5 thực phẩm dễ gây dị ứng cần thận trọng

Dinh dưỡng - 11/28/2024

Sữa bò, trứng, cá... là thực phẩm cần thận trọng khi ăn để không bị dị ứng.

Sữa bò

5 thực phẩm dễ gây dị ứng cần thận trọng

Trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng sữa bò.

Dị ứng với sữa bò thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là khi chúng tiếp xúc với protein sữa bò trước khi chúng được 6 tháng tuổi. Đây là một trong những bệnh dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến 2-3% trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Tuy nhiên, khoảng 90% trẻ em sẽ hết bệnh khi lên 3 tuổi, điều này khiến cho bệnh này ít phổ biến hơn ở người lớn.

Dị ứng sữa bò thông qua kháng thể IgE và kháng thể không IgE. Nhưng dị ứng sữa bò thông qua IgE vừa phổ biến vừa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nhất. Trẻ em hoặc người lớn bị dị ứng IgE có xu hướng phản ứng trong vòng 5–30 phút sau khi uống sữa bò. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp bao gồm phù mặt, phát ban trên da, nổi mề đay, nôn mửa, thậm chí có thể dẫn tới sốc phản vệ. Dị ứng không phải IgE thường có nhiều triệu chứng liên quan đến đường ruột hơn như nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy, cũng như viêm thành ruột. Dị ứng sữa không IgE có thể khó chẩn đoán hơn. Điều này là do đôi khi các triệu chứng có thể gợi ý tình trạng không dung nạp và không có xét nghiệm máu đặc hiệu để phát hiện.

Nếu trẻ được chẩn đoán dị ứng sữa bò, cách điều trị duy nhất là không uống sữa bò và các loại thực phẩm có chứa chất này như sữa bột, phô mai, bơ thực vật, sữa chua, kem. Các bà mẹ đang cho con bú có trẻ bị dị ứng cũng nên loại bỏ sữa bò và thực phẩm có chứa sữa bò khỏi chế độ ăn của mình. Đối với những trẻ không bú sữa mẹ, chuyên gia y tế sẽ khuyến nghị một giải pháp thay thế phù hợp. Trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng bị dị ứng đạm sữa bò phổ biến nhất. Chẩn đoán dị ứng sữa bò có nghĩa là phải tránh tất cả các loại sữa và các sản phẩm từ sữa.

Trứng

Trứng là nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm phổ biến thứ 2 ở trẻ em. Tuy nhiên, 68% trẻ em bị dị ứng với trứng sẽ biểu hiện tình trạng dị ứng khi chúng 16 tuổi. Các triệu chứng bao gồm:

Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng

Phản ứng da, chẳng hạn như phát ban

Vấn đề về đường hô hấp

Sốc phản vệ (hiếm gặp)

Điều thú vị là một người có thể chỉ bị dị ứng với lòng trắng trứng nhưng không phải lòng đỏ và ngược lại. Nguyên nhân là do cấu trúc protein của lòng đỏ và lòng trắng trứng không giống nhau. Hầu hết các protein gây dị ứng được tìm thấy trong lòng trắng trứng, do đó, dị ứng lòng trắng trứng phổ biến hơn. Giống như các bệnh dị ứng khác, cách điều trị dị ứng trứng là tuân thủ một chế độ ăn không có trứng. Tuy nhiên, bạn có thể không phải tránh tất cả các thực phẩm liên quan đến trứng, vì việc đun nóng trứng có thể làm thay đổi hình dạng của các protein gây dị ứng. Điều này có thể ngăn hệ miễn dịch của cơ thể xem chúng là có hại, có nghĩa là chúng ít có khả năng gây ra phản ứng.

Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% trẻ em bị dị ứng trứng có thể ăn bánh quy hoặc bánh ngọt có thành phần từ trứng được nấu chín. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giới thiệu bánh nướng cho trẻ bị dị ứng trứng có thể rút ngắn thời gian để trẻ khỏi bệnh. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả mọi người và hậu quả của việc ăn phải trứng khi bạn bị dị ứng với chúng có thể rất nghiêm trọng. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng lại bất kỳ loại thực phẩm nào có chứa trứng.

