Vi-rút này có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới sức khỏe bằng việc tấn công hệ thần kinh của người trưởng thành và gây viêm rễ thần kinh cột sống dẫn tới hội chứng Guillain Barre – một rối loạn thần kinh gây yếu cơ xuất phát từ chân sau đó lây lan đến cánh tay và mặt khiến người bệnh cảm thấy tê liệt các chi và khó đi lại.
Đặc biệt nó là nỗi ám ảnh đối với phụ nữ mang thai bởi có thể gây ra dị tật bẩm sinh đối với thai nhi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có gần 3900 trường hợp bị nghi nhiễm vi-rút Zika tại Brazil, trong đó có 224 trẻ sơ sinh mang vi-rút gây teo não này và 49 trường hợp đã tử vong.
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm vi-rút Zika ở phụ nữ mang thai hoặc trong độ tuổi mang thai và muốn sinh con.
Sống trong vùng có dịch bệnh do vi-rút Zika
Nguy cơ lây nhiễm vi-rút Zika rất cao bởi ở rất gần nguồn bệnh và trung gian truyền bệnh do đó hiểm họa sẽ luôn rình rập trong mọi hoạt động thường ngày.
Bà bầu nhiễm vi-rút Zika thì khả năng thai nhi bị dị tật là rất lớn (Ảnh minh họa: Internet)
Các chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo và hướng dẫn tự bảo vệ sức khỏe đối với những người sống trong vùng dịch và khuyên phụ nữ ở những vùng có dịch không nên có thai trong vòng 2 năm tới bởi đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị hay vắc-xin phòng ngừa vi-rút Zika. Đối với phụ nữ mang thai, cần hợp tác cùng các chuyên gia y tế để theo dõi sức khỏe bản thân và thai nhi kỹ lưỡng hơn.
Di chuyển/du lịch đến vùng có dịch
Việc chuyển đến môi trường sống mới khiến cơ thể chưa thích nghi ngay với những thay đổi về khí hậu, nhịp sống, múi giờ, văn hóa… dẫn đến sức khỏe bản thân trở nên yếu hơn, bên cạnh đó, việc đến gần vùng dịch cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc với yếu tố trung gian truyền bệnh, từ đó nguy cơ nhiễm bệnh cũng cao hơn.
Do vậy các chuyên gia khuyến cáo để ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút Zika, mỗi cá nhân nên mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, bôi kem chống muỗi, ngủ trong màn và theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu có các triệu chứng khả nghi phải đi khám bác sĩ ngay. Tốt nhất, nếu tránh được thì nên hủy hoặc hoãn chuyến đi tới các vùng có dịch để giảm nguy cơ bị lây nhiễm.
Vừa trở về từ vùng có dịch vi-rút Zika
Vi-rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày nên những người vừa trở về từ vùng có dịch hoàn toàn có khả năng mang theo mầm bệnh về và phát tán trong cộng đồng mình sinh sống.
Dị tật đầu nhỏ là hậu quả do vi-rút Zika gây ra (Ảnh minh họa: Internet)
Các chuyên gia y tế khuyến cáo những người từ vùng dịch trở về nên tích cực theo dõi tình trạng sức khỏe trong 14 ngày. Nếu thấy các triệu chứng như sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt thì cần đến ngay các trung tâm y tế, bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Sống trong gia đình có người nhiễm bệnh
Phương thức lây truyền vi-rút Zika chủ yếu lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes từ người có bệnh sang người khỏe mạnh. Vì vậy, nếu phụ nữ mang thai sống trong gia đình có người nhiễm vi-rút thì nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn do có thể bị muỗi đốt người bệnh truyền vi-rút sang. Do đó, cách tốt nhất để hạn chế khả năng lây nhiễm vi-rút này là tích cực diệt muỗi, làm sạch môi trường sống để muỗi không có môi trường sinh sống, tránh để muỗi đốt truyền bệnh. Nếu phát hiện có người nhiễm vi-rút Zika, cần điều trị tích cực cho người đó.
Phụ nữ mang thai có sức đề kháng cơ thể kém
Khi mang thai, sức đề kháng cơ thể giảm do thay đổi nội tiết tố nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Những bệnh này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, trong thời gian mang thai, bà bầu phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe bằng ăn uống những thực phẩm an toàn đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường ăn trái cây, rau xanh, nhất là những loại trái cây nhiều vitamin như cam, chanh, bưởi…
Ngoài ra, bà bầu cũng cần uống nhiều nước, giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, tập thể dục hàng ngày để tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho cơ thể. Hạn chế tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu không thực sự bắt buộc, hãy hoãn hoặc hủy bỏ các chuyến đi tới những vùng có dịch bệnh.
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!