6 phương pháp trị bệnh cổ xưa hiện vẫn dùng

Cần biết - 05/07/2024

Khi mắc bệnh, ai cũng muốn được điều trị bằng phương pháp y học hiện đại, tiên tiến nhất.

Nhưng trong một vài trường hợp, các bác sĩ vẫn sử dụng những những phương pháp cổ xưa đã có từ hàng ngàn năm, bởi vì chúng hiệu quả hơn mọi phương pháp hiện có. Điều trị bằng đỉa và giòi là một trong những phương pháp trị bệnh cổ xưa mà các bác sĩ ngày nay vẫn còn sử dụng.

Liệu pháp đỉa

Theo Tạp chí British Medical Journal, đỉa được sử dụng lần đầu tiên trong y học vào khoảng năm 800 trước Công nguyên để trích máu - một thủ thuật mà các bác sĩ thời đó tin rằng sẽ chữa sốt, đau đầu và các chứng bệnh nặng. Ngày nay, đỉa được dùng để kích thích tuần hoàn máu sau các phẫu thuật ghép da hay phẫu thuật tạo hình. Bác sĩ Stephen Kovac, trợ lý Giáo sư phẫu thuật ở Phòng Phẫu thuật của Penn Medicine cho biết 'Nếu ai đó bị mất tai, thì khi ghép lại cái tai đó, sẽ cần tái  lập nguồn cung cấp máu. Chúng tôi sẽ cầu cứu đến đỉa để làm việc này. Những con vật đáng sợ ấy sẽ đóng vai trò như 1 cầu nối cho đến khi cơ thể tái lập được kết nối mạch máu'.

6 phương pháp trị bệnh cổ xưa hiện vẫn dùng

Đỉa được sử dụng lần đầu tiên trong y học vào khoảng năm 800 trước Công nguyên

Liệu pháp giòi

Giòi thường đi liền với xác chết, nhưng chúng cũng có thể làm được những điều kì diệu cho người sống. Giòi được sử dụng đầu tiên bởi các thổ dân Mỹ, các bác sĩ quân y đã dùng giòi trong cuộc nội chiến Mỹ để giúp giữ cho vết thương sạch sẽ, ngăn ngừa sự nhiễm trùng mô, và thúc đẩy lành vết thương. Nghiên cứu đầu tiên về liệu pháp giòi được trình bày vào năm 1929. Ngày nay, chúng được sử dụng với những vết thương có diện tích bề mặt lớn khi bác sĩ phẫu thuật cho rằng chúng là sự lựa chọn tốt hơn so với việc liên tục cắt lọc vết thương bằng tay. ‘Giòi là 1 cỗ máy cắt lọc tuyệt vời,' Kovach nói, 'và bạn sẽ không thể thấy vết thương nào sạch hơn 1 vết thương có giòi.'

6 phương pháp trị bệnh cổ xưa hiện vẫn dùng

Giòi được sử dụng đầu tiên bởi các thổ dân Mỹ

Phẫu thuật qua xoang bướm

Phẫu thuật qua xoang bướm là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu trong đó các bác sĩ cắt bỏ khối u ở một số vùng của não qua đường mũi. Mặc dù có vẻ giống 1 thủ thuật mới, song Raj Sindwani, bác sĩ Tai - Mũi - Họng tại phòng khám Cleveland Clinic, cho biết cách mổ này đã được thực hiện từ hàng ngàn năm trước. 'Người Ai Cập cổ đại phát hiện ra rằng điểm tiếp cận đến não là mũi', ông nói. 'Họ đã sử dụng thủ thuật này để lấy não qua đường mũi trước khi ướp xác. Bây giờ chúng ta tận dụng lợi thế của kỹ thuật này để loại bỏ các khối u não ở khu vực đó'.

Ghép phân

Nghe có vẻ hơi kinh dị, nhưng ghép phân thực sự là một cách chữa bệnh kì diệu. Việc đưa phân 'lạ' vào đại tràng sẽ làm thay đổi cấu trúc của vi khuẩn đường ruột. Thực tế đã chứng minh đây là cách điều trị hiệu quả cho nhiễm Clostridium difficile  - một bệnh nhiễm trùng gây tiêu chảy, sốt và đau bụng. 'Người Trung Quốc là những người đầu tiên nhận ra rằng việc thay đổi hệ vi khuẩn trong ruột già có thể là cách điều trị có lợi,' Bret Lashner, bác sĩ tiêu hóa ở Cleveland Clinic nói. 'Chiết xuất từ phân được dùng bằng đường uống dưới dạng 'súp màu vàng'.

Khoan sọ

6 phương pháp trị bệnh cổ xưa hiện vẫn dùng

Thời Trung cổ, phẫu thuật khoan sọ được sử dụng để giải thoát 'linh hồn xấu'

Phẫu thuật này đã có từ thời tiền sử. Thời Trung cổ, phẫu thuật khoan sọ được sử dụng để giải thoát 'linh hồn xấu'- một thuật ngữ chẩn đoán thường được áp dụng vô tội vạ mỗi khi thầy thuốc không biết điều gì xảy ra với người bệnh, theo Ty Thaiyananthan, bác sĩ phẫu thuật thần kinh của Viện Brain and Spine Institute ở California nói. Ngày nay, phẫu thuật này vẫn được sử dụng, chỉ là không dùng búa và đục. 'Chúng tôi lấy một máy khoan điện và khoan vào hộp sọ', ông nói. 'Cách làm này thường được sử dụng nhất để giảm bớt áp lực cho người bị chấn thương sọ não'.

Mổ đẻ

Dù không phải là 1 phương pháp điều trị, mổ đẻ là phẫu thuật được áp dụng khá phổ biến ngày nay. Nhưng mổ đẻ là 1 trong những thủ thuật y học lâu đời nhất, có từ năm 320 trước Công nguyên. Có vô số tài liệu nhắc đến mổ đẻ trong lịch sử, nhưng tỷ lệ tử vong thường rất cao. Mãi cho đến năm 1880, khi kỹ thuật giảm thiểu chảy máu được phát triển, mổ lấy thai  mới trở thành phổ biến như hiện nay, với gần 1/3 số trẻ em được ra sinh bằng phương pháp này vào năm 2012, theo báo cáo củaTrung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ.

>> Xem thêm: Chữa bệnh bằng cách đốt lửa trên người

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!