Việc phát hiện ra các bệnh tại cổ tử cung phức tạp hơn phát hiện các bệnh về vú. Đối với các bệnh về vú, phụ nữ có thể phát hiện sớm bằng cách tự khám vú. Thế nhưng các bệnh ở cổ tử cung đòi hỏi các chị em phải đi khám phụ khoa mới phát hiện được.
Tính đến thời điểm này chỉ có khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi 20 đến 60 đi khám phụ khoa định kỳ. Số còn lại không chủ động trong việc khám bệnh. Họ chỉ đi khám khi thấy có vấn đề khó chịu tại vùng kín hoặc khi có bạn rủ đi khám hoặc chứng kiến một ca bệnh đã bị ung thư cổ tử cung.
Tám câu hỏi dưới đây sẽ giúp giúp chị em có được kiến thức cơ bản về bệnh tại cổ tử cung, ung thư cổ tử cung để phòng bệnh một cách hữu hiệu nhất cho bản thân.
Câu hỏi 1: Thế nào là cổ tử cung bình thường?
Cổ tử cung bình thường là cổ tử cung mềm mại trong những ngày có kinh nguyệt và trở lại săn chắc sau khi sạch kinh một tuần. Khi khám phụ khoa, bạn quan sát thấy cổ tử cung có màu hồng hào, trơn bóng. Khi bác sĩ sử dụng dung dịch Lugol 3-5%, thuốc bắt màu nâu đều khít đến ven lỗ cổ tử cung.
Câu hỏi 2: Vậy thế nào là cổ tử cung không bình thường?
Là cổ tử cung không có độ trơn bóng, khi bôi Dung dịch Lugol 3-5% thấy bắt màu không đều, lộ ra một vùng không bắt màu, kích thước to hay nhỏ tùy vào độ viêm loét của mỗi người.
Câu hỏi 3: Dấu hiệu nào để biết cổ tử cung đã có vấn đề?
Trên thực tế viêm nhiễm tại cổ tử cung rất kín đáo, ít có biểu hiện để nhận biết. Do đó rất nhiều phụ nữ chủ quan không đi khám, đa phần chỉ đi khám khi thấy có dấu hiệu khó chịu tại vùng kín mà đồng thời phát hiện ra.
Câu hỏi 4: Làm thế nào để biết cổ tử cung đã bị viêm? Viêm nặng hay viêm nhẹ?
Chỉ có đi khám phụ khoa mới biết được cổ tử cung bị viêm. Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ chấm dung dịch Lugol 3-5% vào cổ tử cung, đánh giá ban đầu xem cổ tử cung có bị viêm hay không, mức độ nặng hay nhẹ, viêm rộng hay hẹp. Có hai mức viêm: Viêm cổ tử cung (nhẹ) và viêm lộ tuyến cổ tử cung (nặng hơn).
Câu hỏi 5: Làm thế nào để biết tại cổ tử có nguy cơ liên quan đến gây ung thư hay đã mắc ung thư?
Cách duy nhất là khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, với hai phương pháp: VIA (chấm dung dịch Axit Acetic 3%) hoặc xét nghiệm tế bào âm đạo cổ tử cung (PAP, E-Pret). Kết quả xét nghiệm sẽ đưa ra kết luận ban đầu xem cổ tử cung bình thường, có yếu tố liên quan ung thư hay đã mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, để có được kết luận chính xác về việc có mắc ung thư hay không, người bệnh vẫn cần phải xác định thêm bằng sinh thiết tại chỗ và xét nghiệm tìm vi rút HPV (loại vi rút gây ung thư).
Câu hỏi 6: Nhóm người nào có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Các chị em có các vấn đề dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao:
- Thường xuyên viêm nhiễm tại bộ phận sinh dục dưới, trong đó có viêm lộ tuyến cổ tử cung lâu ngày không chữa.
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là bệnh sùi mào gà (nhiễm HPV).
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Quan hệ tình dục quá sớm trước 17 tuổi, hoặc sinh đẻ, phá thai nhiều lần.
- Kém vệ sinh, không đi khám sức khỏe.
- Mắc các bệnh khác khiến sức đề kháng giảm.
- Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh.
Câu hỏi 7: Những dấu hiệu nào nghi ngờ về ung thư cổ tử cung?
- Ra máu sau giao hợp.
- Ra máu sau mãn kinh, rong kinh kéo dài.
- Ra dịch âm đạo mùi khó chịu.
- Đau vùng khung chậu, đau lưng.
- Đau khi đi tiểu tiện hoặc có máu trong nước tiểu, trong phân.
Câu hỏi 8: Cách phòng tránh viêm nhiễm tại cổ tử cung và ung thư cổ tử cung?
- Hãy lắng nghe cơ thể của mình, để ý nếu vùng kín có dấu hiệu không bình thường, nên đi khám sớm để được tư vấn và chữa sớm
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Rửa bên ngoài thường xuyên, ngày 2 lần sáng và tối. Rửa bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc nước sạch, rửa dưới vòi nước chảy hay gáo dội. Tuyệt đối không được ngâm bộ phận sinh dục vào chậu hoặc thụt rửa bên trong âm đạo. Ngoài ra, chị em phụ nữ nên hình thành thói quen rửa sau khi đi đại tiện, dùng giấy sạch thấm khô sau khi đi tiểu tiện. Lưu ý không chùi từ sau ra trước để tránh làm dính chất thải từ lỗ hậu môn sang bộ phận sinh dục. Lưu ý vệ sinh khi có kinh nguyệt ngày 3-5 lần kể cả ngày kinh cuối cùng.
- Đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm đều hàng năm để phát hiện sớm nhất các nguy cơ gây bệnh, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu có viêm nhiễm tại cổ tử cung, cần chữa sớm để tránh biến chứng.
- Sống chung thủy một vợ một chồng.
- Tiêm phòng ung thư cổ tử cung khi chưa quan hệ tình dục.
Bác sĩ CKI: Trần Thị Minh Tâm
Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Tâm, với vai trò chuyên gia, tham gia truyền thông về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản” đến người lao động tại một số KCN trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh trong khuôn khổ giai đoạn 2 Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt”. Đây là dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của tổ chức DKT International Inc và Tập đoàn TH.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!