85 ca bệnh nặng được hội chẩn sau 2 tháng triển khai khám, chữa bệnh từ xa

Thời sự - 05/01/2024

Sau gần 2 tháng mô hình khám, chữa bệnh (KCB) từ xa được BV Đại học Y Hà Nội triển khai do Bộ Y tế lựa chọn làm thí điểm, nhằm chăm sóc cho người bệnh trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, mô hình đã bước đầu cho thấy tính hiệu quả cao.

Đã có 85 ca bệnh nặng được hội chẩn, để từ đó, quyết định chuyển viện 20 ca, trong đó, có 6 ca chuyển đến BV Đại học Y Hà Nội và đã được điều trị thành công, ra viện.

Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, mô hình khám chữa bệnh từ xa đang mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời giảm bớt được sự vất vả, tốn kém mỗi khi bệnh tật, ốm đau. Hơn 2 tháng qua, BV Đại Học Y Hà Nội đã tổ chức được 15 buổi khám chữa bệnh từ xa với 29 BV, trong đó có 5 BV tuyến tỉnh, 5 BV đa khoa khu vực, 17 cơ sở y tế tuyến huyện, hiện tại bv đã kết nối với 1 phòng khám đa khoa tại Campuchia và đang có vài cơ sở y tế của Lào và Myanmar xin kết nối... 'Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị chưa được nâng cao về chuyên môn. Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy', PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nói.

85 ca bệnh nặng được hội chẩn sau 2 tháng triển khai khám, chữa bệnh từ xa

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại buổi hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Theo PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào – Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp của BV Đại học Y Hà Nội - cho biết Khám chữa bệnh từ xa không thể thay thế tuyệt đối phương pháp truyền thống, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến BV, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ BV cơ sở đến BV trung ương, đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh.

Đáng nói là tất cả các trường hợp mà BV tuyến dưới đưa ra hội chẩn, đều là các ca bệnh nặng, phức tạp, mà các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Nhờ các buổi KCB từ xa, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống, khi các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời.

Được biết, không chỉ hỗ trợ các BV tuyến dưới trong các buổi KCB từ xa, các bác sĩ của BV Đại học Y Hà Nội còn hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới trong điều trị, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh bất cứ lúc nào.

85 ca bệnh nặng được hội chẩn sau 2 tháng triển khai khám, chữa bệnh từ xa

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào – Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp của BV Đại học Y Hà Nội tại buổi hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Cùng với hội chẩn, các chuyên gia ở BV Đại học Y Hà Nội còn có các báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức của các chuyên ngành cho cán bộ y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có 12 báo cáo với các chủ đề, chuyên khoa khác nhau: ngoại tiết niệu, tim mạch, ung thư, can thiệp chẩn đoán hình ảnh, ngoại chấn thương, sức khỏe tâm thần, nội tiết…

Vì thế, mỗi buổi khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế.

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào chia sẻ thêm, các BV đều có thể tham gia khám chữa bệnh từ xa, bằng việc đề xuất để BV Đại học Y Hà Nội khảo sát, đánh giá hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và quyết định lựa chọn. Hiện có tới 86 cơ sở y tế đăng ký, nhưng mới có 29 đơn vị được kết nối.

Mô hình thí điểm khám chữa bệnh từ xa tại BV Đại học Y Hà Nội trong thời gian qua sẽ được nhân rộng trên cả nước. Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án 'Khám, chữa bệnh từ xa' giai đoạn 2020 - 2025. Đề án này hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Các cơ sở y tế sẽ được hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!