Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Hiện nay các bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức khác nhau, trong đó 0,4% bệnh viện tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, 27% bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, 68% đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên và chỉ còn 4,6% bệnh viện thuộc nhóm Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Trong năm 2019, Chính phủ thực hiện tự chủ thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy 'phục vụ' sang 'cung ứng dịch vụ'.
Theo ông Hoàng Hữu Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là bệnh viện hạng I, với quy mô 1.200 giường bệnh. Kể từ khi được giao thực hiện tự chủ nhưng với những văn bản hiện hành, nhiều bệnh viện công đang lúng túng trong cách hiểu, cách vận dụng tự chủ bệnh viện, dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ.
Mặc dù chủ trương giao các bệnh viện tiến hành tự chủ về nhân lực, nhưng lại áp định mức giảm biên chế; giao tự chủ về tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh vẫn phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp, nhiều ngành, tốn nhiều thời gian. Không chỉ có vậy, những bất cập trong công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giao dự toán chi phí khám chữa bệnh chưa sát thực tế, thiếu căn cứ. Công tác giám định bảo hiểm y tế còn qua nhiều khâu, nhiều tầng, nhiều thủ tục. Cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thiếu thống nhất dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng và gặp nhiều khó khăn.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa là ví dụ điển hình cho rất nhiều bệnh viện công lập trên toàn quốc hiện đang gặp khó trong công tác tự chủ vì vướng các cơ chế, chính sách hiện hành.
Tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công hiện chưa đầy đủ. Thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập. Nhiều bệnh viện được giao tự chủ song chưa tự chủ 'thực chất' do còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, con người, bố trí nhân sự và biên chế.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu, tuy nhiên nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện tự chủ thiếu thống nhất, không đồng bộ, làm cho nhiều bệnh viện công đang lúng túng trong cách hiểu, cách vận dụng tự chủ bệnh viện, dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng và gặp nhiều khó khăn.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài chính cần sớm ban hành tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ để làm cơ sở áp dụng mức giá cho phù hợp với chất lượng. Nếu chưa có cơ sở áp dụng mức giá sẽ dẫn đến chất lượng dịch vụ giữa các cơ sở y tế cũng khác nhau, từ đó tạo ra sự không công bằng trong thanh toán và chi phí khám chữa bệnh của người dân. Nếu Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ thì đó là cơ sở áp dụng mức giá cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người bệnh.
Không chỉ có vậy, đối với việc thực hiện tự chủ tại các bệnh viện công cấp tỉnh, theo quy định hiện nay, việc quyết định mức giá, thời điểm áp dụng giá khám chữa bệnh không thanh toán từ quỹ Bảo hiểm y tế phải căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Việc ban hành nghị quyết, và quyết định lại phải phải có quy trình, thời gian thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong khi Luật Giá quy định phải kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành giá thay đổi. Chính việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm dẫn đến nhiều bệnh viện phải có 2 bảng giá: Giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho đối tượng không có bảo hiểm y tế.
Theo đề nghị của đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành Trung ương cần sớm hoàn thiện và ban hành đồng bộ, cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Cụ thể hóa về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế và những chính sách liên quan áp dụng cho ngành y tế phải khác biệt so với các ngành kinh tế khác, thể hiện được tính toàn diện và những mục tiêu mang tính nhân văn của lĩnh vực y tế. Quy định rõ thẩm quyền được phép giao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế công lập.
Việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công, với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tự chủ bệnh viện công sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giữa các cơ sở y tế. nâng cao tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các bệnh viện công lập. Thế nhưng hiện vẫn còn thiếu nhiều chính sách để 'quản' tự chủ, đang ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người bệnh cũng như thất thoát quỹ bảo hiểm y tế.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!