Vi-rút Zika nguy hiểm với phụ nữ mang thai như thế nào?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Các bác sỹ không khuyến khích xét nghiệm vi-rút Zika thường xuyên đối với phụ nữ mang thai vừa đến một nước có dịch.

Trong tình hình thông tin về vi-rút Zika và ảnh hưởng của nó tới phụ nữ mang thai vẫn còn hạn chế như hiện nay, những phụ nữ đã hoặc chưa mang thai mới trở về từ vùng dịch hoặc mới hồi phục do nhiễm vi-rút Zika cần được thăm khám và theo dõi chặt chẽ trước khi có bất cứ quyết định nào.

1. Vi-rút Zika ảnh hưởng gì đến phụ nữ mang thai và thai nhi?

Khi bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt, nguy cơ nhiễm vi-rút Zika ở phụ nữ mang thai và những đối tượng khác là như nhau. Rất nhiều phụ nữ không biết mình đã nhiễm vi-rút này do không có triệu chứng. Theo thống kê, cứ 4 người nhiễm thì chỉ 1 người xuất hiện các triệu chứng, phổ biến nhất là sốt nhẹ và phát ban. Zika cũng có thể gây các triệu chứng khác như đau mắt, đau khớp, đau cơ và cảm giác khó chịu, xuất hiện sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt từ 2 - 7 ngày.

Các nghiên cứu đang được thực hiện để xác định ảnh hưởng của vi-rút Zika lên thai nhi. Theo một nghiên cứu phân tích sơ bộ do chính phủ Braxin thực hiện, nhiễm vi-rút Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây dị tật và đầu nhỏ cho thai nhi. Nguy cơ lây truyền vi-rút Zika từ mẹ sang con cũng chưa được khẳng định do sự hạn chế về thông tin hiện có.

Vi-rút Zika nguy hiểm với phụ nữ mang thai như thế nào?

Vi-rút Zika trở nên nguy hiểm vì nó được lây truyền do loài muỗi Aedes

2. Tật đầu nhỏ là gì?

Tại một số bang của Braxin nơi vi-rút Zika đang lây lan trong những tháng gần đây đã ghi nhận một số ca sơ sinh bị tật đầu nhỏ. Tật đầu nhỏ là một bệnh hiếm gặp, do di truyền hoặc môi trường (liên quan đến độc tố, phóng xạ hoặc truyền nhiễm). Dị tật này làm trẻ sơ sinh có chu vi đầu nhỏ hơn bình thường và có thể xuất hiện cùng các triệu chứng khác như co giật, chậm phát triển hoặc khó ăn uống.

Những triệu chứng này khác nhau về mức độ nghiêm trọng và có thể đe dọa tử vong. Để đánh giá trẻ có mắc tật đầu nhỏ hay không, cần tiến hành đo chu vi đầu của bé khi sinh và 24 giờ sau sinh. Hiện không có cách điều trị tật đầu nhỏ ngoài việc kiểm tra và giám sát liên tục để kích thích khả năng của trẻ. 

Vi-rút Zika nguy hiểm với phụ nữ mang thai như thế nào?

Một trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ được nghi là do vi-rút Zika

3. Phòng và trị Zika thế nào?

Hiện chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu dành cho vi-rút Zika mà chủ yếu hướng đến giảm nhẹ các triệu chứng. Chính vì vậy, những người chuẩn bị hoặc đang mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sỹ và tuân thủ theo những khuyến nghị của họ. Cân nhắc hoãn đi đến những vùng đang lây nhiễm vi-rút Zika hoặc nếu vẫn đi thì cần tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ và có các biện pháp bảo vệ suốt hành trình như:

- Mặc quần áo dài tay và đội mũ để tránh muỗi đốt

- Sử dụng thuốc chống muỗi theo chỉ định của bác sỹ hoặc hướng dẫn trên nhãn

- Bảo vệ cơ thể bằng màn nếu ngủ ban ngày

- Dọn dẹp những nơi muỗi sinh sản

4. Cách chẩn đoán vi-rút Zika ở phụ nữ mang thai?

Vi-rút Zika nguy hiểm với phụ nữ mang thai như thế nào?

Phụ nữ sống hoặc đi qua vùng dịch Zika cần phải được bác sĩ chẩn đoán trước khi quyết định mang thai

Vi-rút Zika tồn tại trong máu của người nhiễm bệnh từ vài ngày đến một tuần. Nếu phụ nữ có thai sau khi hết vi-rút trong máu sẽ không nhiễm cho trẻ. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy việc nhiễm vi-rút Zika sẽ gây dị tật sơ sinh cho những thai phụ tương lai.

Đối với người đang dự định mang thai và vừa hồi phục sau nhiễm vi-rút Zika thì cần hỏi ý kiến bác sỹ sau khi hồi phục. Những người vừa đến vùng dịch cũng cần đi khám bác sỹ sau khi trở về nếu muốn mang thai.

Hiện nay, vì một số lý do, các bác sỹ không khuyến khích xét nghiệm vi-rút Zika thường xuyên đối với phụ nữ mang thai vừa đến một nước có dịch. Một là có thể có kết quả dương tính giả do kháng thể được tạo ra để chống lại những vi-rút liên quan. Hai là chưa rõ nguy cơ đối với thai nhi nếu người mẹ có kết quả dương tính với kháng thể vi-rút Zika.

>> Xem thêm: Chủ đề y tế nổi bật: Bệnh do vi-rút Zika

Ảnh minh họa: Internet

Ngọc Hòa (CDC, Paho)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!