6 thói quen trong bếp đưa bạn tới gần hơn với... ung thư

Vui khỏe - 11/24/2024

Khi muối dưa cà trong bình nhựa, axít trong dưa cà sẽ kết hợp với các chất phụ gia từ bình nhựa tạo nên các chất độc gây ung thư.

Nhiều bà nội trợ ngày nay thường chú trọng việc chế biến món ăn sao cho ngon miệng đẹp mắt mà không để ý đến một số thói quen nấu nướng tưởng chừng vô hại nhưng lại có thể vô tình gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình.

Sử dụng chai lọ inox, nhựa đựng nước hoa quả

Theo một nghiên cứu gần đây, khi các chuyên gia đựng nước tinh khiết và nước trái cây trong bình đựng bằng inox, sau một thời gian, hàm lượng kim loại nặng trong nước trái cây tăng đột biến và vượt giới hạn cho phép còn nước tinh khiết thì không có hiện tượng này. Nguyên nhân là do các loại nước trái cây có nhiều axít kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox dẫn tới phản ứng hóa học tạo nên các chất gây ung thư. Tương tự như vậy với việc ngâm các loại hoa quả trong bình nhựa bởi acid trong các loại quả này phản ứng với chất tạo dẻo của nhựa tạo thành các chất độc có thể gây ung thư.

Lời khuyên đưa ra là nên dùng các loại bình, hộp thủy tinh chất lượng tốt để ngâm, đựng các loại quả, nước trái cây để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

6 thói quen trong bếp đưa bạn tới gần hơn với... ung thư

Nhiều người có thói quen đựng nước hoa quả trong bình nhựa (ảnh minh họa: Internet)

Muối dưa hành trong bình nhựa

Cũng tương tự như đựng nước trái cây trong chai lọ nhựa, khi muối dưa cà trong bình nhựa, axít trong dưa cà sẽ kết hợp với các chất phụ gia từ bình nhựa tạo nên các chất độc gây ung thư. Theo lời PGS.TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – trong quá trình sản xuất bình nhựa, nhà sản xuất thường dùng chất melamine và các phụ gia khác như chất làm dẻo, tạo màu. Các chất này dễ bị phôi nhiễm vào thực phẩm nếu bình nhựa không được sử dụng đúng chức năng khi nó được tạo ra, từ đó dẫn đến người dùng dễ bị nhiễm độc gây hại tới sức khỏe.

Tắt máy hút mùi ngay khi nấu xong

Trong không gian nhỏ hẹp của bếp, các chất khí độc hại như CO2, NO¬2 sinh ra từ các nguyên liệu đốt như hơi gas, khí than, khói bốc lên từ dầu ăn nên nhiều gia đình mở máy hút mùi trong khi nấu nướng để loại bỏ những khí độc này. Tuy nhiên, một số người nội trợ lại có thói quen tắt máy hút mùi ngay khi vừa nấu nướng xong dẫn đến những khí thải độc hại vẫn còn lưu lại trong bếp. Mà những khí này lại là nguyên nhân gây ung thư nếu hít phải trong thời gian dài. Vậy nên hãy chỉ tắt máy hút mùi sau khi nấu nướng khoảng 5-10 phút để đảm bảo những khí thải độc hại được hút hết ra ngoài, đồng thời trong khi nấu nướng cũng nên mở cửa sổ hoặc cửa ra vào phòng bếp để không khí được lưu thông.

Nấu ăn bằng bếp gas

Bếp gas không những kém an toàn bởi khả năng cháy nổ cao nếu rò rỉ khí gas mà còn có những tác hại xấu tới sức khỏe con người khi sử dụng lâu dài. Khi đun nấu bằng bếp gas, không gian nấu ăn cũng bị bao phủ bởi lượng lớn các khí cacbon monoxit, nitrogen dioxit, và formandehit. Theo các nhà khoa học, 3 loại khí này được tìm thấy trong khói thuốc lá khi hút thụ động, và các chuyên gia cũng phát hiện ra mức độ tiếp xúc khí thoát ra từ bếp gas vượt quá các nguyên tắc đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

6 thói quen trong bếp đưa bạn tới gần hơn với... ung thư

Sử dụng bếp ga tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (ảnh minh họa: Internet)

Đun dầu nóng bốc khói mới cho thức ăn vào chiên xào

Nhiều người nội trợ thường đợi tới khi dầu thật nóng tới mức bốc khói mới cho thức ăn vào chiên xào. Tuy nhiên thói quen này vô tình kéo bệnh ung thư lại gần gia đình hơn bởi chế biến đồ ăn trong dầu quá nóng sẽ sinh ra chất gây ung thư và khiến chất dinh dưỡng trong thức ăn mất đi rất nhiều, làm biến chất vitamin tan trong chất béo khiến chất béo mà cơ thể cần bị oxy hóa. Từ đó, thức ăn không còn là món bổ dưỡng mà trở thành 'thuốc độc' cho sức khỏe.

Do vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chỉ nên nấu ăn khi dầu ở nhiệt độ 150-180 độ C. Cách nhận biết đơn giản là khi nhúng đũa vào dầu mà thấy quanh đầu đũa có nhiều bọt khí thì nên cho thức ăn vào chế biến.

Chế biến nhiều món khác nhau mà không rửa xoong nồi

Hành động này tưởng chừng không có gì nguy hại lại còn tiết kiệm thời gian, nước rửa bát, nước sạch cho người nội trợ. Tuy nhiên, bề mặt xoong nồi sau mỗi lần chế biến thức ăn sẽ còn sót lại mỡ và thức ăn thừa. Những thứ này nếu lại tiếp tục qua một lần chế biến ở nhiệt độ cao nữa sẽ sinh ra benzopyrene – một chất gây nên bệnh ung thư. Vì vậy, các chuyên gia khuyên người nội trợ nên rửa sạch nồi xoong trước khi chế biến một món mới để đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như vệ sinh chế biến.

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!