Dị ứng cá thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành, người bị dị ứng hiếm khi tự thoát khỏi tình trạng này. Bệnh hay gặp ở nơi người dân hay ăn cá.

Tuy cá hết sức đa dạng, thành phần gây dị ứng chính của tất cả các loại cá là protein parvalbumin. Những người phản ứng với một loại cá thường cũng dị ứng với các loại cá khác.

Dị ứng cá thường gây biểu hiện ngoài da và tiêu hóa, xuất hiện ngay sau khi ăn. Đôi khi có thể có phản ứng toàn thân, bao gồm cả sốc phản vệ.

Nhiệt độ cao không làm phá hủy tính dị ứng của parvalbumin, vì vậy tránh ăn cá là biện pháp duy nhất để phòng ngừa.

Tôm cua

Dị ứng với hải sản có vỏ cứng như tôm cua thường xuất hiện ở trẻ lớn và người lớn, nhất là ở những vùng người dân hay ăn tôm cua. Người dị ứng với tôm cua cũng thường dị ứng với các loài nhuyễn thể như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc…

Triệu chứng dị ứng bao gồm phản ứng cục bộ nhẹ ở miệng (ngứa miệng, họng) tới phản ứng toàn thân, đe dọa tính mạng. Đôi khi có thể có biểu hiện đường tiêu hóa và hô hấp.

Nhiệt độ cao không làm giảm tính dị ứng của nhóm thực phẩm này, vì vậy người dị ứng cần tránh tất cả các loại tôm cua.

Lạc

Khoảng 0,5-1% trẻ bị dị ứng lạc. Không như dị ứng sữa và trứng, bệnh này ít tự khỏi, 75% các bé vẫn dị ứng lạc khi trưởng thành.

Lạc là cây họ đậu có nguồn gốc Nam Mỹ, cùng họ với các loại đậu hạt, đậu nành. Thủ phạm gây dị ứng là các protein dự trữ, nguồn dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cây sau này. Hai protein gây dị ứng mạnh nhất là vicilin và albumin, vẫn bền vững ở nhiệt độ cao, tuy nhiên lạc nướng gây dị ứng nhiều hơn lạc luộc hay rang.

Biểu hiện lâm sàng của dị ứng lạc có thể gồm dị ứng ở miệng (ngứa miệng và họng) hay khó thở (hen), thậm chí là sốc phản vệ. Trong tất cả các loại dị ứng thức ăn, dị ứng với lạc thường có biểu hiện nặng nề nhất.

Lạc có thể gây dị ứng mạnh ngay trong lần sử dụng đầu tiên. Triệu chứng ngứa ran ở môi khi tiếp xúc với lạc là dấu hiệu cảnh báo của phản ứng mạnh có thể xảy ra. Trong một số ít trường hợp, chỉ cần hít phải mùi lạc hoặc tiếp xúc da tối thiểu, thậm chí là hôn nhau cũng có thể dẫn tới dị ứng lạc.

Khoảng 80% trẻ em bị dị ứng lạc sẽ phản ứng ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên. Còn chưa rõ vì sao cơ thể có phản ứng dị ứng khi chưa tiếp xúc trực tiếp với lạc trước đó. Có giả thiết cho rằng các bé đã làm quen với protein lạc khi nằm trong bụng mẹ hoặc trong thời gian bú mẹ. Bệnh nhân dị ứng lạc cũng thường dị ứng với các loại hạt cây như hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ cười…

Ngưỡng gây dị ứng lạc được ghi nhận là 1 miligam (một hạt lạc có khối lượng trung bình 500-1000 mg). Điều này có nghĩa 1/1.000 hạt lạc cũng có thể làm khởi phát phản ứng dị ứng ở một số bệnh nhân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!