Nếu quyết định cho con bú sữa mẹ, bạn cần đặc biệt lưu tâm đến một số bệnh lây nhiễm có thể truyền qua sữa mẹ. Cùng tìm hiểu để biết chúng có khiến bạn không được cho con bú không nhé.
HIV
Học viện Nhi khoa Mỹ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyên các mẹ bị nhiễm HIV không được cho con bú, vì virus có thể truyền qua trong sữa mẹ sang trẻ. Tuy nhiên, bé vẫn có thể được uống sữa mẹ an toàn từ nguồn sữa mẹ được hiến. Sữa sẽ được thu nhận từ các bà mẹ không bị nhiễm HIV hoặc các bệnh truyền nhiễm khác và tiệt trùng bằng quy trình chuẩn. Trong trường hợp người mẹ không tìm thấy nguồn sữa này, WHO khuyến nghị họ vẫn có thể cho con bú miễn là họ tuân thủ điều trị thuốc ARV, đồng thời cho trẻ bú trong suốt thời kì nuôi con bằng sữa mẹ và đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
Viêm gan B
Nếu bạn bị nhiễm viêm gan B, con bạn phải được tiêm phòng viêm gan B cùng với kháng thể kháng HBV (HBIG) càng sớm càng tốt sau khi sinh. Việc tiêm 2 mũi này giúp ngăn chặn sự truyền nhiễm của bệnh viêm gan B từ mẹ sang con hiệu quả hơn. Trong thực tế, vắc xin viêm gan B được khuyến cáo dùng cho tất cả các trẻ sơ sinh. Virus viêm gan B đã được phát hiện trong sữa mẹ, nhưng chưa được chứng minh là làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho bé khi bé bú. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng cho rằng mẹ bị viêm gan B hoàn toàn có thể cho con bú và không cần phải trì hoãn việc này cho đến khi trẻ có miễn dịch với virus viêm gan B.
Viêm gan C
Hai tổ chức AAP và CDC đều cho rằng mẹ nhiễm viêm gan C hoàn toàn có thể cho con bú. Mặc dù một số trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm viêm gan C trong khi mang thai hoặc lúc sinh ra, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ không có tỷ lệ viêm gan C cao hơn so với trẻ bú sữa ngoài. Thậm chí, việc cho con bú có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh viêm gan C từ mẹ sang con bằng cách cung cấp các kháng thể truyền cho em bé thông qua sữa mẹ.
Những trường hợp nhiễm khuẩn khác cần phải được bác sĩ điều trị cho bạn đánh giá và tư vấn xem có nên cho con bú hay không. Chỉ có rất ít trường hợp bạn không được cho con bú, thậm chí ngay cả khi bị viêm tuyến vú bạn vẫn có thể cho bé bú bình thường. Tình trạng này thường được điều trị bằng kháng sinh, cho bú thường xuyên hoặc nặn sữa, dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi hợp lý.
Bệnh lao
Nếu mắc bệnh lao, bạn vẫn có thể cho con bú miễn là bạn đang được điều trị đầy đủ. Các mẹ bị bệnh lao nhưng chưa được điều trị không nên cho con bú hoặc tiếp xúc trực tiếp với trẻ sơ sinh, cho đến khi bắt đầu điều trị bằng thuốc thích hợp và không còn khả năng lây nhiễm.
Trong hầu hết các trường hợp, bạn hoàn toàn có thể cho con bú sau khi bạn đã uống thuốc kháng sinh trong khoảng hai tuần và bác sĩ khẳng định bạn không lây nhiễm nữa. Bạn nên bắt đầu nặn sữa ra ngay sau khi sinh, và sữa được nặn ra có thể cho bé uống cho đến khi bạn có thể cho con bú trực tiếp.
Nếu có phản ứng dương tính với lao nhưng chụp X-quang ngực vẫn bình thường, bạn nên nói chuyện với bác sĩ. Bạn sẽ được chữa trị bằng thuốc và vẫn có thể cho con bú trong trường hợp này.
Ung thư
Nếu bị chẩn đoán ung thư vú và đã từng được điều trị, bạn có thể lo lắng về việc cho con bú có ảnh hưởng gì đến hai mẹ con hay không. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là bạn không thể cho bé bú. Nếu bạn đã từng phẫu thuật 1 bên vú, bạn có thể cho bé bú với bên ngực còn lại. Nếu vú của bạn có khối u đã được phẫu thuật hoặc xạ trị, bạn vẫn có thể cho bé bú. Tuy nhiên sản lượng sữa của bạn sẽ ít hơn. Hãy luôn trao đổi về các lựa chọn cho con bú của bạn với bác sĩ.
Phẫu thuật vú
Trước đây, nhiều người từng lo ngại về việc liệu cho con bú sau phẫu thuật độn ngực có an toàn không, nhưng thực tế không có bằng chứng cho thấy silicone nâng ngực gây hại cho bé. Trong hầu hết trường hợp, phẫu thuật thẩm mỹ để tăng kích cỡ bộ ngực thường không tác động đến việc cho con vú miễn là đầu vú không bị dịch chuyển và ống dẫn sữa không bị cắt đi.
Ngược lại, phẫu thuật để giảm kích cỡ ngực có nhiều khả năng ảnh hưởng đến việc cho con bú, đặc biệt khi hai núm vú bị định lại vị trí trong quá trình phẫu thuật dẫn đến việc phải cắt bỏ hoàn toàn các ống dẫn sữa hoặc dây thần kinh. Với các bà mẹ đã từng phẫu thuật nở ngực, bé sẽ cần phải được theo dõi cẩn thận để đảm bảo rằng bé được bú đủ. Tuy nhiên, các mẹ vẫn có thể cho con bú bình thường nếu ca phẫu thuật diễn ra đã lâu.
Nếu bạn đã có bất kỳ cuộc phẫu thuật ngực nào, thậm chí là sinh thiết vú, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho bé bú sữa và mẹ cần bảo đảm rằng bé được bú no.
Các bệnh thông thường
Những người mẹ khỏe mạnh đôi khi vẫn bị bệnh. Nếu bạn tạm thời không thể cho con bú vì một căn bệnh nghiêm trọng hoặc đang dùng thuốc, nguồn sữa của bạn phải được vắt ra bằng tay, bằng máy bơm sữa hay các cách khác.
Bằng cách sử dụng một máy hút sữa để duy trì sữa của bạn, bạn có thể đảm bảo cho con bú liên tục sau khi hết bệnh và trong thời gian tiếp theo. Trong vài trường hợp hiếm khi người mẹ không thể tự hút sữa vì bệnh nặng, nhân viên y tế có thể hút sữa để giúp bạn thoải mái, giảm nguy cơ nhiễm trùng vú và có thể tiếp tục tiết sữa sau này. May mắn thay, những bệnh nặng thì hiếm gặp và bệnh nhiễm trùng nhẹ thì hiếm khi ảnh hưởng đến việc cho bé bú.
Bạn có thể tham khảo thêm cách vắt và bảo quản sữa hiệu quả và những trường hợp khác mẹ không nên cho con bú trên Hello Bacsi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!