nhiều khi bạn vẫn có thể quên mất vì mải vui vẻ với bạn bè. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều bia rượu không hề tốt cho sức khỏe nên bạn hãy khéo léo tránh những nơi làm mình có nguy cơ say xỉn cao như bar, quán nhậu nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bệnh tiểu đường và rượu bia: Ảnh hưởng thế nào đến đường huyết?
- Cách hạn chế rượu bia mà không làm mất lòng bạn bè
- Rượu bia giúp bạn nói ngoại ngữ lưu loát hơn?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!